Viêm thanh quản: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Viêm thanh quản là gì?

Viêm thanh quản thường do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc các yếu tố môi trường. Đặc biệt khi thời tiết thay đổi chuyển rét đột ngột, cơ thể không thích nghi kịp dễ dẫn đến viêm thanh quản cấp. Đối với trẻ em, không nên chủ quan khi chăm sóc và điều trị.

Viêm thanh quản
Viêm thanh quản

Nguyên nhân, triệu chứng của viêm thanh quản

Viêm thanh quản cấp là tình trạng niêm mạc dây thanh quản bị viêm hoặc sưng lên do nhiễm virus, hoặc do thời tiết thay đổi chuyển lạnh đột ngột, cơ thể không thích nghi kịp. Viêm nhiễm có thể lan nhanh từ mũi họng xuống thanh quản hoặc ngược lại.

Trong khi đó, viêm thanh quản mạn tính xảy ra nguyên nhân chủ yếu là do tiếp xúc lâu dài với các yếu tố nguy cơ chẳng hạn như môi trường ô nhiễm, sử dụng giọng nói quá mức. Trường hợp này có nguy cơ kéo dài và trầm trọng hơn. Viêm thanh quản cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Các triệu chứng phổ biến của viêm thanh quản bao gồm: Sốt, ho, mất giọng, khản tiếng, khô họng, ho khan… khiến người bệnh mệt mỏi và khó chịu.

Qua nghiên cứu, người ta phát hiện nguyên nhân gây viêm thanh quản cấp chủ yếu là do virus: influenza, virut APC, Myxovirut, virut cúm, á cúm…

Bệnh xuất hiện đột ngột sau một buổi đi về khuya, mặc lạnh hoặc tiếp xúc với người bị cúm, uống bia rượu lạnh… Bệnh nhân thấy đau mình mẩy, nhức đầu, nuốt nước bọt thấy khô rát và đau, trong miệng tiết nhiều nước bọt nên phải nuốt thường xuyên… khiến người bệnh mệt mỏi và khó chịu.

Các triệu chứng tiếp theo thường là sốt, ho, mất giọng, khản tiếng. Bệnh diễn biến trong vòng 5 – 7 ngày rồi tự khỏi nếu không có biến chứng. Tuy nhiên, một số trường hợp bị bội nhiễm do sức đề kháng chung của cơ thể giảm sút có thể dẫn đến biến chứng viêm tai, viêm phổi… Khi đó, người bệnh cần được theo dõi, điều trị đúng và kịp thời, nếu thấy các biểu hiện như đau tai, chảy dịch ở tai, khó thở… thì nên vào viện ngay.

Không nên chủ quan với diễn biến bệnh

Viêm thanh quản cấp ở người lớn diễn biến chủ yếu theo chiều hướng tốt, chỉ cần điều trị triệu chứng là hạ sốt, giảm đau bằng paracetamol, giảm ho, chống phù nề, nên sử dụng corticoid trong những trường hợp này với thời gian 7 ngày… Bệnh nhân dần dần hết sốt, không ho và tiếng nói trong dần trở lại.

Tuy nhiên, viêm thanh quản cấp ở trẻ em diễn biến lại khá nguy hiểm do đặc điểm ở trẻ em là hiện tượng phù nề dữ dội trong khi kích thước đường thở của trẻ lại nhỏ chỉ bằng 1/3 người lớn, tổ chức liên kết vùng này lại lỏng lẻo nên dễ gây khó thở nặng và tử vong. Phù nề thường khu trú ở hạ thanh môn, có thể lan rộng xuống khí, phế quản. Niêm mạc thanh quản màu đỏ hồng hoặc đỏ sẫm. Đôi khi quá trình viêm tạo nên những ổ áp-xe rồi vỡ loét do bội nhiễm làm mủ tràn xuống khí, phế quản dẫn đến viêm khí phế quản.

Viêm thanh quản cấp ở trẻ biểu hiện triệu chứng chính là khó thở kèm theo tiếng khóc khàn. Trẻ quấy khóc nhiều, ăn ít. Khó thở xuất hiện vào ngày thứ 4 đến ngày thứ 10 của bệnh. Khó thở kiểu thanh quản tăng nhanh trong vòng vài giờ rồi chuyển thành khó thở nặng. Tiếng ho ông ổng như tiếng chó sủa khi viêm nhiễm lan sâu xuống hạ thanh môn (ngay dưới thanh quản). Thỉnh thoảng lại xuất hiện một cơn co thắt thanh quản làm trẻ ngạt thở, trợn mắt, môi, mặt và đầu chi tím.

Viêm thanh quản ở trẻ em
Viêm thanh quản ở trẻ em

Triệu chứng toàn thân xấu. Trẻ sốt cao 39 – 40ºC, môi khô, lưỡi bẩn, mạch nhanh nhỏ, rất khó bắt. Lúc này, soi thanh quản sẽ thấy niêm mạc nhiều xuất tiết nhầy, hai dây thanh xung huyết, dưới thanh môn có hai khối phù nề hình thoi màu đỏ che lấp hạ thanh môn – đây chính là nguyên nhân gây khó thở. Bệnh tiến triển bất thường. Nếu diễn biến theo chiều hướng tốt, khó thở thuyên giảm sau vài ngày. Trong trường hợp xấu, khó thở ngày càng tăng và trẻ tử vong trong vòng 24 giờ nếu không được xử trí kịp thời.

Điều trị và phòng tránh

Viêm thanh quản cấp ở trẻ em phải được theo dõi chặt chẽ và điều trị tại các cơ sở có chuyên khoa tai mũi họng, cho trẻ thở oxy hỗ trợ nếu cần.

– Nếu thấy khó thở nặng, phải mở ngay một lỗ thở ở bên dưới chỗ phù nề thanh quản (mở khí quản);

– Dùng kháng sinh toàn thân đường tiêm nhóm ß lactam hoặc phối hợp với nhóm macrolid;

– Tiêm tĩnh mạch các thuốc chống viêm, giảm phù nề nhóm corticoid;

– Nếu có cơn co thắt, phải sử dụng thêm thuốc chống co thắt như salbutamol dạng khí dung hoặc tĩnh mạch;

– Sử dụng các thuốc an thần để tránh các kích thích tạo cơn khó thở;

– Nâng cao thể trạng cho trẻ là điều cần thiết để giúp trẻ chống đỡ lại bệnh.

Một số ít trường hợp bệnh nhân dưới 1 tuổi, viêm thanh quản cấp sau đó bị bội nhiễm liên cầu ß tan huyết nhóm A hoặc tụ cầu trở thành viêm thanh – khí – phế quản ngạt thở. Lúc này, quá trình phù nề xuất phát từ hạ thanh môn, sau đó lan nhanh xuống khí – phế quản, đồng thời niêm mạc đường hô hấp dưới xuất tiết nhiều nhầy đặc quánh làm tắc lòng khí – phế quản. Trẻ đột ngột sốt cao và khó thở nặng, khó thở nhanh, thở ậm ạch, có ran ở phổi. Bệnh diễn biến rất nhanh và thường tử vong sau 24 giờ.

Để phòng bệnh viêm thanh quản, nguyên tắc chung là cần giữ ấm vùng cổ, không nên uống nước đá lạnh, không hút thuốc, hạn chế bia rượu, đồ ăn cay nóng, nên đeo khẩu trang khi đi đường và ở những nơi đông người, vệ sinh răng miệng, họng hàng ngày.

Việc phòng tránh viêm thanh quản cấp cho trẻ nhỏ là hết sức cần thiết do mức độ nặng nề của bệnh. Tránh không cho trẻ dưới 5 tuổi ra ngoài trời khi trời khuya. Không đưa trẻ đi chơi những chỗ đông người, nhất là khi đang có dịch. Giữ ấm vùng cổ, ngực và bụng cho trẻ trong mùa lạnh.

Tác giả: PGS.TS. Phạm Thị Bích Đào – bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Ngày viết:
Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *