Những thông tin cần biết về chống nắng

Tác giả Bác sĩ Hoàng Văn Tâm

Bài viết Những thông tin cần biết về chống nắng được trích trong chương 2 sách Chăm sóc da trọn đời, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.

1. THÀNH PHẦN VÀ TÁC HẠI CỦA ÁNH NẮNG

1.1. Thành phần của ánh nắng

Trong ánh nắng có chứa tia cực tím (UV): UVC với bước sóng 200-280 nm, UVB: 280-320 nm, UVA: 320-400 nm và ánh sáng nhìn thấy: 400-700 nm. UVC là từ viết tắt của ultraviolet C (từ C là cancer tức là khả năng gây ung thư), UVB là ultraviolet B (B là burn tia cực tím gây bỏng nắng) và ultraviolet A (A là aging, tia cực tím gây lão hóa da).

Vậy UVC, UVB, UVA khác nhau thế nào: quan trọng nhất đó là sự khác nhau về bước sóng:

  • UVC có bước sóng ngắn nhất 200-280 nm nên bị tầng Ozon chặn 100%. Tuy nhiên, với sự ô nhiễm môi trường hiện tại thì nhiều nơi trên trái đất tầng Ozon đã bị phá huỷ, vì vậy nguy cơ ung thư da ngày càng tăng lên.
  • UVB có bước sóng ngắn 280-320 nm nên bị 90% tầng Ozon chặn lại, ngoài ra nó bị mây phản xạ nên chỉ chiếm khoảng 5% lượng tia cực tím ở trái đất. Khả năng đâm xuyên của UVB vào da không cao, vì vậy nó chủ yếu gây ra bỏng nắng và có thể gây ảnh hưởng đến ADN của các tế bào thông qua việc tạo ra 6-4 cyclobutane pyrimidine dimers.

UVA có bước sóng dài hơn (320-400 nm) nên không bị tầng Ozon ngăn cản, có khả năng đâm xuyên xuống dưới trung bì, gây ra lão hóa da cũng như ung thư da thông qua việc tạo ra các gốc oxy tự do (ROS). UVA chia thành 2 loại UVA-2 có bước sóng 320-340 nm, trong khi UVA-1 có bước sóng từ 340-400 nm. Vì bước sóng dài có khả năng đâm xuyên cao nên UVA chiếm phần lớn tia cực tím ở trái đất (khoảng 95%).

Thành phần của ánh nắng
Thành phần của ánh nắng

Tia UVC bị phản xạ hoàn toàn, tia UVB phản xạ một phần, tia UVA không bị phản xạ nên chiếm phần lớn lượng tia cực tím ở trái đất.

Các yếu tố môi trường ảnh hưởng tới tia cực tím:

  • Độ cao tăng lên 400 m thì cường độ tia UV tăng lên 4%, khi giảm 1 vĩ độ cường độ tia UV tăng lên 3%. Vào mùa hè cường độ tia UV cũng tăng lên.
  • Sương mù, khói bụi hoặc nhiều mây làm cường tia UV giảm xuống từ 10-90%. Cát, nước, tuyết phản xạ khoảng 90% tia UV, vì vậy, khi đi biển, tắm, trượt tuyết da có thể nhận được gần gấp đôi tia cực tím so với thông thường. Cường độ tia UV trong bóng râm giảm xuống từ 50-90%.

1.2. Tác hại của ánh nắng

a. Tác hại thấy ngay

Bỏng nắng: bỏng nắng chủ yếu gây ra bởi tia UVB. Sau khi đi nắng về các bạn chưa bị bỏng nắng ngay vì hiện tượng này thường xuất hiện sau khoảng vài giờ tiếp xúc với ánh nắng và phản ứng mạnh nhất sau khoảng 12 tiếng. Một số trường hợp sau 1-2 ngày mới xuất hiện bỏng nắng. Vì vậy, nếu bạn tiếp xúc với nắng hoặc chiếu tia cực tím để điều trị bệnh vào ban ngày, buổi chiều tối về mới có thể bị bỏng.

Thâm da: khi tiếp xúc với ánh nắng thì da thâm hơn theo các cách sau:

  • Đầu tiên: ánh nắng gây thâm da ngay lập tức (immediate pigment darkening), hiện tượng này xuất hiện vài phút sau phơi nắng và mất đi sau vài giờ do tái phân bố lại sắc tố melanin trên Thủ phạm của hiện tượng trên là UVB.
  • Sau giai đoạn thâm da ngay lập tức da có thể chuyển sang giai đoạn thâm da dai dẳng (persistent pigment darkening). Thâm da dai dẳng có thể kéo dài vài giờ hoặc vài tuần.
  • Cuối cùng là giai đoạn thâm da muộn tức là sau 3-5 ngày tiếp xúc với ánh nắng da mới sạm đi. Hiện tượng này chủ yếu gây ra bởi UVA, do cơ thể khi tiếp xúc với UVA sẽ mất thời gian để tổng hợp sắc tố melanin mới nên cần vài ngày mới gây thâm da. Hiện tượng này có thể kéo dài vài ngày cho tới vài tháng.

Ngứa là triệu chứng thường gặp khi đi nắng mà không dùng các biện pháp bảo vệ. Hiện tượng này làm chúng ta rất khó chịu, nhiều người không thể ngủ được vì ngứa.

Một số trường hợp bị tái phát bệnh herpes khi đi nắng về hoặc sau chiếu tia cực tím, đa phần là nhẹ, nhưng có thể gặp herpes lan tỏa gây nguy hiểm tới tính mạng. Vì vậy, nếu các bạn có tiền sử bị herpes thì không nên ra ngoài nắng mà không có các biện pháp bảo vệ.

Nếu không đeo kính chống nắng và dùng kem chống nắng quanh vùng mắt thì rất có thể các bạn sẽ bị viêm bờ mi và nghiêm trọng hơn là mắt bạn dễ bị đục thuỷ tinh thể do tia cực tím.

Một điều nữa mà chúng ta ít để ý: khi đi nắng về vài ngày có thể xuất hiện mụn giống như trứng cá ở mặt bên cánh tay, ngực, bả vai mà không rõ lý do. Đó chính là hiện tượng trứng cá vùng nhiệt đới (chi tiết xin xem bài chăm sóc da trứng cá).

Viêm da tiếp xúc với ánh nắng, mày đay do ánh nắng, phát ban đa dạng do ánh nắng… cũng là một trong những bệnh gây nên bởi ánh nắng mà chúng ta ít chú ý đến.

Viêm da tiếp xúc thực vật tăng sắc tố: đây là hiện tượng da tiếp xúc với các chất bắt nắng trong các loại thực vật như họ cam, họ chanh, cần tây… làm da dễ nhạy cảm với ánh nắng hơn, vì vậy nếu chúng ta tiếp xúc với một lượng ánh sáng nhất định (hay gặp sau đi nắng, đi biển) sẽ xuất hiện chấm, đám tăng sắc tố ở vùng tiếp xúc với loại thực vật đó.

Thâm da dai dẳng ở bệnh nhân điều trị bạch biến bằng tia excimer.
Thâm da dai dẳng ở bệnh nhân điều trị bạch biến bằng tia excimer.
Viêm da tiếp xúc thực vật ánh  sáng:  tiếp xúc với nước chanh khi đi biển.
Viêm da tiếp xúc thực vật ánh  sáng:  tiếp xúc với nước chanh khi đi biển.

b. Tác dụng phụ lâu dài của ánh nắng

Tia cực tím sẽ làm các bạn già đi nhanh chóng, da sẽ sạm đen, xuất hiện nhiều nếp nhăn, đồi mồi, rám má nặng hơn. Nhiều khi da xuất hiện các đốm trắng ở trên đó. Nguyên nhân của hiện tượng này là UVA, vì vậy, các bạn cần phải lựa chọn chống nắng phổ rộng chống được cả tia UVA để ngăn ngừa sự lão hóa này.

Ung thư da:

  • Thủ phạm chính của ung thư da là tia cực tím. Một thông tin làm các bạn giật mình đó là cứ trung bình 5 người ở Mỹ thì có 1 người bị ung thư da trong suốt cuộc đời của họ.
  • Khi bị bỏng nắng 1 lần trong đời, nhất là khi còn trẻ nguy cơ mắc ung thư da hắc tố sẽ tăng lên trung bình khoảng 2 lần, có nghiên cứu cho thấy rằng nguy cơ này tăng lên tới hơn 7 lần.
  • Ánh sáng gây ra các loại ung thư da như: ung thư tế bào đáy, ung thư tế bào gai, ung thư tế bào hắc tố. Ánh nắng không chỉ gây tăng nguy cơ ung thư ở da mà còn làm tăng nguy cơ ung thư ở môi. Ung thư ở môi thường rất ác tính, khả năng di căn lớn nên chúng ta cần dùng chống nắng ở vùng môi thật tốt để tránh hiện tượng trên.

c. Một số bệnh nặng hơn khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng

Các bệnh lý như khô da sắc tố, porphyrin da chậm, lupus ban đỏ, pemphigus, viêm da dầu… có thể nặng hơn khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng. Chính vì vậy, với các bệnh lý trên mọi người phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chống nắng.

2. CHỈ SỐ TIA CỰC TÍM

Để đưa ra cảnh báo cho cộng đồng về khả năng gây bỏng nắng của tia cực tím, WHO đã đưa ra chỉ số tia cực tím the ultraviolet index (UVI) với 11 mức cảnh báo trong đó từ UVI 11 là cực cao, 8-10 là rất cao, 6-7 là cao (ở các mức này chúng ta tránh tiếp xúc với ánh nắng lúc gần trưa, dùng mũ, quần áo, kính và kem chống nắng). UVI 3-5 là mức trung bình cần dùng mũ, quần áo và kem chống nắng. Trong khi UVI 1-2 không cần thiết phải dùng các biện pháp chống nắng.

UVI Nguy cơ Màu hiển thị Khuyến nghị
0-2.9 Thấp Xanh lục – Đeo kính râm.– Bôi kem chống nắng nếu trời đổ tuyết.
3-5.9 Trung bình Vàng –  Đeo kính râm + áo chống nắng + bôi kem chống nắng khi ra ngoài.–  Ở dưới bóng râm vào khoảng giữa trưa, lúc ánh nắng mạnh nhất.
6-7.9 Cao Cam – Đeo kính râm + mặc quần áo chống nắng + đội mũ rộng vành + bôi kem chống nắng khi ra ngoài.–  Giảm thời gian tiếp xúc với ánh nắng từ 11 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
8-10.9 Rất cao Đỏ – Đeo kính râm + mặc quần áo chống nắng + đội mũ rộng vành + bôi kem chống nắng khi ra ngoài.–  Cố gắng tránh tiếp xúc với ánh nắng từ 11 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
11.0+ Cao quá mức Tím – Đeo kính râm + mặc quần áo chống nắng + đội mũ rộng vành + bôi kem chống nắng khi ra ngoài.– Không tiếp xúc với ánh nắng từ 11 giờ đến 14 giờ.

3. CÁCH LỰA CHỌN QUẦN ÁO CHỐNG NẮNG PHÙ HỢP

Quần áo, mũ rộng vành là một trong những phương pháp chống nắng rất hiệu quả và dễ thực hiện lại không tốn kém. Tuy nhiên, để lựa chọn được quần áo chống nắng phù hợp cũng không phải là điều “dễ như ăn cháo” đâu các bạn.

Ưu điểm khi dùng quần áo chống nắng:

  • Đầu tiên phổ chống nắng của quần áo khá rộng chống được cả tia UVA và UVB.
  • Thêm vào đó, khả năng chống nắng của quần áo chống nắng ổn định hơn so với kem chống nắng (bởi vì hoạt chất chống nắng bị phá huỷ bởi ánh nắng).
  • Không như kem chống nắng để đạt được hiệu quả có thể phải bôi trước khi ra nắng 15-30 phút, bôi lại sau mỗi 2 tiếng theo khuyến cáo của WHO và phải bôi lượng kem chống nắng đủ lớn để đạt được kết quả tối ưu (thông thường liều 2 mg/cm2). Điều này làm cản trở việc dùng kem chống nắng của cộng đồng và thực tế là chúng ta rất lười bôi kem chống nắng. Các bộ phận ngoài mặt như tay chân thường không được dùng kem chống nắng dẫn tới hiện tượng da ở cẳng tay thì đen, da ở cánh tay thì trắng (do mặc áo ngắn tay ra đường).
  • Cuối cùng, quần áo chống nắng bạn có thể dùng được lâu dài, vì vậy đỡ được nhiều chi phí.

Câu hỏi đặt ra: quần áo bình thường có chống nắng tốt được hay không? Một nghiên cứu chỉ ra khoảng 75% loại vải đáp ứng nhu cầu chống nắng. Chúng ta cứ nghĩ là quần áo thông thường chống nắng tốt, thực tế không phải như vậy, bạn cần có quần áo chống nắng chuyên dụng. Các nhà khoa học sử dụng chỉ số UPF (ultraviolet protection factor) để đo lường khả năng chống nắng của quần áo. Theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ quần áo được xem là có khả năng cản tia UV khi có chỉ số UPF ít nhất là 40+ tương đương SPF 30+. Vậy khi lựa chọn quần áo chống nắng các bạn có thể hỏi chủ shop chỉ số UPF là bao nhiêu, hãy lựa chọn UPF ít nhất 40.

Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng chống nắng của quần áo:

  • Áo quần bằng lycra/elastane tốt nhất sau đó đến chất liệu plastic, nylon, polyester, tuy nhiên nhược điểm của các loại quần áo chống nắng này là khá bí và nóng. Vải cotton và tơ tằm chống nắng kém hơn nhưng thoáng hơn. Quần áo càng dày khả năng chống nắng càng Màu sắc tối màu như xanh rêu, đen có khả năng chống nắng tốt hơn quần áo sáng màu. Các sợi vải càng khít khả năng chống nắng càng cao. Áo quần bị ướt làm giảm khả năng chống nắng do khả năng tán xạ ánh sáng giảm xuống.
  • Vì vậy các bạn muốn chọn quần áo chống nắng có khả năng chống tia cực tím tốt có thể lựa chọn chất liệu lycra, plastic, nylon, polyester… có độ dày tốt (ví dụ 2 lớp), màu xanh rêu hay màu đen. Tuy nhiên, lựa chọn này lại khá bí bách. Chúng ta có thể lựa chọn chất liệu thoáng hơn như tơ tằm nhưng phải đảm bảo đủ độ dày, khít của sản phẩm.

4. CÁCH LỰA CHỌN KÍNH CHỐNG NẮNG PHÙ HỢP

Quầng thâm quanh mắt, nếp chân chim là 2 biểu hiện lão hóa có nguyên nhân chính là ánh sáng mặt trời. Chúng ta thường bỏ qua vùng quanh mắt khi bôi kem chống nắng vì sợ bôi vào mắt và vùng này rất nhạy cảm dễ bị xót, châm chích. Chính điều này làm cho vùng quanh mắt già đi nhanh hơn các vùng da khác. Vậy các bạn cần chú ý đến vùng quanh mắt nhiều hơn bằng cách chọn kem chống nắng phù hợp cho vùng mắt và lựa chọn cho mình 1 chiếc kính chống nắng tốt. Một câu hỏi được đặt ra: liệu kính thông thường có chống nắng được không: câu trả lời là KHÔNG và chúng ta cần dùng kính chống nắng riêng biệt.

Kính chống nắng là dụng cụ chống nắng rất quan trọng không chỉ để bảo vệ vùng da xung quanh mắt khỏi bị lão hóa, ung thư da mà còn tránh bị đục thuỷ tinh thể gây ra bởi tia cực tím. Cùng với kính chống nắng, mũ có lưỡi, mũ rộng vành giúp bảo vệ ánh nắng từ trên xuống. Theo hội mắt Mỹ có 6 típ sau để các bạn chọn kính chống nắng phù hợp. Trong 6 típ trên thì típ thứ nhất là quan trọng nhất:

  • Típ 1: chọn kính chống nắng có ghi chặn được 100% tia cực tím hoặc ghi nhãn hấp thụ tia cực tím tới 400
  • Típ 2: kính lớn cho hiệu quả hơn, bảo vệ cả mắt và da quanh mắt. Chọn kính ôm mắt và mặt theo kiểu wraparound.
  • Típ 3: kính màu đen không chống nắng tốt hơn kính màu khác.
  • Típ 4: màu sắc sặc sỡ của mắt kính không giúp chống tia tốt hơn. Nhưng đây cũng là 1 lựa chọn phù hợp với thời
  • Típ 5: kính phân cực giảm độ chói, giúp ta nhìn không bị chói khi lái xe hay ở dưới nước, loại này không chống được tia cực tím nên các bạn cần chú ý. Kính áp tròng không đủ để chống tia cực tím cho mắt của bạn.
  • Típ 6: không phải kính đắt tiền chống nắng tốt hơn loại rẻ tiền.

5. KÍNH Ô TÔ, KÍNH Ô CỬA SỔ CÓ BẢO VỆ BẠN ĐƯỢC KHỎI TIA CỰC TÍM VÀ ÁNH SÁNG NHÌN THẤY?

Nhiều bạn hỏi bác sĩ Tâm: em lái xe có kính ô tô che, em ở trong nhà đóng cửa có kính cửa sổ che thì có cần dùng kem chống nắng và đeo kính chống nắng không? Câu trả lời của bác sĩ là: vẫn nên bôi kem chống nắng vì kính ô tô và ô cửa sổ đa phần chỉ cản được tia UVB, phần lớn UVA vẫn xuyên qua được. Một số loại kính hiện tại có thể chống được tia UVA, mọi người cùng tìm hiểu cùng bác sĩ Tâm dưới đây.

Đầu tiên chúng ta nên biết có mấy loại kính ô tô, kính cửa sổ và tác dụng của từng loại:

  • Các loại kính như kính trắng, kính cường lực, kính in (printed glass) cản được UVB nhưng ít cản UVA và ánh sáng nhìn thấy. Chính điều này sẽ xảy ra hiện tượng lão hóa da một bên khi lái xe mà không bôi kem chống nắng trong thời gian dài: một bên mặt ánh nắng chiếu vào sẽ xuất hiện hiện tượng lão hóa như hình thành nếp nhăn, da chảy xệ… do kính ô tô chỉ cản được UVB trong khi bên mặt còn lại ít bị lão hóa da do bị ánh nắng chiếu vào thấp hơn.
  • Kính nhiều lớp (laminated glass) là loại có nhiều lớp kính ghép lại với nhau trong đó có lớp plastic là PVB – polyvinyl butyral, loại này loại bỏ được cả UVB, hầu hết Nếu có loại kính này thì bạn cũng yên tâm một phần.
  • Màu sắc của kính cũng giúp chống tia UVA, ánh sáng nhìn thấy: kính màu xanh có chứa hỗn hợp sắt oxide giúp ngăn cả UVA và ánh sáng nhìn thấy. Độ dày kính càng cao thì khả năng ngăn ngừa tia cực tím càng lớn.
Nam 69 tuổi bị lão hóa da do ánh nắng ở bên mặt trái nhiều hơn mặt phải do 28 năm lái xe tải hằng ngày (đi trên cung đường ánh nắng chiếu vào cabin bên trái nhiều hơn).
Nam 69 tuổi bị lão hóa da do ánh nắng ở bên mặt trái nhiều hơn mặt phải do 28 năm lái xe tải hằng ngày (đi trên cung đường ánh nắng chiếu vào cabin bên trái nhiều hơn).

Tóm lại: các loại kính ô tô, kính ô cửa sổ thường chống được UVB đơn thuần hoặc đôi khi chống cả UVB và UVA cũng như ánh sáng nhìn thấy (kính nhiều lớp, kính màu xanh…). Vì vậy, khi chọn ô tô và chọn chất liệu kính cho nhà của mình chúng ta cũng nên tìm hiểu về các loại kính.

6. THÀNH PHẦN TRONG KEM CHỐNG NẮNG

Kem chống nắng chứa các hoạt chất chống nắng, các chất chống oxy hóa, tá dược và các chất bổ sung khác như kiềm dầu, sáng da…

6.1. Hoạt chất chống nắng

a. Hoạt chất chống nắng vô cơ (hay còn gọi là chống nắng vật lý)

Gồm TiO₂ và ZnO được FDA của Mỹ công nhận dùng trong chống nắng vật lý. Ngoài 2 loại này còn có sắt oxide (iron oxide), kaolin, ichthammol, petrolatum, talc, calamine. Kem  chống  nắng  loại  này  tán xạ ánh sáng giúp da không bị ảnh hưởng.  Về  mặt  cấu  trúc  TiO₂  và  ZnO tồn tại dưới dạng hạt: hạt micro (> 1000 nm), dạng dưới micro (100-1000 nm) và dạng nano (< 100 nm). Dạng trình bày nano hiện tại hay được dùng vì ít gây màu trắng khi bôi. Khi dùng chống nắng vật lý các hãng dược thường thêm vào chất bọc bề mặt như dimethicone, nhôm (alumina), silica, triethoxycaprylylsilane. Khi dùng những chất bọc bề mặt làm tăng tính bền vững của chống nắng vật lý, giảm sự kết tụ của các hạt chống nắng.

Ưu điểm:

  • Chống được cả UVA và UVB: ZnO chống UVA (UVA-1, UVA-2) và UVB tốt hơn TiO₂ (chống UVB và chỉ UVA-2). Vì điều trên ZnO hay được dùng hơn vì chống được cả UVA-1. Ở dạng trình bày có kích thước hạt lớn ZnO và TiO₂ có thể chống được cả ánh sáng xanh.
  • Khả năng chống nắng ổn định theo thời gian, điều này khác với chống nắng hóa học bị phá huỷ bởi ánh nắng theo thời gian dùng.
  • Ít dị ứng, kích ứng vì thế hay được dùng trong chống nắng cho trẻ em, phụ nữ có thai, người có làn da nhạy cảm…

Nhược điểm:

  • Do cơ chế tán xạ, phản xạ nên khi bôi lên da chống nắng vật lý không chỉ phản xạ tia cực tím mà cả ánh sáng nhìn thấy, vì vậy mắt chúng ta thấy có màu trắng. TiO₂ có chỉ số tán xạ, phản xạ cao hơn nên trắng hơn ZnO. Chúng ta khắc phục hiện tượng này bằng cách tạo ra các chế phẩm có kích thước nhỏ ở mức nanomet (khi dùng kích thước nhỏ khả năng tán xạ và phản xạ giảm đi, khả năng hấp thụ tăng lên), tuy nhiên cũng chỉ giảm được phần nào đó, vì thế kem chống nắng vật lý vẫn có màu trắng nâng tông da. Đây là nhược điểm nhưng cũng có thể là ưu điểm (với các tín đồ thích màu trắng nhẹ nhàng) của chống nắng vật lý.
  • Khi bôi trên da kem chống nắng vật lý thường tạo ra bề mặt khô, thô ráp.

b. Hoạt chất chống nắng hữu cơ (hay còn là kem chống nắng hóa học)

Chống nắng hóa học dựa trên  cơ chế hấp thụ ánh sáng và được chia làm 2 nhóm lớn là nhóm hấp thụ UVA và nhóm hấp thụ UVB. Khác với chống nắng vật lý khi phản xạ tia UVA thì chắc chắn sẽ phản xạ lại UVB nhưng với chống nắng hóa học do cơ chế hấp thụ ánh sáng nên chỉ hấp thụ một dải bước sóng nhất định: avobenzone hấp thụ UVA-1 tốt nhưng lại hấp thụ UVB kém.

Nhóm hấp thụ UVB

  • Aminobenzoates: bao gồm PABA (p-aminobenzoic acid) và padimate-O (octyl dimethyl PABA). Các chất này không hòa tan trong nước và có khả năng tạo liên kết hydro chặt chẽ với tế bào sừng do đó được sử dụng trong các loại kem chống nắng chống nước. Tuy nhiên, các chất này gây ố vàng áo quần và tỉ lệ dị ứng khá cao (lên đến 4%). Ngoài ra, do quan ngại về nguy cơ gây ung thư nên hiện nay nhóm này ít được sử dụng.
  • Cinnamates gồm octinoxate (octyl methoxycinnamate [OMC]) và cinoxate (2-Ethoxyethyl P-methoxycinnamate).  OMC  là  chất  hấp  thụ  UVB  mạnh nhất, được sử dụng rộng rãi ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Khả năng hấp thụ UV có thể tăng hơn nữa khi được gói trong microsphere polymethylmethacrylate. Thuốc chống được nước và khả năng dị ứng thấp. Tuy nhiên, chất trên không tương thích với avobenzone (hoạt chất chống nắng dùng rộng rãi).
  • Salicylates: gồm octisalate (ethylhexyl salicylate), homosalate và trolamine salicylate được FDA chấp nhận sử dụng chống nắng. Những chất này được xem là nhóm có khả năng chống UVB yếu, tuy nhiên nếu kết hợp với các chất lọc UV khác thì lại tăng tác dụng để đạt được yêu cầu của SPF. Các chất này không xâm nhập vào da, khả năng dị ứng thấp. Octisalate và homosalate tồn tại dưới dạng dầu có cực nên khi dùng tạo cảm giác bóng nhờn còn trolamine salicylate thì tan trong nước nên không gây hiện tượng trên. Ngoài ra, chúng còn có tác dụng ổn định, ngăn chặn sự phân hủy của oxybenzone và avobenzone nên thường được kết hợp với các chất này trong kem chống nắng.
  • Octocrylene có tên gọi khác là 2-Ethylhexyl 2-Cyano-3,3-diphenylacrylate: tan trong nước, tính an toàn cao. Tuy khả năng hấp thu UV thấp nhưng cũng được xem như là chất ổn định avobenzone.
  • Từ các điều trên chúng ta có thể thấy chống nắng hóa học chống lại tia UVB có 2 mục đích chính: phối hợp với các chất chống tia UVA như avobenzone để tăng tính ổn định của chất này và tăng cường khả năng chống nắng của kem chống nắng.

Nhóm hấp thụ UVA

Benzophenones: là một nhóm các cetone thơm với khả năng hấp thụ UVA mạnh. Nhóm này tồn tại dưới dạng tinh thể tan trong dầu. Vì vậy, để hoà tan được các chất này cần thêm nhiều chất dưỡng ẩm, do đó chống nắng dùng trong hoạt chất trên khi dùng tạo cảm giác bóng nhờn trên da:

  • Oxybenzone (benzophenone-3) được phê duyệt bởi FDA. Do phổ hấp thụ 270-350 nm nên chủ yếu hấp thụ UVA-2. Khả năng gây kích ứng, dị ứng cao và có khả năng hấp thụ được vào tuần hoàn: người ta đã tìm thấy chất này trong máu và nước tiểu sau khi bôi trên Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng oxybenzone có tác dụng phụ lên nội tiết và có khả năng gây ung thư mặc dù những giả thuyết này chưa được chứng minh. Một điều nữa là oxybenzone không ổn định khi tiếp xúc với tia UV.
  • Avobenzone (butyl methoxydibenzoylmethane) có phổ hấp thụ 310-400 nm. Trong cấu trúc phân tử có 2 đồng phân mỗi đồng phân có 1 đỉnh hấp thụ riêng, nhưng nói chung đỉnh hấp thu xung quanh    360 nm. Đây hoạt chất chống nắng hóa học duy nhất hiện tại chống       lại UVA-1  nên trong các sản phẩm chống nắng hiện nay thường có.    Tuy nhiên, nó có các nhược điểm: không ổn định khi tiếp xúc với ánh sáng: giảm 50-90% phân tử sau tiếp xúc ánh sáng 1 giờ; không kết hợp được với octinoxate: sau khi hấp thụ ánh sáng avobenzone chuyển từ trạng thái ổn định sang trạng thái không ổn định, tại trạng thái này avobenzone sẽ kết hợp với octinoxate thành phân tử mới và làm mất tác dụng của cả 2. Để duy trì trạng thái ổn định của avobenzone người ta thêm vào một số chất ổn định trong đó bao gồm các chất có khả năng hấp thụ UV như: octocrylene hoặc các chất không có khả năng hấp thụ UV như diethylhexyl 2,6-naphthalate. Và nhược điểm cuối cùng: avobenzone làm vàng quần áo của chúng ta

Ecamsule có phổ hấp thu rộng 290-390 nm, hấp thụ cực đại ở 345 nm nên phổ tác dụng UVA-2, gần tới UVA-1. Chất này  không  tan  trong  nước, ổn định dưới ánh sáng và mức độ hấp thu toàn thân rất thấp.     Hiện nay FDA chấp thuận là hợp chất lọc UV,  tuy nhiên chỉ ở một số  dạng công thức nhất định. Công thức hay được sử dụng hiện nay là: ecamsule kết hợp với avobenzone, octocrylene và titan dioxide có trong kem chống nắng Vichy, Anthelios.

Một số chất chống nắng khác nhưng chưa được FDA Mỹ chấp nhận:

  • Bisoctrizole (methylene-bis-benzotriazolyl tetramethylbutylphenol): hợp chất này được bán trên thị trường với tên thương mại tinosorb M và được chấp thuận tại châu Âu, Úc và Nhật Bản. Nồng độ tối đa cho phép ở châu Âu là 10%. Phổ hấp thụ rộng cả UVA, UVB với hai đỉnh hấp thụ ở mức 303 và 360 Bản chất tinosorb M là một chất ổn định với ánh sáng và cũng có khả năng ổn định các chất hấp thụ UVA khác như avobenzone. Chất này là chất chống nắng hóa học nhưng cũng có khả năng tán xạ như chất chống nắng vật lý nhờ công nghệ hạt micro hoặc nano (vì vậy khi dùng chống nắng loại này cũng nâng tông da nhẹ). Nhờ kích thước phân tử lớn (659 Da) nên rất ít hấp thụ đường toàn thân. Nhiều kem chống nắng đến từ châu Âu chứa tinosorb M. Một trong những điểm lưu ý là: khi dùng hợp chất này dưới dạng nano cần chất bề mặt nhẹ, không ion là decyl glucoside. Đây là 1 chất bề mặt có thể gây viêm da tiếp xúc dị ứng (tuy tỉ lệ thấp).
  • Bemotrizinol (bis-ethylhex- yloxyphenol methoxyphenyl triazine): hợp chất này được bán trên thị trường với tên thương mại tinosorb S và được chấp thuận tại châu Âu, Úc, Nhật Bản. Nồng độ tối đa cho phép ở châu Âu là 10%. Phổ hấp thụ  rộng  từ 280-380 nm với hai đỉnh hấp thụ ở mức 310 và 343 nm. Trọng lượng phân tử lớn 629 Da nên rất ít hấp thu qua da và là chất ổn định với ánh sáng nhờ có cấu trúc đặc biệt. Chất này có trong kem chống nắng của hãng Avène.
Khả năng chống nắng của một số chất, avobenzone hấp thụ UVA tốt nhưng UVB kém.
Khả năng chống nắng của một số chất, avobenzone hấp thụ UVA tốt nhưng UVB kém.
  • Octyl triazone (ethylhexyl triazone): đây là chất hấp thụ UVB được bán rộng rãi trên thị trường châu Âu, Úc, Nhật Bản, ở Mỹ vẫn chưa được cấp phép sử dụng. Chất này ổn định dưới ánh sáng.

Mấy điều chốt rút ra từ bảng và các hoạt chất ở trên: thành phần chống nắng vật lý chống được cả UVA và UVB, tuy nhiên nó có màu trắng nên ít được ưa chuộng. Chống nắng hóa học không gây trắng da nhưng lại chủ yếu chống lại UVB (trừ avobenzone, ecamsule). Vì vậy, trên thị trường hiện tại thường kết hợp giữa chống nắng vật lý và chống nắng hóa học. Một    số hãng chỉ dùng chống nắng hóa học nhưng phải kết hợp avobenzone, ecamsule với hoạt chất chống tia UVB để chống nắng được cả UVA và UVB. Do đó, ta có cách chia kem chống nắng thành 2 dạng: kem chống nắng nâng tông (chứa chống nắng vật lý) và kem chống nắng không nâng tông (chứa chủ yếu thành phần chống nắng hóa học).

6.2. Các thành phần khác

Chất chống oxy hóa: các chất này cần đáp ứng đủ các yêu cầu: khả năng chống lại gốc tự do tốt, không được chuyển đổi thành chất có phản ứng chuỗi, công thức phải ổn định, nồng độ cần phải đủ cao, tuy nhiên khi ở nồng độ cao lại hay gây kích ứng da, không có các màu quá đậm. Vitamin C, vitamin E, selenium, silymarin, tinh chất trà xanh… là các chất chống oxy hoá hay được thêm vào chống nắng.

Thành phần khác:

  • Dưỡng ẩm bít như silicone, petrolatum hay glycerol, propylene glycol là những chất hút ẩm cũng thường được đưa vào kem chống nắng.
  • Thuốc xua côn trùng DEET hay các thành phần khác đôi khi cũng được đưa vào chống nắng của trẻ em. Với DEET có thể bảo vệ các em bé khỏi côn trùng đốt > 8 giờ.
  • Một số thành phần hấp thụ dầu, sáng da có thể thêm vào kem chống nắng, tuy nhiên hiệu quả cũng hạn chế, mang tính chất thương mại nhiều hơn.

7. TÁC DỤNG PHỤ CỦA KEM CHỐNG NẮNG

7.1. Hấp thu vào toàn thân

Vấn đề quan trọng nhất trong đánh giá mức an toàn của kem chống nắng đó là các hoạt chất chống nắng chỉ ở ngoài da và không được hấp thu vào đường tuần hoàn. Các bạn yên tâm là các kem chống nắng vật lý như ZnO và TiO2 không bị hấp thụ đường toàn thân kể cả ở dưới dạng phân tử nhỏ.

Thông tin về hấp thu toàn thân của kem chống nắng hóa học còn hạn chế. Một nghiên cứu thử nghiệm trên người khỏe mạnh được bôi kem chống nắng có một trong các thành phần avobenzone, oxybenzone, octocrylene, hoặc ecamsule, với liều lượng 2mg/cm² x 75% diện tích cơ thể x 4/lần/ngày x 4 ngày, trong thời gian đó 30 mẫu máu đã được lấy để định lượng nồng độ các chất này. Kết quả: nồng độ các chất trên đều vượt ngưỡng quy định 0,5 ng/ml. Tuy nhiên, kết quả này cũng không bác bỏ khuyến cáo sử dụng kem chống nắng có các chất trên bởi vì: hầu như mọi người không thoa đủ lượng kem chống nắng như khuyến cáo, cũng như thường bôi ở diện tích nhỏ và số lần sử dụng cũng thường ít hơn so với thử nghiệm. Các chất chống nắng hóa học còn lại hầu như không hấp thụ toàn thân.

Từ các dữ liệu này chúng ta có thể thấy, một số kem chống nắng hóa học vẫn có thể được hấp thụ vào toàn thân với lượng nhỏ, chính vì vậy, khi dùng kem chống nắng, bắt buộc các bạn phải tẩy trang, rửa mặt vào buổi tối, không nên để kem chống nắng qua đêm.

7.2. Kem chống nắng gây kích ứng, dị ứng

Các hoạt chất hấp thụ tia cực tím có tính acid gây kích ứng mạnh như: PABA, amyl-dimethyl-PABA, benzophenone-10 hiện nay không được sử dụng trong các loại kem chống nắng.

Oxybenzone là hoạt chất chống nắng phổ rộng thường được dùng là nguyên nhân gây kích ứng hay gặp nhất, tuy nhiên tỉ lệ gặp dưới 0,1%. Một nghiên cứu lớn trên 24 nghìn bệnh nhân ở Bắc Mỹ chỉ ra rằng có 0,9% bệnh nhân mẫn cảm với kem chống nắng trong đó 3 thành phần gây dị ứng hàng đầu là oxybenzone, DL-alpha-tocopherol và nước hoa.

Kem chống nắng hóa học đôi khi gây viêm da tiếp xúc dị ứng ánh sáng (tức là khi ra ngoài nắng chúng ta bị phản ứng mạnh hơn, trái ngược lại với tác dụng chống nắng của chính bản thân nó). Với những bạn bị kích ứng, dị ứng với kem chống nắng hóa học thì kem chống nắng thuần vật lý là một lựa chọn tối ưu.

7.3. Kem chống nắng ảnh hưởng tới hệ nội tiết

Một vài nghiên cứu trong ống nghiệm, trên động vật chỉ ra rằng avobenzone có ảnh hưởng đến hormon sinh dục như estrogen và Trong một nghiên cứu trên cá thấy rằng: phơi nhiễm lâu dài với avobenzone gây ra giảm sản xuất trứng cá và tăng tỉ lệ trứng cá bị hỏng. Tác dụng lên estrogen phụ thuộc liều đã được quan sát thấy ở chuột khi chuột được uống nước có chứa nồng độ cao avobenzone.

Vậy tác động của kem chống nắng lên hệ nội tiết ở người thế nào?

  • Người ta ước tính rằng nếu 1 người bôi kem chống nắng có chứa avobenzone với hàm lượng 2 mg/cm² trên diện tích da toàn bộ cơ thể cần 35 năm để đạt được nồng độ gây bệnh như trên chuột.
  • Một số nghiên cứu ngắn hạn đã chỉ ra rằng sử dụng kem chống nắng có chứa oxybenzone không làm thay đổi đáng kể chức năng nội tiết, sinh sản hoặc tuyến giáp.
  • Trong một nghiên cứu liên quan đến 15 nam và 17 phụ nữ sau mãn kinh, việc sử dụng kem chống nắng có chứa 1 trong 3 thành phần benzophenone-3, octyl-methoxycinnamate và 3-methyl-benzylidene dẫn tới sự xuất hiện các chất này trong huyết tương, nước tiểu nhưng không làm thay đổi hormone FSH và
  • Trong một nghiên cứu khác ở 501 cặp vợ chồng đã ngừng sử dụng biện pháp tránh thai để mang thai, nồng độ benzophenone-2 và 4-hydroxybenzophenone trong nước tiểu có liên quan đến việc kéo dài thời gian mang thai. Tuy nhiên, phát hiện này phải được giải thích một cách thận trọng vì thiếu kiểm soát đối với các yếu tố gây nhiễu.
  • Hơn nữa, kể từ khi phát hiện ra oxybenzone từ năm 1978 đến nay chưa có tác dụng phụ toàn thân nào được phát hiện ở người.

Từ các nghiên cứu trên có thể thấy avobenzone và oxybenzone có thể gây ảnh hưởng tới nội tiết ở trên động vật khi sử dụng một lượng lớn và trong một thời gian rất dài. Chính vì vậy, ở thời điểm hiện tại các hoạt chất chống nắng thông thường vẫn chứng minh được tính an toàn và vẫn được FDA của Mỹ cấp phép sử dụng. Tuy nhiên, trong tương lai chúng ta cần đợi chờ những thành phần chống nắng an toàn hơn nữa để thay thế avobenzone và oxybenzone.

7.4. Kem chống nắng gây ung thư

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra các aminobenzoate có thể là tác nhân gây ung thư, hơn nữa tỉ lệ kích ứng, dị ứng cao do đó ngày nay aminobenzoate gần như không còn được sử dụng nữa. Thông tin này hi vọng sẽ xoá tan được tin đồn kem chống nắng hiện tại gây ung thư.

7.5. Kem chống nắng có gây ảnh hưởng môi trường

  • Oxybenzone và octinoxate gần đây được hạn chế dùng ở Hawaii do có khả năng làm trắng san hô. Điều này giải thích là san hô không thể tổng hợp được sắc tố do thiếu ánh sáng mặt trời (do 2 chất này đã phản xạ, tán xạ, hấp thu ánh sáng mặt trời tới san hô). Vì vậy, một số kem chống nắng hiện tại có ghi là an toàn với môi trường tức là không có chứa oxybenzone và octinoxate.

7.6. Dùng kem chống nắng và tình trạng thiếu vitamin D

Chúng ta biết rằng UVB chịu trách nhiệm chính trong việc tổng hợp vitamin D ở Chính vì thế rất dễ hiểu khi đặt ra câu hỏi: liệu khi sử dụng kem chống nắng tôi có nguy cơ thiếu vitamin D hay không?

Hiện tại chưa có thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên hoặc theo dõi trong thời gian dài chứng minh kem chống nắng làm giảm đáng kể vitamin Một vài nghiên cứu trên mô hình thiết lập đã chỉ ra rằng nếu như bôi đủ lượng kem chống nắng trước khi tiếp xúc với tia UVB dẫn tới giảm sản xuất vitamin D.

Những đối tượng dễ bị thiếu hụt vitamin D hơn khi dùng kem chống nắng: trẻ em ít được bú mẹ, người già, bệnh nhân có hội chứng kém hấp thu, béo phì. Do đó, những bệnh nhân trên nếu tuân thủ chế độ chống nắng nghiêm ngặt thì cần bổ sung vitamin D: với người 0-12 tháng 400 đơn vị/ ngày, 1-70 tuổi 600 đơn vị/ngày, > 70 tuổi 800 đơn vị/ngày. Các bạn nhớ những bệnh nhân đối tượng nguy cơ cao mà TUÂN THỦ CHẾ ĐỘ CHỐNG NẮNG NGHIÊM NGẶT mới cần bổ sung vitamin D.

8. NHỮNG PHÀN NÀN KHI DÙNG CHỐNG NẮNG VÀ CÁCH KHẮC PHỤC

Kem chống nắng gây dính: kem chống nắng với chỉ số SPF cao thì càng dính do nồng độ chất chống nắng tăng lên. Nếu bạn không muốn bị dính thì chống nắng với SPF15 là phù hợp. Nếu dùng đủ liều chống nắng thì SPF15 vẫn là lựa chọn tốt.

Kem chống nắng làm da nóng, chảy nhiều mồ hôi hơn. Điều này là do khi dùng chống nắng hóa học chúng hấp thụ tia cực tím và chuyển thành nhiệt. Vợ bác sĩ Tâm là bác sĩ Thảo cũng bị tình trạng trên, bà xã than phiền rằng cứ gần cuối buổi chiều da mặt trở nên đỏ và ấm. Nếu bạn không thấy thoải mái về điều này thì kem chống nắng vật lý là lựa chọn tốt.

Kem chống nắng gây mụn trứng cá: một số người phàn nàn rằng bôi chống nắng trong vòng 1-3 ngày xuất hiện mụn viêm. Điều này có thể do tá dược có trong kem chống nắng hoặc do chống nắng chống nước tạo 1 lớp màng ở trên da gây tắc nang lông. Cách khắc phục: dùng chống nắng có ghi oil-free, non-comedogenic, non-acnegenic; hoặc có thể chuyển sang chống nắng không chống nước; cách thứ 3 là bôi thử kem chống nắng 5 ngày liên tiếp vào buổi tối ở 1 vùng nhỏ trước tai của bạn, nếu sau 5 ngày không thấy mụn trứng cá xuất hiện ở vùng bôi thì yên tâm sử dụng.

Khi dùng chống nắng bị châm chích, xót, đặc biệt là vùng quanh mắt. Cảm giác này hay gặp ở kem chống nắng dạng gel vì có thể chứa cồn trong đó. Để khắc phục bạn có thể chọn chống nắng dạng Khi kem chống nắng vào mắt cũng gây ra hiện tượng châm chích này. Để hạn chế tình trạng trên thì chúng ta có thể sử dụng chống nắng quanh mắt dạng thỏi (sun stick).

Một trong những điều phàn nàn khi bôi chống nắng nữa đó là một số phụ nữ thấy rằng khi sử dụng kem nền lên trên chống nắng thì trông mặt khá là bóng và dính. Để khắc phục hiện tượng này bạn có thể dùng phấn nền lên trên chống nắng hoặc chọn loại chống nắng có màu hay kem nền có kèm chống nắng.

Tip

  • Chống nắng với SPF thấp ít dính hơn.
  • Chọn chống nắng vật lý nếu không muốn da nóng.
  • Chọn chống nắng oil-free, non-comedogenic, non-acnegenic.
  • Chống nắng dạng cream ít gây châm chích hơn.
  • Dùng chống nắng màu nếu bạn muốn che đi rám má và khuyết điểm của mình.
  • Nên có nhiều loại chống nắng cho các vùng cơ thể.

Chống nắng làm ố vàng quần áo: do avobenzone gây nên, ngoài ra kem chống nắng còn có 1 lớp màng dầu ở phía trên nên khó tẩy rửa bằng các phương pháp thông thường. Cách đơn giản để tránh hiện tượng này là không dùng chống nắng có avobenzone. Nhưng rất khó kiếm được chống nắng này vì avobenzone là hoạt chất chống nắng duy nhất có phổ rộng chống được cả tia UVA-1. Bạn thường phải tìm chống nắng vật lý đơn thuần mới không có avobenzone. Chúng ta có thể sử dụng các chất tẩy rửa thông thường để xử lý tình trạng trên sớm, nhưng nếu quần áo bị vàng ố lâu ngày thì làm theo các bước sau đây:

  • Bước 1: hãy loại bỏ nhiều nhất có thể chất chống nắng bằng nước hoặc bàn chải trước, sau đó lau khô.
  • Bước 2: rắc soda bicarbonate hoặc bột ngô lên vùng bị ố vàng để hấp thụ dầu trong kem chống nắng. Để như vậy trong vòng 30 phút trước khi chải đi.
  • Bước 3: chải hết soda hoặc bột ngô, sau đó vò quần áo với xà phòng dạng lỏng.
  • Bước 4: ngâm quần áo với nước nóng trộn lẫn với xà phòng trong vòng khoảng 30 phút. Sau đó rửa đi bằng nước nóng.
  • Bước 5: nếu sau 4 bước trên mà chưa thành công bạn có thể thêm bước 5: phơi quần áo ở ngoài ánh nắng sau đó dùng nước chanh thấm vào chỗ bị ố vàng. Nước chanh sẽ giúp tẩy trắng quần áo tốt. Nếu bạn không dùng nước chanh thì có thể sử dụng hóa chất làm trắng.

9. CÁC CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ CHỐNG NẮNG

9.1. Chỉ số đánh giá khả năng chống lại UVB: SPF (Sunburn Protection Factor)

In-vivo: chỉ số SPF được xác định bằng tỉ lệ liều đỏ da tối thiểu trên da được bảo vệ bởi kem chống nắng/liều đỏ da tối thiểu trên da không được bảo vệ bởi kem chống nắng.

In vitro: được xác định bằng chỉ số tia UVB có thể truyền màng phim có chứa chất chống nắng, phương pháp đếm chỉ số tia UV được thực hiện dựa trên máy đo quang phổ.

Như vậy có thể hiểu chỉ số SPF theo 2 cách:

  • Theo phần trăm: chỉ số SPF còn thể hiện khả năng ngăn chặn tia UVB dưới dạng %. Ta có công thức tính khả năng chống nắng = (1 – 1/SPF).100. Theo công thức này kem chống nắng có SPF 15 chặn được 93% tia UVB trong khi kem chống nắng có SPF 30 chặn được 97% tia UVB và với SPF 50 chặn được 98% tia UVB. Như vậy, kem chống nắng SPF 30 chỉ giúp bạn bảo vệ hơn 4% so với kem chống nắng SPF 15, kem chống nắng SPF 50 chỉ giúp bạn bảo vệ hơn 1% so với kem chống nắng SPF Trong khi đó, khi SPF càng lớn, kem sẽ lưu lại lâu hơn, dễ gây bít lỗ chân lông và làm da bị tổn thương. Nếu bạn đang bị mụn viêm, thì nên dùng kem chống nắng với chỉ số SPF từ 15-30 để tránh kích ứng.
  • Theo thời gian: theo quy ước quốc tế 1 SPF sẽ có khả năng bảo vệ làn da và hạn chế tác hại của tia UVB trong khoảng 10 phút. Với cách hiểu này, bạn chỉ cần lấy chỉ số SPF trên kem chống nắng nhân với 10, để từ đó tính ra số phút mà kem chống nắng phát huy hiệu quả tối đa. Tuy nhiên, tác dụng thực sự của kem chống nắng còn phụ thuộc nhiều yếu tố như thời tiết, tính bền vững theo thời gian của hoạt chất chống nắng, hoạt động của bản thân người dùng.
Khi da không được bảo vệ, ánh nắng sẽ chiếu toàn bộ lên da, chống nắng có SPF15 cho phép 7 photon ánh sáng qua da, SPF  30 cho phép 3 photon ánh sáng qua.
Khi da không được bảo vệ, ánh nắng sẽ chiếu toàn bộ lên da, chống nắng có SPF15 cho phép 7 photon ánh sáng qua da, SPF  30 cho phép 3 photon ánh sáng qua.

Cách để tạo ra chống nắng có chỉ số SPF cao: có 1 học trò của bác sĩ Tâm trao đổi rằng: “thầy ơi em dùng dưỡng ẩm có chống nắng SPF 30, sau đó sử dụng chống nắng SPF 50, kem nền SPF 20 thì em có chống nắng SPF 100 rồi!”. Đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm bởi vì tạo chống nắng có SPF cao thì cần tăng nồng độ hoạt chất chống nắng lên (vì vậy chỉ số SPF càng cao kem chống nắng càng dính hơn). Cách làm của học trò của mình không làm tăng nồng độ hoạt chất chống nắng lên mà chỉ là tăng lượng chống nắng lên mà thôi. Tất nhiên, lượng chống nắng càng nhiều thì giúp chống nắng càng tốt.

Vậy bôi chống nắng có SPF cao có lợi điểm gì? Williams tiến hành so sánh dùng chống nắng có SPF 100 so với SPF 50 thấy rằng nhóm dùng SPF 100 sau trung bình 6 giờ trượt tuyết chỉ 5% bị bỏng nắng so với 55.3% ở nhóm dùng chống nắng có SPF Điều này được giải thích là chống nắng với chỉ số SPF càng cao thì khả năng giảm tác dụng chống nắng theo thời gian ít hơn. Vì vậy, các nhà da liễu Canada khuyến cáo rằng nên sử dụng chống nắng phổ rộng, chỉ số SPF ít nhất 30 và với chỉ số chống nắng cao hơn thì khả năng bù lại việc bôi chống nắng không đủ lượng cần thiết ban đầu cao hơn so với việc dùng chống nắng chỉ số SPF thấp. Các tác giả này cũng nhấn mạnh rằng cần phải chú ý các biện pháp chống nắng khác không chỉ riêng SPF. Điều này áp dụng trong thực tế: nếu bạn nào lười bôi chống nắng, muốn chỉ muốn sử dụng ngày 1 lần thì hãy chọn loại chống nắng có SPF cao như 70, 100 và nhớ bôi đủ lượng lúc ban đầu.

9.2. Chỉ số đánh giá khả năng chống tia UVA

UVAPF (chỉ số bảo vệ tia UVA): thông số này được xác định bằng cách đo chỉ số tia UVA được truyền qua màng phim chứa hoạt chất chống nắng sau khi chiếu 1 chùm ánh sáng mô phỏng ánh sáng mặt trời qua ống nghiệm.

Hiệp hội Da liễu Nhật Bản đưa ra chỉ số PA được quy đổi từ chỉ số Theo đó, PA được tính dựa trên MPPD (minimal persistent pigment darkening dose) – liều UVA tối thiểu để tạo ra rám da trong vòng 2-4 giờ sau khi phơi nắng. Qua tính toán cho thấy: PA+ có khả năng chống tia UVA 40–50% trong khi PA++ chống UVA 60–70%, PA+++ chống tia UVA 90% và PA++++ chống UVA hơn 95%. Vì vậy, nên chọn chống nắng có PA+++ hoặc PA++++.

Về mặt thời gian, hiện tại các sản phẩm kem chống nắng đều cung cấp chỉ số lọc tia UVA khá lâu trên da: PA ++ khoảng 4-8 giờ, PA +++ khoảng 8-12 giờ và PA ++++ hơn 16 giờ.

Một số sản phẩm chống nắng không tìm thấy ký hiệu PA mà sẽ có các ký hiệu thay thế khác như: UVA-UVB, UVA/UVB hoặc UVA-1, UVA-2.

10. TRẺ EM DÙNG CHỐNG NẮNG NÀO?

Hiệp hội nhi khoa Mỹ không khuyến cáo sử dụng kem chống nắng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, trong những điều kiện cần thiết có thể sử dụng 1 lượng nhỏ kem chống nắng lên vùng da nhỏ như mặt, mu tay. Với trẻ > 6 tháng tuổi có thể dùng chống nắng thường quy.

Vì làn da trẻ em mỏng nên kem chống nắng yêu cầu phải không kích ứng với da và mắt, đồng thời ít dị ứng. Chống nắng vật lý như dạng tan trong dầu của ZnO và TiO₂ hay được dùng bởi vì phổ chống nắng rộng đồng thời ít kích ứng, dị ứng. Tuy nhiên, một vài hãng sản xuất chống nắng cho trẻ em dùng chống nắng hóa học khá an toàn.

Dòng chống nắng Sun secure dành cho cả gia đình (cả trẻ sơ sinh) của hãng SVR với thành phần chống nắng cả hóa học và vật lý.
Dòng chống nắng Sun secure dành cho cả gia đình (cả trẻ sơ sinh) của hãng SVR với thành phần chống nắng cả hóa học và vật lý.

Việc bổ sung thêm chất chống côn trùng đốt như DEET giúp bảo vệ các em bé khỏi ánh nắng và côn trùng đốt.

11. KEM CHỐNG NẮNG CHO PHỤ NỮ CÓ THAI

Phụ nữ có thai nên dùng kem chống nắng trong suốt thời kì mang thai, việc này sẽ giúp giảm nguy cơ rám má và độ nặng rám má sau sinh.

Các kem chống nắng về cơ bản đều có thể dùng được cho bà bầu, tuy nhiên cần chú ý chống nắng có chứa oxybenzone vì có vài bằng chứng cho thấy có mối liên quan giữa chất này và bệnh giãn đại tràng bẩm Trong thời kì mang thai da phụ nữ cũng có thể nhạy cảm hơn nên nhiều tác giả khuyến cáo đối tượng này nên dùng chống nắng thuần vật lý.

12. MỘT SỐ HƯỚNG NGHIÊN CỨU MỚI TRONG KEM CHỐNG NẮNG

12.1. Dark cyclobutane pyrimidine dimers (CPD)

Melanin được xem là chất chống lại tác dụng phụ của tia UV và hạn chế ung thư da. Tuy nhiên, gần đây các nhà khoa học phát hiện ra rằng, chính melanin cũng có thể góp phần tạo ra ung thư thông qua việc hình thành CPD ngay cả khi việc tiếp xúc với tia UV không còn nữa. Khi UV tiếp xúc với melanin tạo ra ROS và NO, các chất này lại gây thoái hóa melanin, kích thích các dẫn xuất của melanin chuyển sang trạng thái năng lượng Các dẫn xuất năng lượng cao này chuyển năng lượng cho ADN và tạo ra các CPD đột biến. Quá trình này xảy ra ngay cả khi quá trình tiếp xúc UV đã kết thúc, do đó các CPD này được gọi là dark CPD. Các CPD này thường xuất hiện vài giờ sau khi tiếp xúc tia UV.

Pheomelanin có khả năng tạo ra CPD mạnh gấp nhiều lần eumelanin.

Phát hiện trên mở ra các nghiên cứu can thiệp vào quá trình hình thành dark Chiết xuất từ cây dương xỉ poly leucotomos và vitamin E hạn chế hình thành CPD. Vì vậy, trên thị trường có nhiều hãng kết hợp vitamin E, poly leucotomos trong chất chống nắng của mình.

12.2. Photolyase

Photolyase là men có khả năng sửa chữa CPD. Men này có ở các vi sinh vật ở những nơi có độ phơi nhiễm UV cao nhưng không có ở người.

Có nghiên cứu dùng kem chống nắng có chứa photolyase được đựng trong các liposome đã chỉ ra giảm hình thành Kem chống nắng có chứa photolyase cũng có tác dụng giảm hình thành ung thư da ở bệnh nhân khô da sắc tố sau 1 năm dùng so với nhóm sử dụng kem chống nắng đơn thuần.

Hơn nữa khi kết hợp với các chất chống oxy hóa thì khả năng ức chế hình thành CPD tăng lên nhiều.

12.3. Vai trò của ánh sáng nhìn thấy

Ánh sáng nhìn thấy có bước sóng từ 400-700 nm, chiếm 38,9% bức xạ ánh sáng mặt trời.

Ngày nay, các nhà khoa học nhận thấy ánh sáng nhìn thấy cũng gây ra đen da thông qua việc tăng biểu hiện của p53 làm tăng tổng hợp melanin. Ánh sáng xanh có bước sóng 400-500 nm (1 phần của ánh sáng mặt trời và là ánh sáng phát ra từ đèn huỳnh quang, đèn LED, TV màn hình phẳng, màn hình máy tính, màn hình smartphone) nằm trong dải ánh sáng nhìn thấy và là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng tới da.

Khi tiếp xúc với nguồn sáng có cả ánh sáng nhìn thấy + 1 lượng nhỏ UVA-1 làm tăng sắc tố lên nhiều lần khi tiếp xúc ánh sáng nhìn thấy đơn thuần. Các bệnh nặng hơn bởi ánh sáng nhìn thấy: rám má, tăng sắc tố sau viêm, lichen phẳng thể tăng sắc tố, porphyrin da chậm, mày đay ánh nắng, dày sừng ánh nắng có thể sẽ phải cần các chất chống lại ánh sáng nhìn thấy.

Phát hiện trên mở ra hướng nghiên cứu mới trong việc tìm ra các chất chống lại ánh sáng nhìn thấy. Tại thời điểm này hầu hết các chất chống nắng hóa học chỉ có tác dụng chống lại UVB và UVA-2, hầu như không có tác dụng với UVA-1 (trừ avobenzone), ánh sáng nhìn thấy.

Chống nắng vật lý như TiO₂ ở dạng kích thước lớn có khả năng chống lại ánh sáng nhìn thấy nhưng sự xuất hiện màu trắng khi bôi trên da lại rất mất thẩm mỹ. Sắt oxide hiện tại hay được dùng để chống lại ánh sáng nhìn thấy. Sắt oxide có 3 dạng chính: oxide sắc đỏ Fe₂O₃ có màu đỏ, oxide sắt vàng FeO(OH).H₂O₂, phản xạ lại ánh sáng nhìn thấy, trong khi sắt oxide đen FeO.Fe₂O₃ hấp thụ toàn bộ ánh sáng nhìn thấy. Hiện tại các nhà khoa học phát minh ra chống nắng màu (tinted sunscreen) là chống nắng pha trộn màu của các loại sắt oxide với màu trắng của TiO₂: với màu sắc đậm thì nồng độ sắt oxide cao hơn và có khả năng chống ánh sáng nhìn thấy tốt hơn. Trong nghiên cứu của tác giả Castanedo-Cazares thấy rằng bệnh nhân rám má khi dùng HQ 4% phối hợp với chống nắng có màu chứa sắt oxide có hiệu quả hơn dùng chống nắng thông thường phối hợp với HQ 4%. Tác giả Boukari nghiên cứu trên 40 bệnh nhân rám má thấy rằng nhóm dùng chống nắng màu có tác dụng giảm tỉ lệ tái phát so với nhóm dùng chống nắng thông thường. Nhược điểm của chống nắng màu là màu sắc giống với kem nền và đặc biệt với những bạn bị da dầu mụn, lỗ chân lông to thì kem chống nắng màu có thể làm tình trạng này xấu hơn.

2 màu của chống nắng màu theo type da: có lẽ chống nắng màu vàng nhẹ phù hợp với da của người Việt mình.
2 màu của chống nắng màu theo type da: có lẽ chống nắng màu vàng nhẹ phù hợp với da của người Việt mình.

Chống nắng màu trên thị trường:

Anthelios Mineral Tinted Sunscreen SPF 50 với thành phần là sắt oxide + TiO2. Đây là loại chống nắng hoàn toàn vật lý, thích hợp cho da nhạy cảm, chống cả ánh sáng nhìn thấy.
Anthelios Mineral Tinted Sunscreen SPF 50 với thành phần là sắt oxide + TiO2. Đây là loại chống nắng hoàn toàn vật lý, thích hợp cho da nhạy cảm, chống cả ánh sáng nhìn thấy.
Avène very high  protection  tinted cream 50+ chứa sắt oxide + các chất chống oxy hóa khác thích hợp cho da nhạy cảm, rám má, tăng sắc tố sau viêm. Màu sắc của kem chống nắng này hơi nâu vàng.
Avène very high  protection  tinted cream 50+ chứa sắt oxide + các chất chống oxy hóa khác thích hợp cho da nhạy cảm, rám má, tăng sắc tố sau viêm. Màu sắc của kem chống nắng này hơi nâu vàng.

Các chất khác trong mỹ phẩm có thể chống được ánh sáng xanh:

  • Sản phẩm từ tảo, rong biển là 1 trong những chất có tác dụng tốt chống ánh sáng nhìn thấy hiện tại.
  • Chiết xuất từ thực vật: từ cây ca cao, cây ỏng ảnh (lingonberry), nhân sâm, cây gừng, carrot…
  • Các chất chống oxy hóa: carotenoids như beta-carotene, lutein có tác dụng chống ánh sáng xanh cả đường bôi và đường uống. Vitamin C, vitamin E, niacinamide cũng có tác dụng chống một phần ánh sáng xanh.
Chống nắng chống lại ánh sáng nhìn thấy proteos screen SPF 50+ của Martiderm chứa chiết xuất cây ca cao + chất chống lão hóa da proteoglycan.
Chống nắng chống lại ánh sáng nhìn thấy proteos screen SPF 50+ của Martiderm chứa chiết xuất cây ca cao + chất chống lão hóa da proteoglycan.

Chế phẩm khác: pseudoalteromonas ferment extract, calcium sodium borosilicate, cerium oxide và platinum powder cũng có thể có tác dụng tốt chống lại ánh sáng xanh.

13. ÁNH SÁNG XANH PHÁT RA TỪ ĐÈN HUỲNH QUANG, ĐÈN LED, MÀN HÌNH MÁY TÍNH, MÀN HÌNH ĐIỆN THOẠI CÓ ẢNH HƯỞNG TỚI DA?

Ánh sáng xanh còn có tên gọi khác là ánh sáng nhìn thấy có năng lượng cao (HEV). Vì có bước sóng dài hơn tia cực tím nên có thể đâm xuyên sâu hơn vào da ảnh hưởng tới ADN của tế bào.

Theo nghiên cứu của Austin tiến hành chiếu ánh sáng phát ra từ Iphone 8 trong 1 giờ ở khoảng cách 1 cm vào tế bào nguyên bào sợi thấy rằng lượng reactive oxygen species (ROS) tăng lên 81.71%. Vì ROS ảnh hưởng tới quá trình lão hóa da nên việc dùng những thiết bị này lâu dài có thể làm da nhanh lão hóa hơn.

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng lượng ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị trên thấp hơn rất nhiều so với ánh sáng mặt trời. Thứ tự năng lượng da nhận được từ các thiết bị nhỏ nhất là điện thoại thông minh → laptop → màn hình máy tính để bàn → Thêm vào đó, Duteil nghiên cứu lượng ánh sáng xanh phát ra từ màn hình máy tính 5 ngày liên tiếp, mỗi ngày chiếu 8 tiếng thấy không làm nặng hơn tình trạng rám má.

Kết luận: hiện tại có cơ sở trong phòng thí nghiệm thấy rằng ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính, tivi… có thể làm cho làn da bị lão hóa. Cũng có một số nghiên cứu trên chính bệnh nhân thấy rằng ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị này quá nhỏ để gây tổn thương Vì vậy, thái độ của chúng ta hiện tại: càng tránh tiếp xúc với các thiết bị trên càng nhiều càng tốt và nên bôi chống nắng chống lại ánh sáng xanh khi dùng các thiết bị này lâu dài.

14. DẠNG TRÌNH BÀY VÀ CÁCH LỰA CHỌN KEM CHỐNG NẮNG PHÙ HỢP VỚI TYPE DA

Dạng mỡ: chống nắng này có nhiều nhược điểm, làm da bóng nhờn nên hiện tại nó được sử dụng nhiều trong chống nắng ở vùng môi (hay dùng trong son môi), mũi.

Dạng kem: chứa nhiều thành phần dầu, dưỡng ẩm, có tác dụng dưỡng ẩm tốt nhưng dễ gây bí, bít tắc lỗ chân lông, phù hợp cho người có làn da khô, không mụn và những người làm việc ngoài trời dễ đổ mồ hôi. Dạng kem điển hình water in oil, là dạng hay được dùng nhất trong chống nắng chống nước và có SPF cao. Ngược lại, những chống nắng không chống nước thì ở dạng oil in water (dạng lotion). Dạng này thích hợp với da thường, da khô, da nhạy cảm.

Dạng dung dịch (lotion): chứa rất ít dầu, ít gây bít dính, phù hợp cho người da dầu mụn. Lotion được ưa dùng hơn nhưng lại thường không chống nước. Trong sản phẩm có thể có chứa cồn với đại diện là La Roche-Posay Anthelios Cooling Water Sunscreen Lotion SPF 60, Photoderm AKN mat SPF 30 của Bioderma.

Dạng gel: là dạng trình bày lỏng với tá dược là nước hoặc rượu có thêm chất tạo gel. Tuỳ vào lượng chất tạo gel ở trong sản phẩm, chúng ta có thể có dạng trình bày serum, gel nước, gel đặc. Gel khô nhanh khi bôi, tạo cảm giác mát. Dạng gel nước thường là loại chống nắng không thấm nước, cần bôi lại nhiều lần/ngày trong khi loại gel rượu thường có chống nước, dùng ít lần/ngày hơn. Loại gel thích hợp cho da dầu mụn.

Dạng cream-gel: đây là loại lai giữa 2 loại ở trên có được ưu điểm của gel là khô nhanh, không bóng nhờn, cũng thêm được ưu điểm của cream là sự mềm mại khi dùng. Dạng trình bày này phù hợp với da dầu mụn.

Tenamyd aqua sun serum SPF 50 là kem chống nắng dạng serum khá độc đáo, khi dùng ít bóng nhờn. Kem chống nắng này dùng bột phấn nhẹ để chống nước và mồ hôi nên trước khi dùng chúng ta cần lắc kĩ.
Tenamyd aqua sun serum SPF 50 là kem chống nắng dạng serum khá độc đáo, khi dùng ít bóng nhờn. Kem chống nắng này dùng bột phấn nhẹ để chống nước và mồ hôi nên trước khi dùng chúng ta cần lắc kĩ.
Chống nắng Photoderm AKN mat SPF 30 của Bioderma thiết kế dành riêng da dầu mụn: dạng lotion, có các chất kiểm soát bã nhờn. SPF 30 cũng phù hợp với tiêu chí da dầu mụn.
Chống nắng Photoderm AKN mat SPF 30 của Bioderma thiết kế dành riêng da dầu mụn: dạng lotion, có các chất kiểm soát bã nhờn. SPF 30 cũng phù hợp với tiêu chí da dầu mụn.
  • Dạng xịt: thành phần bản chất là dung dịch nhưng được trình bày ở dạng vòi xịt phù hợp khi dùng trên các vùng có diện tích da lớn như thân mình. Chú ý không xịt trực tiếp lên vùng da mặt và gần miệng vì có nguy cơ hít và nuốt phải hoạt chất chống nắng. Muốn sử dụng trên mặt chúng ta xịt ra tay trước sau đó xoa lên mặt. Dạng xịt khó kiểm soát được lượng chống nắng. Dạng này ưu tiên sử dụng khi cần bôi chống nắng trên diện rộng cũng như để bôi lại chống nắng.
Chống nắng dạng xịt Photoderm của Bioderma, thiết kế dành cho da nhạy cảm, trẻ > 12 tháng.
Chống nắng dạng xịt Photoderm của Bioderma, thiết kế dành cho da nhạy cảm, trẻ > 12 tháng.

Tip

  • Da khô: ưu tiên dạng cream.
  • Da thường: dạng lotion (fluid) là phù hợp.
  • Da dầu, mụn: chống nắng fluid, gel, cream-gel, oil-free, non-comedogenic, non-acnegenic. Có thể thêm chất kiềm dầu, hút dầu như silica.
  • Dạng xịt ưu tiên dùng trên diện lớn, bôi lại chống nắng.
  • Da nhạy cảm: chống nắng không có mùi thơm, chống nắng vật lý.
  • Rám má: chống nắng có màu, SPF 50+ trở lên.

15. KEM CHỐNG NẮNG NÂNG TÔNG  VÀ KHÔNG NÂNG TÔNG

15.1.  Các loại kem chống nắng nâng tông

Thành phần chủ yếu có hoạt chất chống nắng vật lý hoặc chứa bisoctrizole có khả năng tán xạ, phản xạ ánh sáng nhìn thấy.

Kem chống nắng Sumdfine SPF 50, PA+++: kem chống nắng chống nước của Hàn Quốc với thành phần vật lý là chủ đạo như TiO₂ + ZnO. Ngoài ra, sản phẩm này còn thêm vào chống nắng hóa học là cinoxate (2-Ethoxyethyl p-methoxycinnamate), chất chống UVB mạnh. Một trong những điểm khá thú vị của chống nắng này là có thành phần sắt oxide có thể có tác dụng chống lại ánh sáng nhìn thấy? Thêm vào đó có các thành phần dưỡng ẩm không gây mụn nhân như dimethicone, sodium hyaluronate… và một vài chất chống oxy hóa. Khi dùng da sẽ nâng tông da khá tốt và thật. Có thể dùng cho da nhạy cảm, da khô, da dầu. Tuy nhiên, với các tín đồ không thích nâng tông da thì đây là điểm trừ cho sản phẩm.

Chống nắng melascreen  UV  của  Ducray  SPF  50:  là  kem   chống nắng chống nước và mồ hôi. Thành phần là avobenzone (butyl methoxydibenzoylmethane)  chống  tia  UVA-1, octyl  triazone (ethylhexyl triazone), bemotrizinol (bis-ethylhexyloxyphenol methoxyphenyl triazine) chống tia UVB và biso trizole (methylene-bis-benzotriazolyl tetramethylbutylphenol) dưới dạng nano. Và  tất  nhiên  trong  chống  nắng  này  cần  có   chất   ổn   định   dạng  nano của bisoctrizole là decyl glucoside là chất bề mặt nhẹ không ion, có thể là nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc dị ứng. Tuy là kem chống  nắng hóa học nhưng trong thành phần có bisoctrizole nên có thể phản xạ, tán xạ ánh sáng nhìn thấy nên chúng ta vẫn thấy có màu trắng trên bề mặt.

Kem chống nắng của Sumdfine SPF50, PA+++ thành phần vật lý là chủ yếu (có cả sắt oxide). Chống nắng này nâng tông khá đẹp.
Kem chống nắng của Sumdfine SPF50, PA+++ thành phần vật lý là chủ yếu (có cả sắt oxide). Chống nắng này nâng tông khá đẹp.
Melascreen UV của Ducray SPF50 nâng tông da nhẹ nhàng do có bisoctrizole dạng nano.
Melascreen UV của Ducray SPF50 nâng tông da nhẹ nhàng do có bisoctrizole dạng nano.
  • Chống nắng của Avène: Avène very high protection về cơ bản có thành phần hoạt chất chống nắng giống với melascreen UV của Ducray, khi dùng cũng nâng tông da nhẹ nhàng.
  • Chống nắng Photoderm MAX Aquafluide SPF 50+ của Bioderma:  là kem chống nắng hóa học,  chống  nước.  Thành  phần  octocrylene  hấp  thụ UVB, giúp ổn định avobenzone. Hoạt chất chống UVB khác là bemotrizinol (bis-ethylhexyloxyphenol methoxyphenyl triazine) và bisoctrizole (methylene-bis-benzotriazolyl tetramethylbutylphenol) dưới dạng nano. Chất chống tia UVA là avobenzone (butyl methoxydibenzoylmethane). Ngoài ra, còn có các chất bọc bề mặt chứa silicone, chất dưỡng ẩm, chống oxy hóa. Dòng chống nắng trên cũng có khả năng nâng tông da rất nhẹ.
Photoderm MAX Aquafluide SPF 50+ của Bioderma.
Photoderm MAX Aquafluide SPF 50+ của Bioderma.
Avène very high protection chống nước, nâng tông da nhẹ.
Avène very high protection chống nước, nâng tông da nhẹ.

15.2. Chống nắng không nâng tông

Thành phần sẽ là chống nắng hóa học: avobezone (butyl methoxydibenzoylmethane) và/hoặc ecamsule (terephthalylidene dicamphor sulfonic acid) có tác dụng chống tia UVA phối hợp với hoạt chất chống nắng hóa học khác để chống lại UVB.

Sữa chống nắng Anthelios Invisible Fluid SPF 50+ của La Roche-Posay: chứa cả avobenzone và ecamsule có tác dụng  chống  lại    Vì  thế, sản phẩm này cần có thêm thành phần chống nắng hóa học  khác  để chống lại tia UVB, đó  chính  là  octisalate  (ethylhexyl  salicylate)  chất  này không tan trong nước, có thêm tác dụng ổn định độ bền của avobenzone. Hai chất chống tia UVB khác là octyl triazone (ethylhexyl triazone), bemotrizinol (bis-ethylhexyloxyphenol methoxyphenyl triazine) cũng được thêm vào. Chống nắng này chống nước, không gây mụn nhân, không gây dị ứng, không mùi hương, tuy nhiên trong thành phần có chứa isopropyl myristate là 1 chất có thể gây mụn nhân?

Proteos screen SPF 50+ của Martiderm: chứa chiết xuất cây ca cao + chất chống lão hóa da proteoglycan, hoạt chất chống nắng chủ yếu chống nắng hóa học và một phần nhỏ TiO₂.

16. KEM CHỐNG NẮNG CHỐNG NƯỚC

Tên tiếng Anh waterproof hay water-resistant. Có nhiều cách để tăng khả năng chống nước của chống nắng: từ việc tạo chế phẩm dạng nước, chế phẩm dạng cream, cho tới việc thêm vào chất tạo màng polymer, pha thêm rượu với nồng độ thấp (trong một vài mẫu sản phẩm kem chống nắng của hãng La Roche-Posay), bọc hoạt chất chống nắng trong liposome… Một trong những cách phổ biến nhất là tạo màng polymer trên da, vì vậy trong sản phẩm chống nắng có thể thêm vào polyurethane, cyclodextrin, copolymer của một số chất…

Chống nắng chống nước là loại kem chống nắng mà không bị rửa trôi mặc dù ngâm dưới nước. Khi mồ hôi tiết ra nhiều cũng ít hoặc không làm trôi kem chống nắng.

Một kem chống nắng được gọi là chống nắng chống nước khi chịu được ít nhất 40 phút khi ngâm da trong nước, trong khi kem chống nắng siêu không thấm nước chịu được ít nhất 80 phút.

Khi dùng chống nắng thông thường chúng ta có thể rửa trôi bằng sữa rửa mặt nhưng với chống nắng chống nước do chúng tạo thành 1 màng bọc trên da nên cần dùng tẩy trang dạng dầu, dạng sữa hay cold cream, cleansing balm hoặc tẩy trang dạng nước để tẩy mới hết được.

Nhược điểm của kem chống nắng chống nước: có thể tạo một màng bọc nên dễ làm tắc lỗ chân lông gây mụn trứng cá, tạo cảm giác bóng nhờn trên Vì là chống nắng chống nước, chống mồ hôi nên khi bạn ra nhiều mồ hôi kem chống nắng bị bở trắng trông kém duyên, nhưng khi trở vào phòng mát hiện tượng này sẽ mất đi. Với chống nắng không chống nước hiện tượng này ít gặp.

17. CÁCH DÙNG KEM CHỐNG NẮNG

Liều khuyến cáo:

  • Liều chuẩn 2 mg/cm², theo công thức này để bôi hết  toàn bộ cơ thể 1.73 m² cần 35 ml kem chống nắng. Theo  nguyên  tắc  số 9 thì đầu, mặt, cổ chiếm 9% diện tích cơ thể; tay mỗi bên chiếm 9%; ngực, bụng là 18%; lưng 18%; mỗi chân chiếm 18%. Từ đó Schneider đưa ra đề xuất để kem chống nắng phủ được 9% diện tích cơ thể  cần  1  thìa cà phê, vì vậy bôi kem chống nắng đủ lượng cho cả đầu mặt  cổ là 1 thìa cà phê, cho mỗi tay 1 thìa cà phê, mỗi chân là 2 thìa cafe. Nếu chỉ bôi vùng mặt chúng ta cần 1/3-1/4 thìa cà phê là đủ. Nhiều người vẫn không hình dung được thìa  cà phê là thế nào thì ước lượng 1 thìa cà phê tương đương 1 đồng xu.  Mà đồng xu có đồng to đồng bé nhiều người cũng chưa hình dung ra, vậy để đơn giản thì 1 thìa cà phê có thể tương đương 1/4 lòng bàn tay của chúng ta.
Quy tắc thìa cà phê: đầu mặt cổ 1 thìa (riêng  mặt  thì  1/3-1/4  thìa),  mỗi  tay  1 thìa, chân mỗi bên 2 thìa, ngực 2 thìa và lưng 2 thìa.
Quy tắc thìa cà phê: đầu mặt cổ 1 thìa (riêng  mặt  thì  1/3-1/4  thìa),  mỗi  tay  1 thìa, chân mỗi bên 2 thìa, ngực 2 thìa và lưng 2 thìa.

Thực tế chúng ta bôi chống nắng ít hơn so với khuyến cáo nhiều. Để đảm bảo việc bạn bôi đủ lượng lúc đầu có các cách sau: bôi 2 lớp chống nắng: tức là bôi xong 1 lớp rồi bôi tiếp 1 lớp khác đè lên. Nếu các bạn bôi không đủ lượng cần thiết thì chỉ số SPF sẽ giảm đi đáng để. Đa phần mọi người dùng chống nắng SPF 30 nhưng bôi không đủ thì thực tế chúng ta chỉ dùng SPF 15 mà thôi. Cách thứ 2: bôi kem chống nắng SPF 50 hoặc SPF cao hơn như 70, 100 sẽ giúp bù lại được phần chống nắng bôi không đủ (bôi chống nắng SPF 100 không đủ thì có thể bị giảm xuống còn 30 khi đó vẫn đủ để bảo vệ da).

Chú ý các vùng thường bỏ qua khi dùng kem chống nắng: tai, quanh mắt, quanh miệng và vùng da đầu ở người bị hói. Chúng ta dành càng nhiều thời gian bôi chống nắng thì khả năng bôi đủ lượng, bôi hết các vùng hở, bôi chống nắng đồng đều là rất cao. Một vùng quan trọng nữa đó là chống nắng ở môi sẽ được trình bày dưới đây.

Lượng 1 thìa cafe theo khuyến cáo và thực tế mọi người bôi chống nắng ít hơn, để đảm bảo việc bôi đủ liều nên bôi 2 lớp chống nắng và/hoặc bôi chống nắng SPF cao.
Lượng 1 thìa cafe theo khuyến cáo và thực tế mọi người bôi chống nắng ít hơn, để đảm bảo việc bôi đủ liều nên bôi 2 lớp chống nắng và/hoặc bôi chống nắng SPF cao.

Chống nắng ở môi:

  • Nguy cơ ung thư ở môi, đặc biệt là ung thư tế bào gai khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng. Chống nắng vùng môi tốt giúp giảm nguy cơ ung thư môi.
  • Khuyến cáo nên dùng chống nắng riêng cho vùng môi: dùng sản phẩm như lip balm (được khuyến cáo dùng), lip gloss và son môi chứa SPF ít nhất 15 theo khuyến cáo hội Da liễu Mỹ.

Khuyến cáo chung bôi chống nắng trước khi ra ngoài khoảng 15-30 phút. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây cho thấy rằng bôi kem chống nắng có tác dụng chống tia cực tím ngay lập tức, vì vậy việc trì hoãn sau đó 15-30 phút cũng không quá quan trọng. Việc đảm bảo bôi chống nắng 15-30 phút có ý nghĩa khi chúng ta xuống nước, bởi vì khoảng thời gian này cần thiết để chống nắng tạo được màng để có thể chống được nước.

Sau bao lâu bôi lại chống nắng?

  • Theo khuyến cáo chung nên ta bôi lại sau mỗi 2 giờ bởi vì theo phân tích ở trên, một số thành phần chống nắng hóa học bị phá huỷ bởi ánh nắng. Tuy nhiên, bằng chứng của việc dùng chống nắng lại sau mỗi 2 giờ không cao, khuyến cáo này đến từ thực tế rằng đa phần mọi người đều bôi không đủ chống nắng ở lần đầu tiên nên bôi lại sau 2 giờ sẽ giúp chống nắng được đầy đủ hơn.
  • Theo lý thuyết chống nắng có chỉ số SPF 50 bảo vệ da tới 500 phút (hơn 8 giờ) mà không bị bỏng nắng. Trong nghiên cứu của Bodekær, tác giả này thấy rằng việc bôi chống nắng ngày một lần là đủ.
  • Thêm vào đó, nếu bôi chống nắng sau đó phần lớn thời gian chúng ta ở trong nhà, trong bóng râm, được che chắn bằng chống nắng cơ học như quần áo, mũ… thì việc bôi lại chống nắng không quá cần thiết. Nếu dùng thêm chống nắng có thành phần vật lý nữa (ổn định dưới ánh nắng) thì liệu rằng có cần bôi lại chống nắng? Câu trả lời tất nhiên là không cần bôi lại.
  • Chính vì những điều trên hội Da liễu Canada khuyến cáo: nếu dùng đủ lượng chống nắng cần thiết vào buổi sáng trước khi ra nắng thì việc bôi lại chỉ cần thiết khi các bạn có các hoạt động làm trôi kem chống nắng như bơi, chảy mồ hôi, va chạm.

Khi bôi lại chống nắng có cần tẩy trang, rửa mặt không: về cơ bản chúng ta không cần tẩy trang mà bôi trực tiếp chống nắng lên vùng đã được chống nắng từ trước, bởi vì bản chất của việc bôi lại chống nắng là bù lại lượng chống nắng chưa bôi đủ lúc ban đầu hoặc chống nắng bị mất đi trong quá trình hoạt động. Nếu bôi chồng kem chống nắng lên thì chúng ta nên dùng chống nắng dạng gel, cream gel, dạng xịt. Nếu cảm thấy da mình quá dầu và bẩn cần tẩy trang hoặc rửa mặt trước khi bôi chống nắng, vào buổi trưa các bạn hoàn toàn có thể làm điều này.

Khi tôi trang điểm, đến thời gian bôi lại chống nắng, làm thế nào để dùng chống nắng mà không ảnh hưởng tới lớp trang điểm của tôi?

  • Bạn có thể dùng chống nắng đè lên lớp trang điểm, nhưng cũng có thể dùng tấm bọt trang điểm khô, bôi kem chống nắng lên phần phẳng của tấm bọt này, chấm chống nắng lên dụng cụ này rồi chấm vào từng điểm trên mặt. Với cách này bạn có thể phải đánh lại má hồng mà không làm hỏng toàn bộ phần trang điểm trước đó.
  • Dùng chống nắng nhẹ (dạng dung dịch, gel, cream nhẹ…) lên phần trang điểm của bạn. Chú ý rằng nếu bạn dùng phấn nền dạng bột (powder) thì khi sử dụng chống nắng dạng nước có thể làm vón cục phấn nền. Vì vậy, khi dùng chống nắng dạng dung dịch lên trên kem nền thì kem nền nên ở dạng cream hoặc dung dịch.
  • Dùng chống nắng màu lên trên lớp trang điểm. Một trong những chống nắng có màu là Anthelios XL Anti-Shine Dry Touch Tinted Facial Sunscreen SPF50+. Bạn có thể dùng ngay từ đầu chống nắng có màu này thay kem nền hoặc bôi chống nắng loại này đè lên kem nền.

Tip

  • Quy tắc thìa cà phê, đồng xu, 1/4 lòng bàn tay.
  • Bôi 2 lớp liên tục.
  • Dành nhiều thời gian bôi chống nắng.
  • Bôi chống nắng SPF cao.
  • Bôi lại chống nắng bằng dạng gel, cream-gel, xịt.

18. BÔI CHỐNG NẮNG BỊ VÓN CỤC, LỘ KEM, LÀM THẾ NÀO ĐỂ HẠN CHẾ TÌNH TRẠNG TRÊN?

Tình trạng vón cục mỹ phẩm làm cho các bạn kém duyên, nguyên nhân do các sản phẩm chăm sóc da không tương thích với nhau. Các nguyên nhân và giải pháp tránh hiện tượng trên (nhớ 1 nguyên tắc đơn giản: sản phẩm tan trong nước đi với tan trong nước, tan trong dầu đi với tan trong dầu):

  • Dùng quá nhiều lượng thuốc nên không thấm hết được vào trong da. Lời khuyên đặt ra: dùng đủ lượng cần thiết, với chống nắng ở vùng mặt dùng 1/3-1/4 thìa cà phê.
  • Dùng quá nhiều sản phẩm chăm sóc da, dẫn tới sự không tương thích giữa các sản phẩm. Một vấn đề nữa đó là chúng ta dành quá ít thời gian để bôi dẫn tới dùng các sản phẩm chồng lên nhau khi mà nó chưa được thấm hết vào da. Lời khuyên đặt ra: dùng ít các sản phẩm có thể, nếu được, nên dùng các sản phẩm chung 1 hãng để có sự tương thích nhất định.
  • Dùng các sản phẩm tan trong nước với các sản phẩm tan trong dầu quá gần nhau gây sự không tương thích. Vấn đề này liên quan tới thứ tự bôi các sản phẩm: sản phẩm nào lỏng bôi trước (dễ thấm và thấm nhanh vào da để tương thích với sản phẩm bôi sau), sản phẩm đặc bôi sau. Serum lỏng nên bôi trước kem dưỡng ẩm đặc hơn, hoặc nếu kem mắt đặc hơn dưỡng ẩm thì bôi kem dưỡng ẩm trước kem mắt. Lời khuyên đưa ra: bôi thuốc theo đúng thứ tự, đợi sản phẩm thấm vào trong da mới tiếp tục tới các bước tiếp theo.
  • Da quá dầu: khi bôi các sản phẩm trên da dễ gây sự không tương thích. Lời khuyên đưa ra: nếu da quá dầu hoặc đổ nhiều mồ hôi, trước khi bôi lại kem chống nắng bạn có thể tẩy trang nhẹ. Hoặc bạn có thể dùng giấy thấm dầu trước khi bôi chống nắng lên.
  • Dùng sản phẩm không chứa silicone lên sản phẩm chứa silicone: silicone là 1 dạng dầu tổng hợp, nếu bạn bôi chống nắng không có silicone lên trên dưỡng ẩm có silicone thì rất dễ xảy ra sự không tương thích. Lời khuyên: dùng các sản phẩm chứa cùng hoạt chất silicone với nhau.
  • Dùng chống nắng chống nước lên sản phẩm ưa nước hoặc da ướt, quá ẩm. Lời khuyên đưa ra: đợi các sản phẩm thấm hết vào trong da hãy bôi chống nắng, hoặc lau khô da sau rửa mặt rồi mới dùng chống nắng.
  • Không cào gãi khi dùng chống nắng vì sẽ làm mất lớp chống nắng trên bề mặt làm da mặt không được đều màu.

19. CHỐNG NẮNG PHỐI HỢP VỚI DƯỠNG ẨM TRONG CÙNG MỘT SẢN PHẨM

Quy trình chăm sóc da gồm rất nhiều bước khác nhau như toner, dưỡng ẩm, chống nắng… Dùng dưỡng ẩm chứa các chất chống nắng sẽ giúp tiết kiệm thời gian trong việc chăm sóc da nhất là vào buổi sáng. Vậy chúng ta kết hợp dưỡng ẩm và chống nắng trong cùng sản phẩm có được không?

Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng chống nắng trong các sản phẩm dưỡng ẩm, kem nền khó đảm bảo đủ được mức độ chống nắng, vì vậy vẫn nên bôi kèm kem chống nắng để tăng cường hiệu quả.

20. KEM CHỐNG NẮNG TẠI NHÀ CÓ NGUỒN GỐC TỰ NHIÊN

20.1. Bản chất của các kem chống nắng tự chế

Thành phần đầu tiên đó là các loại dầu tự nhiên: dầu dừa, dầu Ô liu, dầu chanh, dầu bưởi, dầu cây mâm xôi, dầu lavender, nước cà rốt… có khả năng chống lại tia UVB được đăng trên một số bài báo. Để tăng tính chống nước cho kem chống nắng tại nhà cư dân mạng dùng thêm sáp ong. Để kem chống nắng mềm mượt hơn các bà mẹ bỉm sữa có thể thêm bơ hạt mỡ (shea butter).

Thứ 2: để thêm tác dụng chống nắng những người làm kem chống nắng cho thêm ZnO hoặc TiO₂ nhằm tăng khả năng chống tia UVA.

Khi nghe tới các thành phần chống nắng này chúng ta thấy khá là thuyết phục: bởi vì 1 nhóm chống tia UVB kết hợp với nhóm chống tia UVA thì có thể tạo thành 1 loại kem chống nắng phổ rộng. Vậy thực chất lập luận trên đây có đúng hay không?

  • Vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các loại dầu ở trên chỉ có khả năng chống tia UVB 1 cách khá hạn chế. Ví dụ dầu dừa được nghiên cứu có chỉ số khoảng SPF 1-7, bơ hạt mỡ và dầu lavender có chỉ số SPF ≤ 6.
  • Riêng nghiên cứu của Oomah thấy rằng chỉ số SPF của cây mâm xôi từ 28-30. Dầu cà rốt có thể có chỉ số chống nắng SPF 28-50. Một số tác giả nghiên cứu chỉ số SPF của các dầu tự nhiên cũng cho kết quả SPF khoảng 15-20 như dầu bơ, Karanja oil, Wheat germ oil. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của các tác giả Ấn Độ năm 2009 lại dùng các loại dầu trên dung dịch rượu nên chúng ta không thể ngoại suy ra chỉ số SPF trong các chế phẩm chống nắng tự chế dạng kem hay dạng balm được.

Nhiều công thức chống nắng trên mạng có thêm thành phần kẽm oxide để tăng cường khả năng chống tia Tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng không phải dạng trình bày nào của kẽm oxide cũng có khả năng chống nắng. Trong một nghiên cứu thấy rằng kẽm oxide ở dưới dạng sắc tố (pigment form) hoàn toàn không có tác dụng chống nắng. Mà trong các công thức của kem chống nắng tự chế kẽm oxide lại tồn tại dưới dạng này.

Vậy thực tế chỉ số SPF của các công thức kem chống nắng tự chế là bao nhiêu? Đầu tiên, chúng ta đi qua một vài công thức phổ biến được lan truyền trên các trang mạng:

  • Công thức đầu tiên: dầu dừa, bơ sữa hạt mỗi loại 4 muỗng ăn súp (tablespoon) + sáp ong, kẽm oxide mỗi loại 2 muỗng ăn súp và cuối cùng vài giọt vitamin E. Công thức này có nồng độ kẽm oxide 4.5%.
  • Công thức chứa 35% kẽm oxide: bơ hạt sữa hạt và dầu Ô liu mỗi loại 30 g, kẽm oxide 35 g, sáp ong 5 g, 10 giọt vitamin E, 10 giọt dầu lavender.
  • Công thức không chứa kẽm oxide: dầu dừa 30 ml, bơ hạt sữa 25 ml, hạt dầu hoa hướng dương 6 ml, vitamin E 6 ml, 30 giọt dầu lavender.
  • Thực tế là các tác giả đã đo chính xác chỉ số SPF trên 15 sản phẩm kem chống nắng tự chế phổ biến trên các trang mạng (có 3 sản phẩm ở trên) thấy rằng: 3/15 mẫu kem chống nắng không chứa các thành phần chống nắng nào và 12/15 mẫu còn lại có chỉ số SPF < 6. Mà các bạn biết rồi chỉ số SPF < 6 không có ý nghĩa để bảo vệ da khỏi ánh nắng. Ngưỡng chống nắng cho phép của châu Âu là khi SPF từ 6 trở lên.

Vậy tại sao chỉ số SPF của các kem chống nắng tự chế lại thấp như vậy? Có lẽ nó đến từ các nguyên nhân như kẽm oxide ở dạng tồn tại không có tác dụng chống nắng. Thứ hai, khi trộn lẫn các sản phẩm vào với nhau, không có thêm các chất bảo quản… nên tác dụng chống nắng có thể bị mất đi.

20.2. Độ an toàn của kem chống nắng tự chế

Trong nghiên cứu của  tác  giả  người  Pháp  năm  2020  thấy  rằng,  nồng độ  kẽm  oxide  trong  các  kem  chống  nắng  tự  chế  ở  trên  mạng  có thể đạt tới 35% trong khi đó theo luật của châu Âu  nồng  độ  kẽm  oxide trong kem chống nắng không được vượt quá 25%. Trong một số nghiên cứu người ta thấy rằng, khi dùng kẽm oxide với nồng độ cao có thể gây tăng nồng độ Zn2+ từ đó có thể gây độc cho tế bào, tăng stress oxy hóa.

Một trong những vấn đề đáng lo ngại nữa đó là khi dùng các loại dầu trên để chống nắng chúng ta có nguy cơ bị viêm da tiếp xúc dị ứng, kích ứng và xuất hiện mụn nhân trứng cá nhiều hơn, đặc biệt là dầu dừa được xếp vào nhóm gây mụn trứng cá khá cao.

Thêm vào đó, các kem chống nắng không chứa các chất bảo quản nên nguy cơ bị nhiễm nấm, vi khuẩn luôn hiện hữu. Vì vậy, các loại kem này chỉ dùng được vài ngày.

Kết luận:

  • Hiện tại chưa có các bằng chứng ủng hộ việc dùng kem chống nắng tự chế ở nhà. Các thông tin trên mạng xã hội hay các trang web chỉ mang tính chất tham khảo.
  • Thực tế là các loại kem chống nắng tự chế tự xưng là có chỉ số SPF 30 hoặc hơn nhưng chỉ số đó chỉ là < 6 khi được đo bằng các dụng cụ chuyên biệt.
  • Vấn đề tác dụng phụ của kem chống nắng tự chế được đặt ra khi chúng có thể có nguy cơ kích ứng, dị ứng, nổi mụn nhân trứng cá, bội nhiễm vi khuẩn, nấm, đặc biệt là tăng khả năng hấp thu Zn2+ vào toàn thân từ đó gây hại cho cơ thể.
  • Từ những điều trên bác sĩ Tâm khuyến cáo mọi người không dùng kem chống nắng tự chế, thay vào đó hãy sử dụng các kem chống nắng đã được kiểm nghiệm và đo chỉ số SPF chính xác để bảo vệ làn da của mình.

21. CHỐNG NẮNG ĐƯỜNG UỐNG, TIÊM

Các loại kem chống nắng hiện nay gần như không chống lại được ánh sáng nhìn thấy, hơn nữa kem chống nắng cũng có những hạn chế trong những trường hợp nhất định như trong thời tiết đổ mồ hôi nhiều, tắm biển… Do đó ngày nay các liệu pháp chống nắng đường uống toàn thân hay tiêm dưới da đã được phát hiện để khắc phục tình trạng này.

21.1. Thành phần chống nắng đường uống

a. Polypodium leucotomos (PL)

PL được chiết xuất từ cây dương xỉ có nguồn gốc từ Trung và Nam Mỹ. Nó có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, do đó giảm thiểu tác dụng có hại của tia cực tím và ánh sáng nhìn thấy. Trong PL có nhiều chất thuộc nhóm phenolic, ferulic acid và caffeic acids…

  • Tác dụng chống oxy hóa: làm giảm các peroxide lipid, trung hòa các anion superoxide và các gốc hydroxyl xuất hiện sau tiếp xúc với tia cực tím.
  • Tác dụng chống viêm: làm giảm biểu hiện của cyclooxygenase-2, giảm các chất gây viêm như Il-2, interferon-γ, TNF-α, giảm các tế bào viêm, giảm biểu hiện gen ..

Các nghiên cứu ở người chỉ ra rằng PL có tác dụng tăng liều tối thiểu để gây đen da, tăng liều đỏ da tối thiểu và tăng liều gây độc da tối thiểu (tức là khi uống thuốc này cần chiếu tia cực tím với liều cao hơn mới gây thâm và đỏ da). Liều đỏ da tối thiểu khi uống PL tăng lên khoảng 3 lần. Thuốc cũng làm giảm biểu hiện của bệnh phát ban đa dạng do ánh sáng và nhiều bệnh da do ánh sáng khác.

Ngoài ra, trong nghiên cứu của Goh trên 40 bệnh nhân rám má người châu Á thấy rằng thuốc có tác dụng thúc đẩy nhanh hiệu quả điều trị rám má bằng hydroquinone. Trong bệnh bạch biến khi dùng PL phối hợp với ánh sáng trị liệu làm tăng hiệu quả hơn so với dùng ánh sáng thông thường do tác dụng chống oxy hóa, giảm các chất gây viêm của PL. PL cũng có tác dụng giảm tác hại của ánh sáng nhìn thấy và tia hồng ngoại lên làn

Liều thuốc trong các nghiên cứu dao động 240-1000 mg/ngày, khi dùng dưới dạng kết hợp với các thuốc chống oxy hóa khác liều có thể thấp hơn.

Sản phẩm gợi ý viên uống chống nắng ID30: chứa PL 100 mg với các chất chống oxy hóa khác như glutathione 200 mg, lipoic acid 50 mg, astaxanthin 7.5 mg, vitamin E 100 IU…

b. Các chất uống chống oxy hóa

Carotenoids là nhóm hay dùng nhất để uống chống nắng. Nhóm này thường có trong các quả màu đỏ, đặc biệt là cà chua. Carotenoids có nhiều chất như β-carotene, zeaxanthin, lutein, β-cryptoxanthin, lycopene… trong đó β-carotene và lycopene là 2 chất có tác dụng nhất và hay được sử dụng:

  • Trong một nghiên cứu khi dùng lycopene 10 tuần giảm được 40% bỏng nắng ở mu tay so với giả được. Với β-carotene thường dùng hàm lượng cao ≥ 12 mg/ngày và trong thời gian dài khoảng 10 tuần mới có tác dụng giảm nguy cơ bỏng nắng.
  • Một trong những lo lắng khi dùng β-carotene liều cao trong thời gian dài là có thể tăng nguy cơ ung thư phổi ở đối tượng nguy cơ Chúng ta thường cho rằng các chất chống oxy hóa tốt cho ung thư. Tuy nhiên, trong vài nghiên cứu thấy rằng việc dùng β-carotene lâu dài có thể tăng nguy cơ ung thư phổi ở đối tượng hút thuốc lá.
  • Trong một thử nghiệm dùng 30 mg beta-carotene và 25,000 IU retinyl palmitate ở đối tượng nguy cơ cao ung thư phổi với mục đích ban đầu để hạn chế nguy cơ hình thành ung thư này (như suy nghĩ ban đầu của chúng ta) đã phải dừng lại sau 21 tháng bởi vì nhóm uống thuốc tăng 28% bị ung thư phổi và 17% người chết vì ung thư phổi so với nhóm chứng (nhóm không uống thuốc). Điều này có thể được giải thích khi dùng vitamin A với thuốc lá sẽ làm giảm gen biểu lộ RARβ (receptor của retinoids) và tăng biểu lộ protein-1 từ đó ung thư hình thành.

Astaxanthin có tác dụng chống oxy hóa mạnh hơn β-carotene, dự  phòng lão hóa da. Tuy nhiên, thuốc này không có tác dụng giảm nguy cơ bỏng nắng.

Vitamin D3, vitamin E, vitamin C, probiotics, citrus plus rosemary extract, silymarin… cũng có vai trò nào đó trong chống nắng đường uống, tuy nhiên dữ liệu nghiên cứu còn hạn chế. Chúng thường được dùng phối hợp với nhau và phối hợp với β-carotene, lycopene, astaxanthin, PL… để tăng tác dụng.

Sản phẩm gợi ý:

  • Martiderm Pigment Zero DSP-Antiox Capsules với thành phần là beta-carotene (10 mg), lycopene (5 mg), vitamin C (60 mg), tocopherol (10 mg), retinol (1.67 mg), selenium (50 µg) và proanthocyanidins (100 mg). Như chúng ta thấy thành phần chủ yếu là các chất chống oxy hóa nên cần uống thời gian kéo dài mới thấy được kết quả. Theo nghiên cứu ở trên thì cần uống từ 10 tuần trở lên mới có tác dụng. Nhưng do kết hợp các thuốc lại với nhau nên hãng khuyến cáo sử dụng 1 tháng trước khi mùa hè đến và nên sử dụng trong vòng 2 tháng.
  • Sản phẩm chống nắng uống của Murad chứa chủ yếu các chất chống oxy hóa trong quả lựu.

c. Nicotinamide hay niacinamide

Nicotinamide là dạng amide hoạt động của vitamin B3 (niacin; acid nicotinic) và là đồng  yếu  tố  cho  adenosine  triphosphate,  rất  cần  thiết  để sửa chữa ADN trong  Bức xạ tia cực tím ức chế quá trình tổng     hợp adenosin triphosphat và ngăn chặn quá trình sửa chữa ADN. Nicotinamide có tác dụng ngăn chặn quá trình ức chế của tia cực tím trong việc tổng hợp adenosin triphosphat, đồng thời tăng cường sửa chữa ADN và giảm hình thành CPD (dark cyclobutane pyrimidine dimers).

Tuy nhiên, nicotinamide không có tác dụng làm giảm nguy cơ bỏng nắng. Trong 2 thử nghiệm lâm sàng cho thấy rằng, cả đường uống 500 mg hoặc 1500 mg/ngày lẫn đường bôi đều không có tác dụng chống lại bỏng nắng. Chính vì vậy, nicotinamide thường ít xuất hiện trong các viên uống chống nắng thông thường mà hay được dùng để ngăn ngừa ung thư da không hắc tố ở những đối tượng có nguy cơ như dày sừng ánh sáng, dày sừng asen, bệnh khô da sắc tố… hoặc hỗ trợ điều trị ung thư da không hắc tố.

Tác dụng phụ: nicotinamide an toàn, ít tác dụng phụ. Khác với acid nicotinic có nhiều tác dụng phụ như nôn, buồn nôn,  tiêu  chảy,  nóng  bừng mặt…

Một thử nghiệm pha II, trên các bệnh nhân có tổn thương da do ánh sáng, uống nicotinamide 500 mg 1 hoặc 2 lần mỗi ngày, sau 4 tháng, tỉ lệ giảm dày sừng ánh sáng ở các vị trí đầu, cổ, cánh tay là 29-35%. Cũng trong nghiên cứu này, nhóm uống nicotinamide có 4 bệnh nhân xuất hiện ung thư da không hắc tố trong khi đó nhóm không dùng có 11 bệnh nhân bị ung thư da không hắc tố.

Một thử nghiệm pha III trên người có tiền sử bị ít nhất 2 loại ung thư da không hắc tố, các bệnh nhân này được uống nicotinamide 500 mg x 2 lần/ ngày, sau 12 tháng tỉ lệ xuất hiện ung thư mới giảm 23%, giảm 11 % dày sừng ánh sáng so với giả dược. Điều đáng lưu ý là khi ngừng nicotinamide thì tác dụng ức chế này không còn nữa.

21.2. Afamelanotide hay chống nắng đường tiêm

Afamelanotide là một đồng phân của hormone kích thích sản sinh melanin, nó hoạt động như một chất chủ vận của thụ thể melanocortin-1. Afamelanotide kích thích sự tổng hợp melanin (eumelanin) chính vì vậy khi dùng chất này làm da đen hơn nên khả năng chống lại tia cực tím tăng lên.

Afamelanotide được tìm thấy như 1 biện pháp bảo vệ ở bệnh nhân porphyrin da chậm và bệnh nhân mày đay do ánh sáng bằng cách kích thích tổng hợp melanin đồng thời nó cũng hoạt động như một chất chống oxy hóa.

Trong một thử nghiệm pha II trên các bệnh nhân porphyrin da chậm, được tiêm 16 mg afamelanotide mỗi ngày, kết quả cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian không đau sau khi tiếp xúc ánh sáng. Trong nghiên cứu khác afamelanotide kết hợp với UVB trong điều trị bạch biến làm tăng tốc độ tái tạo sắc tố.

Từ những dữ liệu trên chúng ta thấy afamelanotide mới có bằng chứng trong bệnh porphyrin da chậm và hỗ trợ điều trị bạch biến. Trên phương diện chống nắng toàn thân afamelanotide chưa có cơ sở dữ liệu.

21.3. Tính an toàn của viên uống chống nắng toàn thân

Về cơ bản thì những thuốc chống nắng toàn thân khá an toàn, có thể dùng trong thời gian nhất định như 2-3 tháng. Tốt nhất chúng ta nên dùng 1 tháng trước khi thời gian nắng nóng của mùa hè đến, tiếp tục dùng trong 3-4 tháng hè rồi dừng lại.

Với uống chống nắng liều cao β-carotene trong thời gian dài có thể gây vàng da do tăng chất này ở trong máu, tăng nguy cơ ung thư phổi ở những đối tượng có nguy cơ cao như hút thuốc lá, > 35 tuổi…, vì vậy cần thận trọng trên những đối tượng này.

Về phụ nữ cho con bú và phụ nữ có thai: chưa có dữ liệu nghiên cứu trên các đối tượng nhạy cảm này nên bác sĩ Tâm khuyến cáo không nên dùng.

21.4. Kết luận chung về viên uống chống nắng và tiêm chống nắng

Chống nắng đường uống không thay thế được chống nắng đường bôi. Khi bạn bôi kem chống nắng kèm theo uống chống nắng thì khả năng chống tia UV tăng lên. Vì vậy, khi các bạn muốn đi biển nên sắm cho mình cả kem chống nắng và uống chống nắng trước đó để tăng tác dụng.

Polypodium leucotomos có thể giúp tránh được phần nào đó nguy cơ bị bỏng nắng, thâm PL cũng giúp bảo vệ chúng ta trong những trường hợp có bệnh da liên quan tới ánh sáng.

Nicotinamide giúp giảm nguy cơ hình thành dày sừng ánh sáng (tiền ung thư da) và ung thư da không hắc tố. Với dày sừng ánh sáng nó có thể giúp giảm triệu chứng. Thuốc này không có tác dụng hỗ trợ chúng ta trong việc tránh bị bỏng nắng.

Afamelanotide có tác dụng trong hỗ trợ điều trị porphyrin da chậm, bệnh bạch biến.

Uống và tiêm chống nắng khá an toàn, tuy nhiên chúng ta nên dùng trong một thời gian nhất định và chú ý trên những đối tượng đặc biệt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Wang et al (2010). Photoprotection: a review of the current and future technologies. Dermatol ther, Jan-Feb;23(1):31-47. doi: 1111/j.1529-8019.2009.01289.x.

2. Yeager DG1, Lim What’s New in Photoprotection: A Review of New Concepts and Controversies. Dermatol Clin. 2019 Apr;37(2):149-157 doi: 10.1016/j.det.2018.11.003. Epub 2019 Feb 16.

3. Gasparro FP1, Mitchnick M, Nash JF. A review of sunscreen safety and efficacy. Photochem Photobiol. 1998 Sep;68(3):243-56.

4. Mukund Manikrao Donglikar1 and Sharada Laxman Deore2* Sunscreens: A review. Pharmacogn. J. DOI: 10.5530/pj.2016.3.1.
De Gálvez MV et al. Time required for a standard sunscreen to become effective following application: a UV photography study. J

5. Eur Acad Dermatology Venereol. 2018;32(4):e123-e124. doi:10.1111/jdv.14626.

6. Bodekær M et al. Accumulation of sunscreen in human skin after daily applications: a study of sunscreens with different ultraviolet radiation Photodermatol Photoimmunol Photomed. 2012;28(3):127- 132. doi:10.1111/j.1600-0781.2012.00651.x.

7. Li H et Sunscreen Application, Safety, and Sun Protection: The Evidence. J Cutan Med Surg. 2019;23(4):357-369. doi:10.1177/1203475419856611.

8. Williams JD, Maitra P, Atillasoy E, Wu M-M, Farberg AS, Rigel DS. SPF 100+ sunscreen is more protective against sunburn than SPF 50+ in actual use: Results of a randomized, double-blind, split-face, natural sunlight exposure clinical trial. J Am Acad Dermatol. 2018;78(5):902-910.e2. doi:10.1016/j. jaad.2017.12.062.

9. Isedeh et al. Teaspoon rule revisited: proper amount of sunscreen application. Photoder- matol Photoimmunol Photomed. 2013;29(1):55-56. doi:10.1111/phpp.12017.

10. Lyons, A. B., Trullas, C., Kohli, I., Hamzavi, I. H., & Lim, H. W. (2020). Photoprotec- tion Beyond Ultraviolet Radiation: A Review of Tinted Journal of the American Academy of Dermatology. doi:10.1016/j.jaad.2020.04.079.

11. Schneider, S. L., & Lim, H. W. (2018). A review of inorganic UV filters zinc oxide (ZnO) and titanium dioxide (TiO2). Photodermatology, Photoimmunology & Photomedicine. doi:10.1111/phpp.12439.

12. Goh C-L et al. Double-blind, Placebo-controlled Trial to Evaluate the Effectiveness of Polypodium Leucotomos Extract in the Treatment of Melasma in Asian Skin: A Pilot J Clin Aesthet Dermatol. 2018;11(3):14-19.

13. Draelos, D. (2006). Compliance and Sunscreens. Dermatologic Clinics, 24(1), 101–104. doi:10.1016/j.det.2005.09.001.

14. Austin E et al. Electronic device generated light increases reactive oxygen species in human fibroblasts. Lasers Surg Med. 2018 doi: 1002/lsm.22794.

15. Duteil L et al. Short-term exposure to blue light emitted by electronic devices does not worsen melasma. J Am Acad Dermatol. 2020;83(3):913-914.

16. Coats, G et al. (2020). Blue light protection, part II-Ingredients and performance testing methods. Journal of Cosmetic Dermatology. doi:10.1111/jocd.13854.

17. Merten et al (2019). Pinterest Homemade Sunscreens: A Recipe for Sunburn. Health Communication, 1-6. doi:10.1080/10410236.2019.1616442.

Ngày viết:
Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *