Giới thiệu chung
Lịch sử ra đời
Mineralocorticoid là một phân nhóm thuốc nhỏ trong nhóm thuốc Corticoid, nhóm thuốc được chỉ định rất nhiều trên lâm sàng hiện nay. Không giống như các Glucocorticoid, Mineralocorticoid có chỉ định hạn chế hơn và thường không có nhiều người biết đến nó. Hiện tại nhóm thuốc này chỉ có một thuốc là Fludrocortisone.
Fludrocortisone là một Corticoid được tổng hợp hóa học hoàn toàn, được mô tả lần đầu trong tài liệu năm 1953 và được sử dụng trong y học từ năm 1954 dưới dạng ester acetate.
Cấu trúc hóa học
Phần này chỉ đề cập đến cấu trúc hóa học của Mineralocorticoid duy nhất là Fludrocortisone.
Dược lý học
Dược lực học
Fludrocortisone có các tính chất dược lực học tương tự như các Glucocorticoid, tuy nhiên tác dụng giữ muối nước của nó mạnh hơn, trong khi đó tác dụng chống viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch và tác dụng trên chuyển hóa của Fludrocortisone yếu hơn.
Dược động học
- Hấp thu: Fludrocortisone hấp thu nhanh và hoàn toàn sau khi uống. Sau khi vào cơ thể, Fludrocortisone acetate bị các enzyme esterase thủy phân tạo thành dạng alcol tự do Fludrocortisone. Chỉ có dạng alcol tự do này mới có thể được phát hiện trong máu. Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được sau uống 4-8 giờ (Tmax = 4-8 giờ). Sau khi tiêm tĩnh mạch một liều duy nhất, Tmax = 1.7 giờ.
- Phân bố: Phân bố rộng trong cơ thể. Tỷ lệ liên kết với protein huyết tương (chủ yếu là globulin) 70-80%. Thuốc qua được hàng rào máu não, nhau thai và vào được sữa mẹ.
- Chuyển hóa: Thuốc được chuyển hóa chủ yếu qua gan.
- Thải trừ: 80% liều được bài xuất ra ngoài qua nước tiểu.
Tác dụng – Chỉ định
Tác dụng chủ yếu của Fludrocortisone là giữ muối và nước cho cơ thể.
Chỉ định: Liệu pháp thay thế một phần cho suy vỏ thượng thận nguyên phát và thứ phát trong bệnh Addison và hội chứng thượng thận – sinh dục không mất muối.
Cách dùng – Liều dùng
Fludrocortisone được dùng theo đường uống với liều 0.05-0.3 mg/ngày.
Tác dụng không mong muốn
- Tăng tính nhạy cảm và mức độ nặng của nhiễm trùng, nguy cơ nhiễm trùng cơ hội.
- Phù, tăng huyết áp, hạ kali máu.
- Yếu cơ, mệt mỏi, bệnh cơ do steroid, loãng xương, gãy xương chậm lành, hoại tử vô trùng chỏm xương đùi.
- Loét dạ dày – tá tràng, loét thực quản, bội nhiễm nấm Candida.
- Phù mạch, phát ban, ngứa, mày đay, sốc phản vệ.
- Vết thương lâu lành, xuất huyết dưới da, ban đỏ trên mặt, rậm lông, mụn trứng cá.
- Rối loạn tâm thần, mất ngủ, co giật, tăng áp lực nội sọ, phù gai thị.
- Kinh nguyệt không đều, vô kinh, các triệu chứng tương tự hội chứng Cushing, chậm lớn ở trẻ em, đái tháo đường, thèm ăn.
- Tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, mỏng giác mạc, nhiễm trùng virus hoặc nấm cấp ở mắt.
- Viêm tắc tĩnh mạch, huyết khối tĩnh mạch.
Chống chỉ định
- Quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Nhiễm trùng toàn thân chưa được điều trị.
Tương tác thuốc
Phối hợp với thuốc ức chế bơm proton (PPIs: Omeprazole, Lansoprazole…): Hấp thu Fludrocortisone giảm.
Phối hợp với Amphotericin B, lợi tiểu thải kali (Furosemide, Hydrochlorothiazide…) hoặc Digoxin: Nguy cơ gây ra hạ kali máu nghiêm trọng.
Phối hợp với thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs: Aspirin, Ibuprofen, Diclofenac, Meloxicam…): Tăng nguy cơ loét dạ dày – tá tràng.
Phối hợp với thuốc điều trị đái tháo đường (Metformin, Gliclazide…): Tác dụng hạ đường huyết của các thuốc dùng cùng có thể bị giảm, do đó cần xem xét hiệu chỉnh liều.
Phối hợp với các thuốc cảm ứng enzyme gan CYP3A4 mạnh (Rifampicin, Efavirenz, Carbamazepine, Phenobarbital…): Nồng độ Fludrocortisone trong máu giảm và có thể dẫn đến giảm hiệu quả điều trị.
Phối hợp với các thuốc ức chế enzyme gan CYP3A4 mạnh (Clarithromycin, Erythromycin, Lopinavir, Ritonavir, Itraconazole…): Nồng độ Fludrocortisone trong máu tăng và có thể dẫn đến tăng nguy cơ/tần suất gặp phải các tác dụng không mong muốn.
Phối hợp với vaccin sống giảm độc lực: Tác dụng của vaccin có thể giảm, có nguy cơ độc lực của chủng vi khuẩn/virus trong vaccin hồi tính trở lại.
Lưu ý và thận trọng khi sử dụng thuốc
Thận trọng ở các bệnh nhân có viêm tắc tĩnh mạch, viêm túi thừa, loét dạ dày – tá tràng, rối loạn tâm thần, viêm thận mạn tính, suy thận, suy gan, ung thư biểu mô di căn, loãng xương, đái tháo đường, nhược cơ, nhiễm trùng virus hoặc nấm toàn thân, nhiễm trùng vi khuẩn toàn thân chưa được kiểm soát bằng kháng sinh, tăng huyết áp, suy tim sung huyết, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, động kinh, suy giáp hoặc cường giáp.
Phản ứng phản vệ hiếm gặp có thể xảy ra.
Theo dõi sự tăng trưởng và phát triển của trẻ khi điều trị bằng thuốc kéo dài.
Bệnh nhân có thể dễ bị nhiễm trùng, chậm lành vết thương.
Bệnh nhân không dung nạp lactose cần thận trọng với biệt dược chứa lactose.
Sử dụng thuốc trên đối tượng đặc biệt
Phụ nữ có thai: Có thể có nguy cơ hở hàm ếch và suy thượng thận ở trẻ khi người mẹ sử dụng Fludrocortisone trong thời kỳ mang thai. Vậy nên chỉ sử dụng thuốc khi thực sự cần thiết. Theo dõi các dấu hiệu của suy thượng thận ở trẻ nếu người mẹ sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai.
Phụ nữ đang cho con bú: Thuốc có thể vào được sữa mẹ. Cần cân nhắc giữa lợi ích của việc cho con dùng sữa mẹ với nhu cầu cần điều trị của người mẹ. Trong đa số các trường hợp, nên cho trẻ dùng sữa ngoài nếu người mẹ phải điều trị bằng Corticoid.
Người cao tuổi và trẻ em: Có thể cần hiệu chỉnh liều do chức năng gan thận của ở những đối tượng này thường kém hơn người trưởng thành khỏe mạnh.
Một số nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng
Thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên đánh giá hiệu lực của Hydrocortisone kết hợp với Fludrocortisone trong điều trị sốc nhiễm trùng cho kết luận: Tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân sau 90 ngày ở những bệnh nhân dùng Hydrocortisone kết hợp với Fludrocortisone thấp hơn những bệnh nhân dùng giả dược.
Thử nghiệm lâm sàng pha II (thiết kế không thua kém) so sánh Pyridostigmine bromide với Fludrocortisone trong điều trị hạ huyết áp thế đứng ở bệnh nhân Parkinson đưa ra kết luận: Pyridostigmine bromide kém hơn Fludrocortisone trong điều trị hạ huyết áp thế đứng ở bệnh nhân Parkinson. Thử nghiệm lâm sàng này cung cấp bằng chứng khách quan đầu tiên về hiệu lực của Fludrocortisone 0.2 mg/ngày trong điều trị hạ huyết áp thế đứng ở bệnh nhân Parkinson, gây tăng huyết áp ngoại vi nhẹ nhưng không làm tăng huyết áp trung tâm khi nằm ngửa.
Tài liệu tham khảo
Annane D, Renault A, Brun-Buisson C, Megarbane B, Quenot JP, Siami S, Cariou A, Forceville X, Schwebel C, Martin C, Timsit JF, Misset B, Ali Benali M, Colin G, Souweine B, Asehnoune K, Mercier E, Chimot L, Charpentier C, François B, Boulain T, Petitpas F, Constantin JM, Dhonneur G, Baudin F, Combes A, Bohé J, Loriferne JF, Amathieu R, Cook F, Slama M, Leroy O, Capellier G, Dargent A, Hissem T, Maxime V, Bellissant E; CRICS-TRIGGERSEP Network. Hydrocortisone plus Fludrocortisone for Adults with Septic Shock. N Engl J Med. 2018 Mar 1;378(9):809-818. doi: 10.1056/NEJMoa1705716.
Available from https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa1705716
Schreglmann SR, Büchele F, Sommerauer M, Epprecht L, Kägi G, Hägele-Link S, Götze O, Zimmerli L, Waldvogel D, Baumann CR. Pyridostigmine bromide versus fludrocortisone in the treatment of orthostatic hypotension in Parkinson’s disease – a randomized controlled trial. Eur J Neurol. 2017 Apr;24(4):545-551. doi: 10.1111/ene.13260.
Available from https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1111/ene.13260
Xem thêm: