Yếu sinh lý là gì?
Yếu sinh lý là một tình trạng bệnh lý khá phổ biến ở những người có độ tuổi từ trung niên trở lên, đặc trưng bởi tình trạng giảm ham muốn và nhu cầu tình dục cũng như giảm khả năng hoạt động tình dục. Thông thường khi nhắc đến yếu sinh lý, mọi người thường nghĩ ngay đến phái mạnh, tuy nhiên trên thực tế căn bệnh này có thể gặp ở cả hai giới. Bệnh không gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng nhưng thường gây ra những ảnh hưởng về mặt tâm lý cho người bệnh, khiến người bệnh cảm thấy lo lắng, mặc cảm, tự ti. Thêm vào đó, vì đây là một bệnh liên quan đến vấn đề “tế nhị”, người bệnh thường giấu giếm, ngại ngùng, không dám đi khám bệnh sớm, điều này càng dễ làm cho bệnh trở nên nặng hơn và khó điều trị hơn.
Nhiều người thường nhầm lẫn yếu sinh lý ở nam giới với chứng rối loạn cương dương và xuất tinh sớm. Đây là các bệnh có mối liên quan mật thiết đến nhau. Một bệnh nhân yếu sinh lý sẽ thường có đi kèm rối loạn cương dương và xuất tinh sớm, tuy nhiên điều ngược lại không đúng. Một bệnh nhân có rối loạn cương dương hoặc xuất tinh sớm vẫn có thể có ham muốn và nhu cầu tình dục bình thường, thậm chí cao hơn bình thường, nhưng họ gặp khó khăn trong việc kiểm soát sự cương cứng hoặc thời gian xuất tinh khi quan hệ tình dục.
Nhìn chung, yếu sinh lý là một bệnh cần được điều trị sớm và kịp thời ở cả hai giới.
Nguyên nhân
Nguyên nhân có thể gây ra yếu sinh lý rất nhiều:
Nguyên nhân tâm lý: Áp lực công việc, tổn thương hoặc sang chấn tâm lý sau một sự việc nào đó… Việc stress nghiêm trọng và kéo dài làm cho tuyến thượng thận sản xuất ra nhiều hormone chống stress cortisone và hydrocortisone (cortisol), gây ảnh hưởng đến các hormone sinh dục nam (testosterone) và nữ (estrogen), làm cho người bệnh giảm ham muốn và nhu cầu tình dục.
Nguyên nhân thực thể:
- Tuổi tác: Tuổi tác tăng đi cùng với nguy cơ mắc yếu sinh lý cũng như các bệnh lý mắc kèm tăng. Đây là một biểu hiện bình thường của sự lão hóa. Các cơ quan trong cơ thể giảm dần khả năng hoạt động, nồng độ các hormone sinh dục cũng giảm dần… dẫn đến người bệnh dần giảm ham muốn, nhu cầu cũng như khả năng hoạt động tình dục.
- Yếu sinh lý có liên quan đến các bệnh lý mạn tính mắc kèm rất nhiều, bao gồm béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu và hội chứng chuyển hóa. Không chỉ ảnh hưởng đến nồng độ các hormone sinh dục, các bệnh lý này còn có thể làm suy giảm sức bền khi quan hệ tình dục. Một số bệnh lý có thể gây ra tình trạng tắc nghẽn các vi mạch (đái tháo đường, rối loạn lipid máu, hội chứng chuyển hóa), làm giảm lưu thông máu đến nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có cơ quan sinh dục. Khi máu đến thể hang của dương vật giảm, khả năng cương cướng và duy trì sự cương cứng ở nam giới cũng giảm theo tương ứng. Lượng máu đến tinh hoàn hay buồng trứng giảm có thể ảnh hưởng đến khả năng bài tiết hormone sinh dục cũng như khả năng sản xuất tinh trùng hoặc trứng.
- Các bệnh lý khác cũng có thể là nguyên nhân của yếu sinh lý bao gồm suy giáp, bệnh Addison, hội chứng Cushing, bệnh mạch vành, suy tim, suy thận, nhiễm HIV/AIDS…
- Suy sinh dục: Đây là bệnh lý hiếm gặp. Bệnh nhân suy sinh dục có sự sụt giảm nồng độ hormone sinh dục do cơ quan sinh dục không thể sản xuất được hormone (tinh hoàn không sản xuất được testosterone hoặc buồng trứng không sản xuất được estrogen) hoặc các tuyến chỉ huy, bao gồm tuyến yên hoặc vùng dưới đồi không sản xuất được hormone cần thiết (FSH, LH của tuyến yên và GnRH của vùng dưới đồi).
- Các bệnh lý thực thể tại tinh hoàn, buồng trứng hoặc dương vật như teo tinh hoàn, ung thư tinh hoàn, dương vật cong, ung thư buồng trứng. Các bệnh lý này có thể ảnh hưởng đến khả năng bài tiết hormone sinh dục, khả năng sản xuất tinh trùng hoặc trứng cũng như khả năng quan hệ tình dục.
- Chấn thương vùng chậu, tủy sống, tổn thương dây thần kinh hoặc mạch máu vùng bộ phận sinh dục. Các tổn thương như vậy có thể ảnh hưởng đến sự cương cứng của dương vật cũng như khả năng quan hệ tình dục.
- Lạm dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia và ma túy là nguyên nhân quan trọng gây yếu sinh lý ở cả hai giới. Thuốc lá ngoài chứa nhiều chất độc hại có khả năng gây ung thư, nó còn có thể làm tắc nhiều vi mạch nhỏ trong cơ thể theo thời gian. Rượu bia thường liên quan nhiều đến các bệnh chuyển hóa, đặc biệt là hội chứng chuyển hóa, có liên quan đến béo phì và rối loạn lipid máu. Người nghiện rượu bia nặng (thường là đàn ông) thường có khả năng tình dục kém cả về ham muốn, nhu cầu và hoạt động tình dục. Ma túy thường gây yếu sinh lý thông qua nhiều cơ chế, có thể là làm cạn kiệt các chất dẫn truyền thần kinh trong cơ thể, hoặc gây ra tình trạng ảo giác, mệt mỏi, suy kiệt…
- Một số loại thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến ham muốn tình dục và khả năng hoạt động tình dục như thuốc điều trị trầm cảm nhóm ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRIs: Fluoxetine, Citalopram…), thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCAs: Amitriptyline, Desipramine…), thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và noradrenaline (SNRIs: Duloxetine, Venlafaxine…), thuốc ức chế monoamine oxidase (IMAO: Phenelzine, Isocarboxazid…), thuốc chống loạn thần (Olanzapine, Risperidone…), thuốc chẹn β giao cảm (Propranolol, Bisoprolol…), thuốc kháng androgen (Spironolactone, Flutamide…), thuốc kháng histamine H2 (Cimetidine). Cơ chế của các thuốc này có thể là đối kháng tác dụng của hormone sinh dục, gây tăng tiết prolactin, gây co thắt cơ trơn thể hang dương vật, hoặc can thiệp vào con đường dẫn truyền các kích thích thần kinh.
- Chế độ ăn uống thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sản xuất hormone sinh dục, sản xuất tinh trùng hoặc trứng (ví dụ: thiếu kẽm, acid folic…).
- Hoạt động tình dục với tần suất quá cao, đặc biệt với nam giới, gây suy kiệt năng lượng, giảm sản xuất hormone sinh dục và tinh trùng, giảm khả năng hoạt động của dương vật.
- Phụ nữ trong thời kỳ mang thai cũng như sau khi sinh con và cho con bú có thể có giảm ham muốn tình dục do thay đổi nồng độ hormone sinh dục, tự ti do thay đổi ngoại hình, đau đớn khi quan hệ tình dục hoặc tập trung sự ưu tiên cho con.
Yếu tố nguy cơ
- Tuổi cao.
- Lối sống không lành mạnh: Thức khuya, lười vận động, thường xuyên gặp phải căng thẳng, nghiện thuốc lá, lạm dụng các chất kích thích cà phê, rượu bia, ma túy. Chế độ ăn mất cân đối giữa các thành phần dinh dưỡng: sử dụng nhiều thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn chiên rán, nước ngọt có gas…
- Các bệnh lý chuyển hóa mạn tính: đái tháo đường, béo phì, rối loạn lipid máu, hội chứng chuyển hóa.
- Bệnh lý tâm thần: trầm cảm, tâm thần phân liệt.
- Suy sinh dục hoặc các bệnh lý thực thể tại cơ quan sinh dục.
- Sử dụng một số loại thuốc đã nêu ở phần Nguyên nhân.
Chú ý: Một số yếu tố có thể vừa là nguyên nhân, vừa là yếu tố nguy cơ.
Triệu chứng
Triệu chứng lâm sàng
Giảm ham muốn và nhu cầu tình dục: Bệnh nhân có giảm ham muốn với tình dục, thường xuyên lảng tránh bạn tình/vợ/chồng khi họ có nhu cầu quan hệ tình dục, có thể có thời gian dài không quan hệ tình dục, thậm chí một số trường hợp cực đoan có rối loạn ác cảm với tình dục.
Rối loạn hoạt động tình dục:
- Rối loạn cương dương (nam giới): Bệnh nhân có thể có rối loạn cương dương với biểu hiện khó cương cứng hoặc không thể cương cứng (bất lực) khi quan hệ tình dục, thời gian cương cứng không đủ lâu, chất lượng cương cứng không đủ để làm bạn tình thỏa mãn.
- Bất thường xuất tinh và cực khoái (nam giới): Xuất tinh muộn hoặc xuất tinh sớm, khó xuất tinh, giảm lượng tinh dịch, xuất tinh mà không đạt cực khoái hoặc đạt cực khoái mà không xuất tinh, ức chế cực khoái, rối loạn cực khoái, giảm số lần cực khoái, cực khoái tự phát.
- Nữ giới có thể xuất hiện khô âm đạo, dịch tiết âm đạo không đủ để bôi trơn, đau rát hoặc mất cảm giác khi quan hệ tình dục, khó hoặc không thể đạt được cực khoái, giảm tần suất cực khoái…
Triệu chứng cận lâm sàng
- Giảm nồng độ một số hormone trong bệnh suy sinh dục: testosterone, estrogen, FSH, LH, GnRH, tùy theo chức năng tuyến nội tiết nào giảm.
- Thay đổi nồng độ một số hormone trong một số bệnh lý khác gây yếu sinh lý: T3 và T4¬ (cả dạng kết hợp và dạng tự do) giảm và TSH tăng cao trong suy giáp có nguyên nhân tại tuyến giáp, glucocorticoid giảm trong bệnh Addison và tăng trong hội chứng Cushing…
- HbA1c và nồng độ glucose máu lúc đói tăng trong đái tháo đường.
- Các thông số lipid máu thay đổi trong rối loạn lipid máu: VLDL (lipoprotein tỷ trọng rất thấp) và LDL (lipoprotein tỷ trọng thấp) tăng, HDL (lipoprotein tỷ trọng cao) giảm…
Chẩn đoán
Hỏi bệnh sử:
Khai thác kĩ bệnh sử nhằm giúp xác định tất cả các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ có thể gây ra yếu sinh lý. Những bất thường về mặt cương cứng, xuất tinh và khả năng đạt cực khoái phải được khai thác kĩ để xác định mức độ nặng của bệnh. Bác sĩ có thể sử dụng các bộ câu hỏi để đánh giá một cách chính xác hơn mức độ yếu sinh lý cũng như các triệu chứng rối loạn cương dương, xuất tinh sớm hoặc các rối loạn tâm thần khác.
Khám thực thể:
Bác sĩ thường tiến hành các thăm khám tại cơ quan sinh dục nhằm xác định một số nguyên nhân thực thể có thể gặp phải do bất thường cơ quan sinh dục. Tỷ số eo/hông cũng là một thông số quan trọng cần xác định với những bệnh nhân thừa cân hoặc béo phì.
Xét nghiệm cận lâm sàng:
Các xét nghiệm này thường mang ý nghĩa chủ yếu là xác định các bệnh lý mắc kèm theo, đa số là các bệnh lý mạn tính, chuyển hóa. Các bệnh lý này có thể là nguyên nhân gây ra yếu sinh lý, đồng thời cũng là yếu tố để bác sĩ cân nhắc quy trình điều trị. Các thông số cận lâm sàng thường được xét nghiệm đã được nêu ở phần Triệu chứng.
Điều trị
Thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống là điều bắt buộc khi điều trị yếu sinh lý. Một lối sống tích cực, lành mạnh có thể cải thiện rất đáng kể chất lượng cuộc sống cũng như chất lượng tình dục. Với yếu sinh lý mức độ nhẹ, thay đổi lối sống có thể giúp bệnh nhân khỏi bệnh mà không cần bất kỳ can thiệp nào khác.
Hoạt động thể chất đều đặn, tối thiểu 150 phút/tuần ở cường độ trung bình, hoặc tùy theo sức khỏe của bản thân. Các môn thể thao phổ biến có thể áp dụng bao gồm đạp xe, chạy bộ, đi bộ nhanh, bơi lội… Duy trì cân nặng ở ngưỡng phù hợp (BMI từ 18.5-22.5 với người Việt Nam không tập luyện hoặc lao động nặng).
Ngủ đủ giấc, không thức khuya.
Tránh trạng thái căng thẳng thường xuyên. Làm việc vừa sức.
Bỏ thuốc lá.
Chế độ ăn uống:
- Hạn chế rượu bia, các loại nước ngọt có gas.
- Chế độ ăn uống cân đối các thành phần glucid, protid, lipid cũng như các vitamin và khoáng chất. Chú trọng thực phẩm tươi sống, không nên sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp.
- Cân nhắc các loại thực phẩm giàu glucid có chỉ số đường huyết (GI) thấp như bánh mì đen, gạo lứt, chuối, ngô, khoai lang… Các loại thực phẩm này không làm tăng glucose trong máu đột ngột mà làm glucose máu tăng một cách từ từ, tương ứng với đó là lượng hormone insulin do tuyến tụy tiết ra cũng tăng từ từ và không quá cao, hạn chế nguy cơ gây đề kháng insulin so với các loại thực phẩm giàu glucid có chỉ số GI cao như gạo trắng, bánh mì trắng, bún, phở… Các loại thực phẩm giàu glucid có chỉ số GI rất cao như các loại bánh ngọt, kem (chứa nhiều đường tinh luyện)… nên hạn chế đến mức tối đa. Các loại thực phẩm giàu glucid có chỉ số GI càng thấp sẽ giúp người ăn càng no lâu (do mất thời gian tiêu hóa), từ đó hỗ trợ giảm cân với những người thừa cân, béo phì.
- Các loại thực phẩm giàu protid nên đa dạng, bao gồm thịt, hải sản, trứng, sữa. Thịt trắng và thịt đỏ được sử dụng với tỷ lệ cân đối (tỷ lệ thịt trắng nên cao hơn), ưu tiên thịt nạc. Cá nên được sử dụng với tần suất 2 bữa/tuần và ưu tiên cá nước mặn hơn (do những lo ngại về nguy cơ gây ngộ độc kim loại của cá nước ngọt). Trứng là loại thực phẩm không được tiêu thụ nhiều nếu như người bệnh có mắc các bệnh chuyển hóa đi kèm như rối loạn lipid máu, đái tháo đường do những lo ngại về lượng cholesterol có trong lòng đỏ trứng. Tuy nhiên với những người không có các bệnh nền này, điều này không phải là vấn đề đáng ngại do lượng cholesterol dư thừa từ lòng đỏ trứng sẽ tạo ra tín hiệu thông báo cho gan giảm tổng hợp cholesterol nội sinh. Trung bình trong một ngày, một người trưởng thành có nhu cầu sử dụng khoảng 1500-2000 mg cholesterol, nhu cầu này sẽ cao hơn ở những người vận động mạnh thường xuyên. Một quả trứng gà chứa trung bình khoảng 164 mg cholesterol. Do vậy, sử dụng 1-2 quả trứng mỗi ngày với người bình thường hoặc 2-3 quả trứng mỗi ngày với người vận động mạnh thường xuyên là hoàn toàn bình thường.
- Với các loại thực phẩm giàu lipid, nên ưu tiên các loại lipid có trong lạc, vừng, mè, bơ, dừa, oliu… Hạn chế sử dụng nguồn lipid từ các loại dầu ăn công nghiệp, bơ thực vật (chứa chất béo chuyển hóa transfat), dầu ăn đã qua chế biến nhiều lần (bị biến chất do oxy hóa). Tỷ lệ lipid có nguồn gốc từ thực vật và động vật nên cân đối, với lipid có nguồn gốc từ thực vật chiếm tỷ trọng cao hơn. Không nên kiêng hoàn toàn lipid có nguồn gốc từ động vật, trừ khi người bệnh có các bệnh lý chuyển hóa mắc kèm.
- Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi. Đây là nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng rất đa dạng và dồi dào. Người mắc đái tháo đường nên hạn chế các loại hoa quả có tỷ lệ đường cao.
Điều trị tâm lý
Bệnh nhân có thể cần được điều trị với bác sĩ tâm lý, hoặc hỗ trợ từ bạn tình/vợ/chồng để giải tỏa tâm lý. Với các trường hợp trầm cảm nặng hoặc tâm thần phân liệt, điều trị tâm lý có thể chưa đủ mà cần phải sử dụng thuốc, tuy nhiên cần nhớ rằng bản thân các thuốc này lại là nguyên nhân gây ra yếu sinh lý. Do vậy, việc điều trị bằng các thuốc này tự bản thân nó có thể gây ra những lo lắng, tự ti và trầm cảm cho người bệnh.
Thuốc làm tăng ham muốn tình dục
Tính đến thời điểm hiện nay, chưa có một loại thuốc nào có khả năng làm tăng ham muốn tình dục ở nam giới, mà chỉ có thuốc làm tăng ham muốn tình dục ở nữ giới, đó là Flibanserin. Thuốc này chỉ được sử dụng cho phụ nữ chưa mãn kinh và chưa từng có ham muốn tình dục thấp trong quá khứ. Thuốc chủ vận thụ thể 5-HTA1 và đối vận thụ thể 5-HTA2 trong não, từ đó làm giảm lượng chất dẫn truyền thần kinh serotonin và làm tăng lượng noradrenaline và dopamine, làm tăng ham muốn tình dục.
Điều trị suy sinh dục bằng hormone
Tùy theo nguyên nhân suy sinh dục là do thiếu loại hormone nào mà bệnh nhân sẽ được bổ sung loại hormone đó. Các hormone ngoại sinh có thể được sử dụng bao gồm Testosterone (nam), Estrogen (nữ), FSH, LH hoặc GnRH. Estrogen có thể được bổ sung cho phụ nữ sau mãn kinh kể cả khi không có suy sinh dục.
Một số nghiên cứu đã cho thấy bổ sung Testosterone cho phụ nữ với liều 150-300 µg/ngày trong 12 tuần làm tăng tần suất hoạt động tình dục, đạt cực khoái và cảm giác hạnh phúc (những đối tượng nghiên cứu có tuổi từ 31-56, vẫn còn tử cung và vòi trứng, không có suy sinh dục). Tuy nhiên vẫn cần nhiều nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này, cần cân bằng giữa tác dụng mà thuốc đem lại với những tác dụng không mong muốn mà thuốc có thể gây ra.
Điều trị rối loạn cương dương
Thuốc ức chế phosphodiesterase-5 (PDE-5): Các đại diện của nhóm thuốc nổi tiếng và được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị rối loạn cương dương này bao gồm Sildenafil, Vardenafil, Tadalafil và Avanafil, trong đó Sildenafil là thuốc được sử dụng nhiều nhất. Các thuốc này hoạt động theo cơ chế ức chế một enzyme có tên gọi là PDE-5, enzyme này chịu trách nhiệm phá hủy GMP vòng (cGMP), một chất được tạo ra qua trung gian nitric oxide (NO) thông qua các kích thích tình dục. cGMP là một chất gây giãn mạch mạnh và giúp máu vào thể hang dương vật nhiều hơn, từ đó gây ra sự cương cứng. Ức chế PDE-5 giúp làm tăng cao nồng độ cGMP nội bào, từ đó giúp cho sự cương cứng diễn ra tốt hơn và lâu hơn. Thuốc không làm tăng ham muốn tình dục, cũng không làm cho dương vật tự động cương cứng mà chỉ làm tăng khả năng và thời gian cương cứng của dương vật, người bệnh vẫn cần có kích thích tình dục để thuốc có thể hoạt động. Các tác dụng không mong muốn của các thuốc nhóm này bao gồm đỏ mặt, nghẹt mũi, hoa mắt, nhìn mờ… Chống chỉ định tuyệt đối việc phối hợp các thuốc nhóm này với các nitrate hữu cơ (thuốc giãn mạch mạnh được sử dụng trong bệnh mạch vành) do phối hợp này gây hiệp đồng tác dụng giãn mạch, hạ huyết áp đến mức nguy hiểm cho người sử dụng.
Liệu pháp qua niệu đạo: Prostaglandin E1 (PGE1) qua niệu đạo là một phương pháp thay thế hoặc kết hợp với thuốc ức chế PDE-5 nếu liệu pháp ức chế PDE-5 đơn độc không đem lại hiệu quả. PGE1 có tác dụng giãn mạch mạnh và giúp cho thời gian cương cứng kéo dài hơn. Tác dụng không mong muốn phổ biến là đau dương vật.
Liệu pháp tiêm nội hang: Tiêm nội hang hay tiêm trong thể hang của dương vật được áp dụng với các thuốc PGE1, Papaverine và Phentolamine. Peptide ruột vận mạch (VIP) ít khi được sử dụng và không được chấp thuận tại Hoa Kỳ. PGE1 có thể được sử dụng đơn trị liệu. Papaverine và Phentolamine luôn được kết hợp cùng nhau, đôi khi có thêm cả PGE1. Tác dụng không mong muốn phổ biến có thể gặp phải là đau dương vật và cương cứng kéo dài.
Sử dụng máy hút chân không: Máy hút chân không tạo ra áp lực âm hút máu vào thể hang dương vật, từ đó tạo ra sự cương cứng. Sau đó, một vòng thắt được đặt vào gốc dương vật để ngăn máu chảy ngược ra. Sự cương cứng do máy hút chân không tạo ra chỉ nên được duy trì trong khoảng 30 phút. Các tác dụng không mong muốn phổ biến có thể gặp phải khi sử dụng phương pháp này là đau và tụ máu dương vật.
Cấy dương vật giả: Dương vật giả có thể được sử dụng khi can thiệp nội khoa hoặc máy hút chân không không hiệu quả. Dương vật giả đem lại hiệu quả cao và cải thiện khả năng cương cứng tốt, với tỷ lệ đáp ứng cao. Tác dụng không mong muốn thường gặp nhất của can thiệp ngoại khoa này là nhiễm trùng dương vật.
Phẫu thuật tái thông động mạch dương vật: Đây là phương pháp ít được sử dụng trong điều trị rối loạn cương dương. Trong trường hợp động mạch dẫn máu vào thể hang bị tắc nghẽn nhiều, phương pháp này có thể mang lại lợi ích. Phương pháp này không được chỉ định cho các trường hợp tắc nghẽn vi mạch do đái tháo đường hoặc hút thuốc lá.
Trong bất cứ phương pháp điều trị giúp kéo dài thời gian cương cứng nào, thời gian cương cứng không nên kéo dài quá 4 giờ để tránh nguy cơ hoại tử dương vật.
Điều trị xuất tinh sớm
Thuốc thường xuyên được sử dụng nhất trong trường hợp này là các thuốc gây tê bề mặt như Benzocain. Thuốc có sẵn dưới dạng xịt để xịt lên đầu dương vật, hoặc có sẵn trong đầu bao cao su. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần tự luyện tập để khống chế khả năng xuất tinh của bản thân.
Điều trị các bệnh lý mắc kèm
Đái tháo đường: Ngoài thay đổi lối sống, bệnh nhân có thể được điều trị đái tháo đường bằng các loại thuốc làm hạ HbA1c, trong đó đầu tay là Metformin do thuốc này rẻ tiền và có hiệu quả tốt. Tiếp theo đó tùy theo điều kiện kinh tế của bệnh nhân, cũng như các thuốc sẵn có trong bệnh viện, bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng một trong các thuốc thuộc nhóm Sulfonylurea (Gliclazide, Tolazamide…), ức chế α-glucosidase (Acarbose), các Glinide (Repaglinide, Nateglinide…), Thiazolidinedione (Pioglitazone), ức chế DPP-4 (Sitagliptin, Vildagliptin…), chủ vận thụ thể GLP-1 (Exenatide, Liraglutide…), ức chế SGLT-2 (Empagliflozin, Dapagliflozin, Canagliflozin) hoặc Insulin nếu như HbA1c chưa hạ được về mức mong muốn. Trong số các thuốc trên, Sulfonylurea là nhóm thuốc hiệu quả, rẻ tiền nhưng có thể gây tăng cân, thuốc ức chế α-glucosidase hoặc Glinide hiệu quả không cao, Thiazolidinedione có hiệu quả tốt nhưng làm tăng nguy cơ gây ung thư bàng quang, thuốc ức chế DPP-4 có giá thành đắt nhưng hiệu quả chưa rõ ràng, các thuốc chủ vận thụ thể GLP-1 và ức chế SGLT-2 có giá thành cao, đi cùng với đó là hiệu quả tốt, giúp giảm cân nặng, có tác động tốt trên tim mạch và thận. Insulin là thuốc được sử dụng phổ biến, hiệu quả tốt, giá thành trung bình nhưng gây tăng cân.
Rối loạn lipid máu: Nhóm thuốc được sử dụng phổ biến nhất là các statin (Atorvastatin, Rosuvastatin…). Đây là các thuốc có hiệu quả tốt, đã được chứng minh trong nhiều thử nghiệm lâm sàng. Tác dụng không mong muốn phổ biến của nhóm thuốc này là gan nhiễm mỡ. Tiêu cơ vân là tác dụng không mong muốn hiếm gặp nhưng nguy hiểm đến tính mạng, dễ xảy ra khi phối hợp các statin được chuyển hóa nhiều qua CYP3A4 ở gan với các thuốc ức chế CYP3A4 mạnh. Ngoài statin, các thuốc khác có thể được sử dụng bao gồm các Fibrate (Fenofibrate, Gemfibrozil…), Ezetimibe, nhựa gắn acid mật (Cholestyramine, Colestipol) hoặc thuốc ức chế PCSK9 (Alirocumab, Evolocumab). Các thuốc này đa phần đều có hiệu lực kém hơn statin (trừ thuốc ức chế PCSK9) và ít được ưa chuộng hơn. Các thuốc ức chế PCSK9 là các kháng thể đơn dòng có hiệu lực cao, là một nhóm thuốc mới trong điều trị rối loạn lipid máu, tuy nhiên giá thành thuốc còn đắt và chưa có mặt tại thị trường Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
Montgomery KA. Sexual desire disorders. Psychiatry (Edgmont). 2008;5(6):50-55.
Available from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2695750/
Xem thêm: Rối loạn cương dương: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị