https://www.traditionrolex.com/45 Rối loạn cương dương: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Rối loạn cương dương: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Rối loạn cương dương là gì?

Rối loạn cương dương (erectile dysfunction), trước đây còn được gọi là bất lực, là một tình trạng bệnh lý khá phổ biến ở nam giới trên 40 tuổi, đặc trưng bởi không đạt được hoặc duy trì được sự cương cứng dương vật để giao hợp thỏa mãn. Mặc dù không có định nghĩa về thời gian cụ thể, thông thường, tình trạng bệnh phải kéo dài ít nhất trong 6 tháng. Tỷ lệ bệnh tăng nhanh đi cùng với tuổi tác và các bệnh đồng mắc khác.

Dịch tễ

Nghiên cứu lão hóa nam giới Massachusetts (MMAS) cho thấy tỷ lệ mắc rối loạn cương dương mức độ từ nhẹ đến trung bình là 52% ở độ tuổi 40-70. Ngược lại, Nghiên cứu lão hóa nam giới châu Âu (EMAS) cho thấy tỷ lệ mắc rối loạn cương dương rất dao động, từ 6-64% tùy thuộc theo nhóm tuổi và tăng dần theo độ tuổi, tỷ lệ trung bình là 30%. Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ hiện mắc rối loạn cương dương ở đàn ông Hoa Kỳ, Đông Á và Đông Nam Á cao hơn so với đàn ông ở châu Âu và Nam Mỹ.

Tuy nhiên, tỷ lệ mắc rối loạn cương dương tính toán được thường luôn có xu hướng thấp hơn giá trị thực tế, chủ yếu do đây là vấn đề tế nhị, nhiều bệnh nhân thường giấu giếm bệnh tình của bản thân.

Nghiên cứu EMAS cho thấy tỷ lệ mắc rối loạn cương dương tăng theo độ tuổi
Hình ảnh: Nghiên cứu EMAS cho thấy tỷ lệ mắc rối loạn cương dương tăng theo độ tuổi

Tỷ lệ rối loạn cương dương nghiêm trọng tăng nhanh hơn so với rối loạn cương dương trung bình.

Nguyên nhân

Nguyên nhân tâm thần: Sang chấn tâm lý, vấn đề trong quan hệ tình cảm, sự không thỏa mãn của đối tác, áp lực của gia đình và xã hội, trầm cảm.

Nguyên nhân hữu cơ:

  • Thần kinh: Đột quỵ, chấn thương tủy sống, bệnh đa xơ cứng, bệnh lý thần kinh ngoại biên.
  • Mạch máu: Bệnh động mạch ngoại vi, suy động mạch, tắc tĩnh mạch, tăng huyết áp, chấn thương.
  • Bệnh lý mạn tính đồng mắc: Suy gan, suy thận, rối loạn lipid máu, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), ngưng thở khi ngủ.
  • Dương vật: Xơ hóa thể hang, bệnh Peyronie (dương vật cong), gãy dương vật.
  • Bệnh lý nội tiết: Suy sinh dục, đái tháo đường, tăng prolactin máu, rối loạn tuyến giáp.
  • Bệnh lý tiết niệu: Phì đại tiền liệt tuyến lành tính.
  • Thuốc: Thuốc điều trị tăng huyết áp (lợi tiểu thiazide, thuốc chẹn β giao cảm), trầm cảm (thuốc ức chế tái thu hồi serotonin chọn lọc SSRIs, thuốc chống trầm cảm ba vòng TCAs), kháng androgen (Spironolactone), loét dạ dày – tá tràng (thuốc kháng histamine H2), sử dụng cần sa hoặc heroin…
  • Sau xạ trị, sau phẫu thuật.

Yếu tố nguy cơ

  • Tuổi cao.
  • Bệnh mạch vành hoặc bệnh mạch máu ngoại vi.
  • Tăng huyết áp.
  • Béo phì, lối sống tĩnh tại.
  • Tăng lipid máu.
  • Chấn thương hoặc phẫu thuật xương chậu hoặc xương cột sống.
  • Đái tháo đường.
  • Tăng sản tiền liệt tuyến lành tính.
  • Một số triệu chứng đường tiết niệu dưới.
  • Suy dinh dục.
  • Bệnh Peyronie.
  • Một số rối loạn nội tiết.
  • Hút thuốc lá.
Hút thuốc lá có nguy cơ gây rối loạn cương dương
Hút thuốc lá có nguy cơ gây rối loạn cương dương
  • Trầm cảm.
  • Sử dụng cồn (rượu bia) và ma túy.
  • Một số loại thuốc.

Lưu ý: Một số yếu tố vừa là nguyên nhân, vừa là yếu tố nguy cơ.

Sinh lý bệnh

Bình thường, dương vật ở trạng thái mềm (cơ trơn co). Sự co cơ trơn được điều hòa bởi các hệ giao cảm (noradrenaline), hệ thống nội sinh và các yếu tố co bóp nguồn gốc nội mô (prostaglandin và endothelin). Khi có kích thích tình dục, nitric oxide (NO) được giải phóng từ các sợi thần kinh NANC (non-adrenergic non-cholinergic) và acetylcholine được giải phóng từ các sợi thần kinh phó giao cảm. Kết quả là nồng độ GMP vòng (cGMP) nội bào tăng, nồng độ ion Ca2+ nội bào giảm, gây ra giãn cơ trơn. Khi đó máu sẽ lấp đầy không gian trong thể hang, dẫn đến chèn ép tĩnh mạch dưới vỏ, làm nghẽn dòng máu chảy ra. Kết quả của quá trình này là sự cương cứng dương vật. Quá trình này có thể bị đảo ngược bởi phosphodiesterase-5 (PDE-5) do enzyme này chịu trách nhiệm thủy phân cGMP. Rối loạn cương dương xảy ra khi bất kỳ quá trình nào trong số các quá trình trên bị gián đoạn.

Dương vật ở trạng thái mềm – cơ trơn co
Hình ảnh: Dương vật ở trạng thái mềm – cơ trơn co
Dương vật ở trạng thái cương cứng – cơ trơn giãn
Hình ảnh: Dương vật ở trạng thái cương cứng – cơ trơn giãn.

Triệu chứng

Rối loạn cương dương do nguyên nhân tâm lý:

  • Khởi phát đột ngột.
  • Chức năng cương cứng không liên tục.
  • Mất khả năng duy trì cương cứng.
  • Khả năng cương cứng ban đêm tốt.
  • Đáp ứng với các thuốc ức chế PDE-5 nhìn chung rất tốt.

Rối loạn cương dương do nguyên nhân hữu cơ:

  • Khởi phát từ từ.
  • Tiến triển thường xuyên.
  • Đáp ứng cương cứng kém liên tục.
  • Cương cứng tốt hơn ở tư thế đứng so với tư thế nằm (ở bệnh nhân có rò rỉ tĩnh mạch).

Chẩn đoán

Hỏi bệnh sử và khám thực thể:

Đây là việc đầu tiên cần thực hiện trước khi chẩn đoán và điều trị bất kỳ vấn đề tình dục nào. Bệnh sử có thể giúp chẩn đoán phân biệt nguyên nhân gây ra rối loạn cương dương là nguyên nhân tâm lý hay nguyên nhân hữu cơ. Hỏi bệnh sử tình dục chi tiết sẽ giúp bác sĩ xác định được mức độ nghiêm trọng, thời gian khởi phát cũng như thời gian mắc rối loạn cương dương. Một bệnh sử được khai thác kĩ lưỡng có thể đánh giá được chất lượng cương cứng khi bệnh nhân ở trạng thái tỉnh cũng như trong trạng thái thủ dâm, dạo đầu và trong khi giao hợp.

Bảng câu hỏi SHIM (Sexual Health Inventory for Men) là một công cụ rất hữu ích để đánh giá mức độ nghiêm trọng của rối loạn cương dương. Bộ câu hỏi IIEF (International Index of Erectile Function) cũng là một công cụ có độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao, được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá hiệu quả điều trị rối loạn cương dương. Tuy nhiên do độ dài và bất tiện trong sử dụng, việc sử dụng IIEF trong chẩn đoán lâm sàng không tiện lợi và không được ưa thích bằng SHIM. Trong thang điểm SHIM, điểm càng thấp chứng tỏ mức độ rối loạn cương dương càng nặng. Cụ thể, có năm mức độ rối loạn cương dương theo thang điểm này: nghiêm trọng (1-7 điểm), trung bình (8-11 điểm), từ nhẹ đến trung bình (12-16 điểm), nhẹ (17-21 điểm) và không có rối loạn cương dương (22-25 điểm). Bộ câu hỏi SHIM cụ thể như sau:

Trong vòng 6 tháng qua:

Bạn đánh giá sự tự tin của mình rằng bạn có thể đạt được và giữ được sự cương cứng như thế nào?

  • 1 điểm: rất thấp.
  • 2 điểm: thấp.
  • 3 điểm: trung bình.
  • 4 điểm: cao.
  • 5 điểm: rất cao.

Khi cương cứng với kích thích tình dục, tần suất mà sự cương cứng của bạn đủ cứng để thâm nhập vào bạn tình?

  • 0 điểm: không có hoạt động tình dục.
  • 1 điểm: hầu như không bao giờ hoặc không bao giờ.
  • 2 điểm: một vài lần (ít hơn một nửa thời gian).
  • 3 điểm: thỉnh thoảng (khoảng một nửa thời gian).
  • 4 điểm: hầu hết các lần (nhiều hơn một nửa thời gian).
  • 5 điểm: hầu như luôn luôn hoặc luôn luôn.

Trong khi quan hệ tình dục, bạn có thường xuyên có thể duy trì sự cương cứng sau khi sau khi thâm nhập vào bạn tình không?

  • 0 điểm: không cố gắng giao hợp.
  • 1 điểm: hầu như không bao giờ hoặc không bao giờ.
  • 2 điểm: một vài lần (ít hơn một nửa thời gian).
  • 3 điểm: thỉnh thoảng (khoảng một nửa thời gian).
  • 4 điểm: hầu hết các lần (nhiều hơn một nửa thời gian).
  • 5 điểm: hầu như luôn luôn hoặc luôn luôn.

Trong khi quan hệ tình dục, bạn gặp khó khăn như thế nào để duy trì sự cương cứng để hoàn thành giao hợp?

  • 0 điểm: không cố gắng giao hợp.
  • 1 điểm: cực kỳ khó.
  • 2 điểm: rất khó.
  • 3 điểm: khó.
  • 4 điểm: hơi khó.
  • 5 điểm: không khó.

Khi cố gắng quan hệ tình dục, bạn có thường xuyên thỏa mãn hay không?

  • 0 điểm: không cố gắng giao hợp.
  • 1 điểm: hầu như không bao giờ hoặc không bao giờ.
  • 2 điểm: một vài lần (ít hơn một nửa thời gian).
  • 3 điểm: thỉnh thoảng (khoảng một nửa thời gian).
  • 4 điểm: hầu hết các lần (nhiều hơn một nửa thời gian).
  • 5 điểm: hầu như luôn luôn hoặc luôn luôn.

Vì suy sinh dục cũng có thể liên quan đến rối loạn cương dương, bác sĩ có thể sử dụng công cụ sàng lọc suy sinh dục, ví dụ như bộ câu hỏi ADAM (Androgen Deficiency in the Aging Male). Bộ câu hỏi này bao gồm 10 câu hỏi có/không (yes/no question), có độ nhạy 84-88% và độ đặc hiệu 37-60%. Bộ câu hỏi ADAM cụ thể như sau:

  • Bạn có bị giảm ham muốn tình dục không?
  • Bạn có bị thiếu năng lượng không?
  • Bạn có bị giảm sức mạnh và/hoặc độ bền không?
  • Bạn có bị giảm chiều cao không?
  • Bạn có nhận thấy “niềm vui trong cuộc sống” bị giảm sút không?
  • Bạn có buồn và/hoặc hay gắt gỏng không?
  • Sự cương cứng của bạn có kém “mạnh mẽ” hơn không?
  • Bạn có nhận thấy khả năng chơi thể thao gần đây của mình bị giảm sút không?
  • Bạn có cảm thấy buồn ngủ sau bữa tối không?
  • Hiệu suất công việc của bạn gần đây có giảm sút không?

Nếu câu trả lời là “Có” ở câu hỏi số 1, số 7 hoặc 3 câu hỏi bất kỳ khác, bệnh nhân có thể đã bị suy giảm nồng độ androgen (nồng độ testosterone thấp) và các các xét nghiệm tiếp theo để khẳng định chẩn đoán.

Do tính đặc hiệu không cao, bộ câu hỏi này có thể được điều chỉnh bằng bộ câu hỏi ADAM định lượng qADAM (quantitative ADAM), sử dụng thang Likert 5 điểm thay cho các câu trả lời có/không.

Bộ câu hỏi PHQ-9 (Patient Health Questionnaire) và BDI (Beck Depression Inventory) giúp bác sĩ đánh giá các triệu chứng của trầm cảm và trạng thái tâm lý xã hội.

Khám thực thể ở các bệnh nhân nam bị rối loạn cương dương được khuyến khích, nhưng không phải lúc nào cũng cần thiết, theo ICSM (International Consultation in Sexual Medicine). Trong khám thực thể, bệnh nhân sẽ được khám kỹ cơ quan sinh dục, bao gồm đánh giá các tổn thương, sẹo, mảng, vị trí lỗ niệu đạo cũng như kích thước và độ đặc của tinh hoàn. Bác sĩ cũng có thể khám các đặc điểm sinh dục thứ cấp, mạch ngoại vi, có sự hiện diện của nữ hóa tuyến vú hay không… Vòng eo, vòng hông, cùng với tỷ lệ eo/hông, là một thông số quan trọng đánh giá béo phì, hội chứng chuyển hóa và là một cơ sở quan trọng để bác sĩ yêu cầu bệnh nhân giảm cân. Kiểm tra tuyến tiền liệt qua đường trực tràng cũng có thể cần thiết trong một số trường hợp.

Xét nghiệm cận lâm sàng:

Các xét nghiệm cận lâm sàng sẽ giúp đánh giá các yếu tố nguy cơ của rối loạn cương dương, thường bao gồm trục dưới đồi – tuyến yên – thượng thận (HPA), nồng độ lipid máu và khả năng chuyển hóa đường. 0.4% bệnh nhân rối loạn cương dương có u tuyến yên, 0.76% có tăng prolactin máu, 20-25% có đái tháo đường và 40-70% có rối loạn lipid máu.

Rối loạn lipid máu
Hình ảnh: Rối loạn lipid máu

Một số xét nghiệm cận lâm sàng được khuyến nghị để đánh giá rối loạn cương dương cho người bệnh bao gồm:

HbA1c: Liên quan đến đái tháo đường.

Đánh giá trục HPA:

  • Testosterone.
  • Testosterone tự do.
  • Globulin gắn hormone giới tính.
  • Prolactin.
  • Hormone kích thích nang trứng và hormone tạo hoàng thể (FSH và LH).

Lipid máu:

  • Cholesterol tổng.
  • Cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL-C) (Cholesterol “xấu”).
  • Cholesterol lipoprotein tỷ trọng rất thấp (VLDL-C).
  • Cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL-C) (Cholesterol “tốt”).
  • Triglyceride.

Test chức năng tuyến giáp (nếu có chỉ định):

  • Hormone kích thích tuyến giáp (TSH).
  • Triiodothyronine (T3).
  • Thyroxine tổng (T4).
  • Thyroxine tự do (FT4).

Nhìn chung, trong đa số các trường hợp, hỏi bệnh sử, khám thực thể và xét nghiệm cận lâm sàng là đủ để chẩn đoán rối loạn cương dương, nhưng ở một số bệnh nhân phức tạp, bác sĩ có thể cần phải sử dụng thêm một số công cụ chẩn đoán khác.

Đánh giá mạch máu:

Đánh giá mạch máu giúp chẩn đoán suy động mạch hoặc suy tĩnh mạch. Siêu âm hai mặt dương vật là phương pháp phổ biến nhất và cung cấp nhiều thông tin nhất để đánh giá chức năng động mạch và tĩnh mạch (mức độ bằng chứng: B). Những nam giới có rối loạn cương dương do động mạch sẽ có tốc độ đỉnh tâm thu (PSV) < 25 mL/s, với độ nhạy 100% và độ đặc hiệu 95% ở những người có động mạch thẹn bất thường. Trong khi đó, ở rối loạn chức năng tĩnh mạch, bệnh nhân sẽ có PSV ≥ 25 mL/s, với tốc độ cuối tâm trương (EDV) hầu như luôn > 5 mL/s, với độ nhạy 90% và độ đặc hiệu 56% ở những người có rò tĩnh mạch trên thể hang dương vật. Chỉ số cản hay chỉ số điện trở (RI) (RI = PSV − EDV/PSV) là thước đo cho sức cản của mạch máu dựa trên phổ Doppler. RI ≥ 0.9 là chức năng bình thường và RI < 0.75 là dấu hiệu của rò tĩnh mạch.

Chụp thể hang và vật hang động (DICC) có thể là phương pháp đánh giá rò rỉ tĩnh mạch thay thế (mức độ bằng chứng: B). Chụp thể hang bao gồm tiêm thuốc giãn mạch và truyền nước muối sinh lý, đồng thời theo dõi áp lực thể hang để đánh giá dòng máu chảy ra khỏi dương vật. Nếu áp lực trong thể hang không tăng hoặc giảm nhanh sau khi ngừng truyền nước muối, điều này chứng tỏ có rò tĩnh mạch. Ngược lại, chụp vật hang phải truyền thuốc cản quang sau khi tiêm thuốc giãn mạch để nhìn thấy được vị trí rò tĩnh mạch. DICC cung cấp nhiều thông tin, nhưng chỉ được giới hạn sử dụng cho bệnh nhân có tiền sử chấn thương hoặc rối loạn cương dương thứ phát có khả năng cao phải tái thông mạch máu.

Chụp động mạch cũng giúp xác định tắc động mạch (mức độ bằng chứng: C), nhưng nó có ý nghĩa đánh giá về mặt giải phẫu nhiều hơn là chức năng. Các động mạch có thể được đánh giá trong rối loạn cương dương là động mạch chậu, động mạch thẹn trong, động mạch dương vật và động mạch thượng vị dưới.

Đánh giá tâm sinh lý:

Đánh giá sự cương cứng vào ban đêm NPT (nocturnal penile tumescence) có thể giúp bác sĩ phân biệt được nguyên nhân gây ra rối loạn cương dương là nguyên nhân tâm lý hay nguyên nhân hữu cơ (mức độ bằng chứng: B). Đánh giá này xác định số lượng, thời gian và độ cứng của các đợt cương cứng trong lúc ngủ. Thiết bị RigiScan được sử dụng để đánh giá NPT. Ở người bình thường, trung bình sẽ có 4-5 đợt cương cứng, thời gian trung bình 30 phút hoặc lâu hơn, chu vi dương vật tăng 3 cm ở phần gốc và > 2 cm ở phần đầu, độ cứng tối đa > 70% ở cả phần gốc và đầu dương vật. Tuy nhiên, phương pháp này không được khuyến cáo để đánh giá rối loạn cương dương trong những trường hợp thông thường.

Điều trị

Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống không chỉ giúp cải thiện các triệu chứng của rối loạn cương dương, mà còn giúp giảm thiểu nguy cơ tim mạch. Bệnh nhân được khuyến khích bỏ thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác như cần sa và ma túy, duy trì hoạt động thể chất thường xuyên, phù hợp với thể trạng. Sử dụng một chế độ ăn cân đối các thành phần dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả và rau xanh, hạn chế các nguồn chất béo không tốt từ mỡ động vật và dầu ăn công nghiệp, thay vào đó là các chất béo tốt từ lạc, vừng, dầu oliu, bơ…, sử dụng thịt nạc, đặc biệt là thịt trắng như cá và thịt gia cầm, hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn, các loại bánh ngọt, kem, bánh mì trắng… có chỉ số GI (glycemic index) cao, làm tăng nhanh đường trong máu, thay thế một phần bằng các loại thực phẩm có chỉ số GI thấp hơn như gạo lứt, bánh mì đen, ngô, khoai, chuối…

Suy sinh dục và rối loạn cương dương

Bệnh nhân mắc rối loạn cương dương có suy sinh dục được khuyến nghị sử dụng Testosterone để cải thiện các triệu chứng của rối loạn cương dương cũng như giảm nguy cơ tim mạch. Tỷ lệ đáp ứng tổng thể với Testosterone đơn trị liệu khoảng 57%, trong đó cải thiện chức năng cương dương là 39%. Testosterone có thể được phối hợp với các thuốc điều trị rối loạn cương dương khác để tăng hiệu quả điều trị (Testosterone được sử dụng trước vài tuần).

Thuốc ức chế PDE-5

Các đại diện cho nhóm thuốc này là Sildenafil, Tadalafil, Vardenafil và Avanafil. Trong đó Sildenafil là thuốc đầu tiên trong nhóm và cũng là thuốc nổi tiếng nhất, có doanh thu cao nhất với biệt dược Viagra của Pfizer. Tất cả các thuốc này đều có chung cơ chế điều trị rối loạn cương dương, đó là ức chế enzyme PDE-5, dẫn đến cGMP không bị giáng hóa và tích lũy với nồng độ cao trong cơ trơn, gây giãn mạch mạnh, tạo điều kiện cho máu vào thể hang nhiều hơn và thúc đẩy sự cương cứng. Thuốc không thể khiến dương vật tự nhiên cương cứng, mà cần phải có kích thích tình dục để tạo ra cGMP qua trung gian NO.

Cơ chế tác dụng của các thuốc ức chế PDE-5
Hình ảnh: Cơ chế tác dụng của các thuốc ức chế PDE-5

Ảnh. Cơ chế tác dụng của các thuốc ức chế PDE-5.

Các tác dụng không mong muốn của các thuốc này bao gồm đỏ mặt, nghẹt mũi, nhức đầu, một số rối loạn thị giác bao gồm bệnh lý thần kinh thị giác do thiếu máu cục bộ vùng trước không do nguyên nhân động mạch (NAION), chủ yếu đến từ cơ chế ức chế PDE không chọn lọc, ngoài PDE-5, chúng còn có thể ức chế các PDE khác với mức độ yếu hơn. Chống chỉ định tuyệt đối phối hợp các thuốc ức chế PDE-5 với các nitrate hữu cơ (các thuốc giãn mạch điều trị đau thắt ngực: Nitroglycerin, Isosorbide dinitrate…) do hiệp đồng tác dụng gây giãn mạch, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Prostaglandin E1 (PGE1)

PGE1 có thể dùng theo hai đường: qua niệu đạo hoặc tiêm trong thể hang. Trong đó, đường dùng qua niệu đạo cho hiệu quả thấp hơn so với tiêm trong thể hang (tỷ lệ đáp ứng 27-53% so với 66-96%). Dùng thuốc qua niệu đạo có thể gây ra tác dụng không mong muốn phổ biến là đau dương vật (25-43%). Do hiệu quả không cao khi sử dụng đơn trị liệu, đường dùng qua niệu đạo có thể được phối hợp với thuốc ức chế PDE-5. Dùng thuốc tiêm trong thể hang là phương pháp điều trị bậc hai khi dùng thuốc qua niệu đạo không thành công.

PGE1 đem lại lợi ích cho những bệnh nhân có dây thần kinh dương vật bị tổn thương. Những bệnh nhân mắc rối loạn cương dương do động mạch, suy sinh dục, đái tháo đường, bệnh tim mạch và hội chứng chuyển hóa có thể đáp ứng kém hơn với PGE1.

Một số thuốc được sử dụng tiêm trong thể hang khác bao gồm: Phentolamine, Papaverine và Peptide ruột vận mạch (VIP). Phentolamine và Papaverine có thể được kết hợp với nhau (Androskat, 1 mg/30 mg) với tỷ lệ hiệu quả là 94% và tỷ lệ các tác dụng không mong muốn là 0.9-2.6% (cương cứng kéo dài, đau và tụ máu). Một kết hợp khác bao gồm cả ba thuốc Phentolamine, Papaverine và PGE1 (1 mg/30 mg/40 µg), được ưa dùng hơn PGE1 đơn trị liệu. So với PGE1 đơn độc, sự kết hợp của bộ ba này cho hiệu quả tốt hơn trong rối loạn cương dương có rò rỉ tĩnh mạch, ít gây đau dương vật hơn, thời gian cương cứng lâu hơn, nhưng cũng đồng thời làm tăng nguy cơ gây chứng cương đau dương vật. Một số quốc gia cũng chấp thuận kết hợp Phentolamine và VIP (1 mg hoặc 2 mg/25 µg).

Sự kết hợp giữa thuốc ức chế PDE-5 và các thuốc tiêm trong thể hang cho thấy hiệu quả cao hơn so với đơn trị liệu.

Châm cứu

Châm cứu cho thấy hiệu quả vừa phải trong điều trị rối loạn cương dương, tuy nhiên vẫn cần thời gian để đánh giá thêm.

Thực phẩm bổ sung

Một số thực phẩm bổ sung có thể được sử dụng để hỗ trợ điều trị rối loạn cương dương bao gồm Yohimbine, L-arginine và nhân sâm. Các chế phẩm này có tác dụng không rõ ràng hoặc không đủ dữ liệu trong các nghiên cứu lâm sàng. Do vậy, chúng có thể được sử dụng như một thực phẩm bổ sung hỗ trợ điều trị, nhưng không thể thay thế được các phương pháp điều trị rối loạn cương dương tiêu chuẩn.

Thiết bị hút chân không

Thiết bị hút chân không (VED) có thể sử dụng được trong rối loạn cương dương do mọi nguyên nhân. Tỷ lệ hiệu quả của phương pháp này gần bằng thuốc ức chế PDE-5, nhưng tỷ lệ bệnh nhân ngừng sử dụng phương pháp này cao hơn, do nó tạo ra cảm giác cương cứng không tự nhiên, cũng như quy trình sử dụng phức tạp. Thiết bị này tạo ra áp lực âm để hút máu vào thể hang dương vật, tạo ra sự cương cứng, sau đó sử dụng một dải thắt ở gốc dương vật để ngăn dòng máu chảy ngược ra. Sự cương cứng được duy trì trong 30 phút. Các tác dụng không mong muốn có thể gặp phải với phương pháp này bao gồm đau dương vật, tụ máu và bầm tím dương vật, cũng như giảm khả năng đạt được cực khoái.

Điều trị ngoại khoa

  • Dương vật giả: Đây là phương pháp điều trị bậc ba cho rối loạn cương dương. Dượng vật giả có thể ở dạng bán cứng hoặc dạng có thể bơm hơi. Dạng bán cứng dễ cấy ghép hơn và dễ sử dụng hơn. Tỷ lệ thành công của dương vật giả cao, đạt 70% với dạng bán cứng và 90% với dạng có thể bơm hơi. 80% bệnh nhân có đời sống tình dục được cải thiện và 97% muốn giới thiệu thiết bị này cho bạn bè của họ. Tuổi thọ của thiết bị là từ 8-15 năm và biến chứng thường gặp nhất khi phẫu thuật là nhiễm trùng.
  • Phẫu thuật tái thông mạch máu dương vật: Phương pháp này được sử dụng trong các trường hợp rối loạn cương dương ở nam giới không hút thuốc, không mắc đái tháo đường, < 55 tuổi và bị hẹp động mạch mà không có bệnh lý mạch máu chung. Việc thắt tĩnh mạch dương vật không có bằng chứng hỗ trợ.

Tài liệu tham khảo

Pastuszak AW. Current Diagnosis and Management of Erectile Dysfunction. Curr Sex Health Rep. 2014; 6(3):164-176. doi: 10.1007/s11930-014-0023-9.

Available from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4394737/

Yafi FA, Jenkins L, Albersen M, et al. Erectile dysfunction. Nat Rev Dis Primers. 2016; 2:16003. Published 2016 Feb 4. doi: 10.1038/nrdp.2016.3.

Available from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5027992/

Xem thêm: Yếu sinh lý: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Ngày viết:
Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *