Mụn viêm: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị, dự phòng

Mụn viêm là gì?

Mụn viêm là tình trạng các mụn trứng cá bị viêm. Mụn trứng cá xảy ra khi chất bã nhờn do tuyến bã nhờn dưới da tiết ra bị bít tắc. Tình trạng viêm mụn trứng cá thường do vi khuẩn Cutibacterium acnes gây ra.

Mụn viêm có thể gặp ở mọi đối tượng, nhưng đặc biệt phổ biến ở các đối tượng đang trong tuổi dậy thì (đây là tuổi xuất hiện mụn trứng cá nhiều nhất, nên việc tuổi này gặp mụn viêm nhiều nhất là điều hoàn toàn dễ hiểu).

Mụn viêm nói riêng và mụn trứng cá nói chung không gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng người bệnh, nhưng chúng có thể làm cho người bệnh mặc cảm, tự ti, đặc biệt ở độ tuổi vị thành niên là độ tuổi dễ gặp phải mụn trứng cá nhất, đồng thời cũng là độ tuổi có tâm lý bất ổn định nhất.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra mụn viêm bao gồm nguyên nhân gây ra mụn trứng cá và nguyên nhân gây viêm mụn.

Nguyên nhân gây ra mụn trứng cá:

  • Sự tăng bài tiết chất bã nhờn quá mức của tuyến bã nhờn do sự thay đổi nồng độ các hormone trong cơ thể, thường gặp ở tuổi dậy thì hoặc trong thời kỳ mang thai.
  • Mặc đồ chật và bí khiến cho chất bã nhờn bị tích tụ trên da nhiều và khó được rửa trôi.
  • Một số loại thuốc có thể gây ra tăng tiết chất bã nhờn quá mức cũng có thể gây ra mụn trứng cá (ví dụ: Glucocorticoid).
  • Di truyền: Tỷ lệ của các loại acid béo phân nhánh và không phân nhánh trong chất bã nhờn cũng có thể ảnh hưởng đến sự hình thành mụn trứng cá.

Nguyên nhân gây viêm mụn trứng cá thường là vi khuẩn C. acnes. Nguy cơ nhiễm trùng và viêm tăng lên khi người bệnh tự dùng tay nặn mụn. Trong trường hợp này, các vi khuẩn thường trú kí sinh trên da như tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) cũng có thể là nguyên nhân gây viêm.

Yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ gây ra mụn viêm bao gồm yếu tố nguy cơ gây ra mụn trứng cá và yếu tố nguy cơ gây ra quá trình viêm.

  • Yếu tố nguy cơ của mụn trứng cá:
  • Thức khuya, chế độ sinh hoạt, ăn uống thất thường.
  • Tiêu thụ nhiều mì tôm, đồ ăn cay nóng, sữa (chứa hormone) và nhiều loại đồ ăn vặt khác.
Ăn nhiều đồ cay dễ xuất hiện mụn viêm
Ăn nhiều đồ cay dễ xuất hiện mụn viêm
  • Sử dụng mỹ phẩm chứa nhiều dầu.
  • Lo lắng, stress quá mức hoặc trong thời gian dài.

Yếu tố nguy cơ gây viêm mụn trứng cá:

  • Nặn mụn, bóp mụn bằng tay. Điều này dễ gây nhiễm trùng mụn do móng tay người chứa rất nhiều vi khuẩn.

Cơ chế bệnh sinh

Vì một nguyên nhân nào đó, thường là sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể ở tuổi dậy thì, tuyến bã nhờn dưới da tăng cường hoạt động bài tiết chất nhờn. Trong khi đó, lớp biểu bì da dày lên vào tạo ra hiện tượng dày sừng (hyperkeratinization). Sự kết hợp giữa hiện tượng tăng tiết chất bã nhờn và hiện tượng dày sừng làm cho các chất bã nhờn bị tích tụ dưới da và hình thành mụn trứng cá. Khi gặp điều kiện thích hợp, vi khuẩn C. acnes phát triển và nhân lên nhanh chóng, kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể và gây ra hiện tượng viêm, với các biểu hiện là sưng, đỏ và có thể đau khi ấn tay vào mụn. Phần mụn sưng đỏ nổi lên trên bề mặt da được gọi là mụn sẩn. Trong mụn còn có thể xuất hiện mủ, thường là màu vàng, gọi là mụn mủ. Khi tình trạng viêm trở nên nặng nề hơn, cấu trúc nang lông bị tổn thương nặng nề, lớp sừng trở nên cứng hơn và không có khả năng đàn hồi, ta có các tình trạng mụn nang hoặc mụn bọc.

Triệu chứng

  • Mụn sẩn: Mụn viêm, đỏ, nổi lên trên bề mặt da.
  • Mụn mủ: Tương tự mụn sẩn nhưng có mủ trong mụn. Mụn mủ và mụn sẩn thường tồn tại cùng nhau.
  • Mụn bọc: Phần mụn có bề mặt màu đỏ, cứng, dưới có mủ, nang lông bị phá hủy.
  • Mụn nang: Tương tự mụn bọc, cấu trúc dạng nang.
  • Mụn bọc và mụn nang thường tồn tại cùng nhau.
Hình ảnh các loại mụn
Hình ảnh các loại mụn

Chẩn đoán

Chẩn đoán mụn viêm rất đơn giản, bác sĩ chỉ cần quan sát trực tiếp bằng mắt thường.

Bác sĩ cũng cần xác định nguyên nhân gây ra mụn viêm và cố gắng loại bỏ nếu có thể, cũng như xác định mức độ nặng của mụn để có phương án điều trị phù hợp. Điều trị tâm lý cho bệnh nhân có thể cần thiết trong một số trường hợp.

Điều trị

Các nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị mụn viêm bao gồm:

  • Retinoid: Đây là các dẫn xuất của vitamin A, có tác dụng giảm hiện tượng dày sừng, giảm hiện tượng tăng tiết chất bã nhờn của tuyến bã nhờn, giảm viêm và giảm tăng sắc tố sau mụn viêm. Các Retinoid có thể được sử dụng theo đường bôi ngoài da (Tretinoin, Adapalene, Tazarotene và Trifarotene) hoặc đường uống (Isotretinoin), trong đó luôn ưu tiên đường bôi ngoài da nếu có thể để hạn chế các tác dụng phụ. Với các chế phẩm bôi ngoài da, nên sử dụng vào buổi tối trước khi đi ngủ, vì chúng có nguy cơ bị phân hủy khi gặp ánh sáng mặt trời. Cả các Retinoid đường bôi và đường uống đều có khả năng gây dị tật thai nhi, vì vậy chúng bị chống chỉ định cho phụ nữ có thai hoặc dự định có thai. Isotretinoin có khả năng gây quái thai mạnh nhất (đồng thời cũng là Retinoid hiệu quả nhất và được chỉ định trong các trường hợp nặng) và cần được kiểm soát nghiêm ngặt trước, trong và sau khi điều trị (do các Retinoid vẫn còn tích lũy trong cơ thể một thời gian sau khi ngừng điều trị). Các tác dụng không mong muốn khác của chúng bao gồm khô da và kích ứng da.
  • Acid hữu cơ: Hai loại thuốc có hoạt chất acid hữu cơ được sử dụng trong điều trị là Azelaic acid và Salicylic acid. Hai loại thuốc này có tác dụng làm bạt sừng và chống viêm nhẹ.
Thuốc Azelaic acid trị mụn viêm
Hình ảnh: Thuốc Azelaic acid trị mụn viêm
  • Kháng khuẩn: Bao gồm liệu pháp kháng khuẩn dạng bôi ngoài da và dạng uống. Các thuốc kháng khuẩn dạng bôi luôn được ưu tiên hơn dạng uống do hạn chế được các tác dụng không mong muốn toàn thân. Các thuốc kháng khuẩn được sử dụng để bôi ngoài da bao gồm Benzoyl peroxide, Clindamycin và Erythromycin. Benzoyl peroxide có tính oxy hóa mạnh và không nên được dùng chung với Tretinoin để tránh sự phá hủy Tretinoin. Clindamycin và Erythromycin không được sử dụng đơn lẻ mà bắt buộc phải phối hợp với Benzoyl peroxide để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh. Các thuốc kháng khuẩn được sử dụng theo đường uống bao gồm Erythromycin, Doxycycline và Minocycline. Các thuốc này hiệu quả hơn kháng khuẩn dạng bôi và được sử dụng khi kháng khuẩn dạng bôi không hiệu quả. Chú ý Doxycycline và Minocycline có thể gắn vào calci trong xương và răng, làm chậm sự phát triển xương và gây vàng răng. Chống chỉ định hai thuốc này cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 8 tuổi. Khi sử dụng hai thuốc này, không được dùng cùng các sản phẩm chứa nhiều ion kim loại hóa trị cao (như sữa chứa nhiều calci, thuốc kháng acid dịch vị chứa nhiều nhôm và magnesi, các viên uống bổ sung sắt) do điều này có thể làm giảm nghiêm trọng sinh khả dụng của thuốc thông qua cơ chế tạo phức chelate. Trong thời gian sử dụng các kháng sinh đường uống, bệnh nhân vẫn cần sử dụng Benzoyl peroxide dạng bôi.
  • Thuốc tránh thai kết hợp: Các thuốc tránh thai kết hợp có thành phần Estrogen và Progestin được sử dụng khi các liệu pháp trên không mang lại hiệu quả. Estrogen làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch.
  • Spironolactone: Chỉ sử dụng thuốc này khi các liệu pháp trên không đem đến hiệu quả. Thuốc có thể gây tăng kali máu, đồng thời do tác dụng kháng androgen nên có thể gây vú to và rối loạn cương dương ở nam giới, rối loạn kinh nguyệt và chảy sữa ở nữ giới.

Thông thường, phác điều trị mụn viêm đầu tay sẽ bao gồm Retinoid (ưu tiên dạng bôi) + Benzoyl peroxide +/- kháng sinh (ưu tiên dạng bôi). Với các trường hợp nặng hoặc điều trị đầu tay với các thuốc dạng bôi không hiệu quả, bác sĩ có thể chuyển sang sử dụng các thuốc đường uống.

Dự phòng

  • Duy trì chế độ sinh hoạt và ăn uống điều độ, không thức khuya, hạn chế tiêu thụ các đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn vặt nhiều đường và dầu mỡ, mì tôm…
  • Không tự ý nặn bóp mụn bằng móng tay để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.
  • Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát. Vệ sinh da thường xuyên.

Tài liệu tham khảo

American Academy of Dermatology (AAD). Acne Clinical Guideline. 2021.

Available from https://www.aad.org/member/clinical-quality/guidelines/acne

Oge’ LK, Broussard A, Marshall MD. Acne Vulgaris: Diagnosis and Treatment. Am Fam Physician. 2019 Oct 15; 100(8): 475-484.

Available from https://www.aafp.org/afp/2019/1015/p475.html

Xem thêm: Viêm phế quản: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, cách điều trị

Ngày viết:
Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *