https://www.traditionrolex.com/45 Đột quỵ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Đột quỵ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Đột quỵ hay còn có tên gọi khác là bệnh tai biến mạch máu não. Đây là một trong số các nguyên nhân hàng đầu gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và còn có thể dẫn đến tử vong. Mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây để có thêm thông tin về tình trạng này cũng như cách phòng ngừa.

1, Đột quỵ là gì?

Đột quỵ là tình trạng rất hay gặp hiện nay, có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất cứ thời gian nào. Vì vậy việc chuẩn bị cho mình những kiến thức cơ bản về đột quỵ là điều hết sức cần thiết. Nó sẽ giúp cho bạn phát hiện sớm các triệu chứng bất thường khi bản thân hoặc những người xung quanh.

Đột quỵ hay còn được gọi là tai biến mạch máu não. Tình trạng này xảy ra do dòng máu cung cấp cho não từ tim bị gián đoạn cản trở hoặc giảm đột ngột, từ đó gây tổn thương đến tổ chức não bộ, làm cho các tế bào não không được cung cấp đủ lượng oxy theo nhu cầu và các chất dinh dưỡng nuôi dưỡng não. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho các tế bào não bắt đầu bị chết dần và gây chết não. Vì vậy đột quỵ được xem là một trường hợp cần xử trí cấp cứu trong y khoa.

Có hai loại đột quỵ chính là đột quỵ nhồi máu não và đột quỵ xuất huyết não:

  • Đột quỵ nhồi máu não hay còn gọi là thiếu máu não cục bộ: Loại này chiếm khoảng 85% các ca đột quỵ. Đây là tình trạng lượng máu tới não bị giảm đột ngột do các động mạch não bị tắc nghẽn một phần hoặc đôi khi bị tắc hoàn toàn. Nguyên nhân là do sự có mặt, hình thành và lớn dần của các cục huyết khối trong lòng các động mạch ở vị trí cổ hoặc não. Hay trường hợp khác có thể do sự hình thành cục máu đông ở các vị trí khác trên cơ thể và theo áp lực sẽ di chuyển đến não gây tắc mạch não.
  • Đột quỵ xuất huyết não hay còn gọi là xuất huyết nội sọ: Trường hợp này ít gặp hơn và chiếm khoảng 15% tổng số các ca đột quỵ. Đột quỵ xuất huyết não xảy ra là do các mạch máu não vì một nguyên nhân nào đó mà bị vỡ đột ngột, làm cho máu chảy ồ ạt ra tổ chức não xung quanh, gây nên tình trạng xuất huyết bên trong não. Nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết não có thể là do phình mạch bẩm sinh hay mắc phải (làm thành động mạch mỏng, yếu, không chịu được áp lực lớn, dễ vỡ) hoặc dị dạng mạch máu nhỏ vùng não.
  • Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp cơn thiếu máu não thoáng qua (gọi tắt là TIA): Nguyên nhân gây ra tình trạng này thường là do sự giảm tạm thời dòng máu cung cấp cho não trong thời gian ngắn. Có thể coi đây là một cơn đột quỵ nhỏ và là dấu hiệu cảnh báo người bệnh có nguy cơ cao bị đột quỵ với tình trạng nặng hơn. Người bệnh sẽ có biểu hiện là những triệu chứng của đột quỵ nhưng chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn sau, thường chỉ kéo dài vài phút sau đó trở lại bình thường.

2, Những ai có nguy cơ cao bị đột quỵ?

Đột quỵ hay tai biến mạch máu não có thể xảy ra ở bất cứ đâu, và với bất cứ đối tượng nào. Tuy nhiên những yếu tố dưới đây sẽ làm tăng nguy cơ cao bị đột quỵ hơn:

Những nguy cơ không kiểm soát được bao gồm:

  • Người cao tuổi: Phần lớn các ca đột quỵ thường gặp ở người cao tuổi và đối tượng người trung niên. Khi tuổi càng cao thì nguy cơ xảy ra đột quỵ càng tăng. Từ sau 55 tuổi thì cứ sau 10 năm tuổi thì nguy cơ đột quỵ lại tăng lên gấp hai so với những năm trước.
  • Giới: Tỷ lệ nam giới bị đột quỵ thường cao hơn so với nữ giới.
  • Tiền sử gia đình: Người mà có hiền sử người thân trong gia đình bị đột quỵ cũng có nguy cơ cao bị đột quỵ hơn so với những người khác.
  • Chủng tộc: Theo các nghiên cứu của nhiều người trên khắp thế giới đã cho thấy rằng người Mỹ gốc Phi sẽ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn so với những người da trắng.

Những nguy cơ liên quan đến bệnh lý của bệnh nhân bao gồm:

  • Tiền sử đột quỵ: Bệnh nhân sẽ có nguy cơ cao bị đột quỵ tái phát lần tiếp trong vòng 5 năm đầu sau khi bị đột quỵ lần đầu, đặc biệt là trong những tháng đầu. Sau 5 năm nếu tình trạng bệnh nhân ổn định thì được xem là giảm dần nguy cơ bị đột quỵ tái phát.
  • Tăng huyết áp: Huyết áp cao cũng có thể làm làm tăng nguy bị cơ đột quỵ lên 2-6 lần. Huyết áp cao thường xuyên sẽ làm cho thành các động mạch bị tổn thương, hẹp hơn bình thường, áp lực trong lòng động mạch ngày càng tăng cao, dễ dẫn đến tình trạng rách hoặc vỡ các động mạch não gây nên triệu chứng xuất huyết não.
  • Đái tháo đường: Nếu không được kiểm soát tốt bệnh này thì đái tháo đường có thể gây ra những biến chứng nặng về tuần hoàn, làm tăng nguy cơ bị đột quỵ cho bệnh nhân.
  • Bệnh tim mạch: Những người có tiền sử về bệnh tim mạch cũng sẽ làm tăng nguy cơ bị đột quỵ, đặc biệt là trong các trường hợp bệnh nhân bị rung nhĩ. Nếu người bệnh không được điều trị kịp thời thì nguy cơ đột quỵ tăng lên đến 4-6 lần. Nguyên nhân là do rung nhĩ có thể làm hình thành cục máu đông trong tâm nhĩ trái ở tim, theo hoạt động co bóp của tim, cục máu đông có thể được đẩy lên não và gây ra tắc mạch máu não do các mạch máu vùng não nhỏ hơn động mạch gần tim.
  • Mỡ máu: Khi nồng độ Cholesterol trong máu tăng cao sẽ làm tăng nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa động mạch, dẫn đến làm hẹp lòng mạch hay gây nên tình trạng tắc mạch.

Những nguy cơ có thể kiểm soát được bao gồm:

  • Thừa cân, béo phì: Người bị thừa cân, béo phì sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường… Những bệnh lý này đều có thể làm tăng nguy cơ bị tai biến mạch máu não.
  • Hút thuốc: Trong khói thuốc có rất nhiều chất độc không chỉ gây hại cho phổi mà còn làm tổn thương đến hệ thống thành mạch, làm xơ cứng động mạch. Các nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá làm tăng nguy cơ đột quỵ lên gấp 2 lần
  • Lối sống không lành mạnh: Chế độ ăn uống không khoa học, sử dụng các chất kích thích, lười vận động cũng là những nguyên nhân có thể dẫn đến nguy cơ bị đột quỵ.

3, Những biểu hiện nhận biết sớm đột quỵ

Các dấu hiệu sớm của đột quỵ chúng ta có thể kể đến như:

  • Đột nhiên cảm thấy cơ thể mệt mỏi, không còn sức lực, yếu hẳn không đủ khả năng thực hiện động tác..
  • Đột ngột cảm thấy mất thăng bằng, hoa mắt chóng mặt ngày càng tăng, không thể phối hợp được các động tác để giữ cho cơ thể thăng bằng.
  • Cảm thấy đau đầu dữ dội, đi kèm với đó có thể buồn nôn hoặc nôn. Có thể đau nửa đầu hoặc đau toàn bộ vùng đầu.
  • Tầm nhìn bị giảm rõ rệt, nhìn mờ, nhìn đôi, mất thị lực một phần hoặc hoàn toàn.
  • Tê cứng các cơ vùng mặt, hoặc một nửa mặt, nụ cười méo mó. Đôi khi mặt bị lệch hẳn sang 1 bên( liệt dây thần kinh số 7)
  • Khó phát âm, phát âm không được tròn vành rõ chữ hoặc mất khả năng sử dụng ngôn ngữ khi muốn nói chuyện. Có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu bệnh nhân nói một câu ngắn.
  • Yếu liệt một bên cơ thể, không thể cử động tay chân ở nửa cơ thể cùng bên. Thực hiện kiểm tra bằng yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay cùng một lúc.

Những triệu chứng trên có thể xuất hiện đột ngột hoặc ngắt quãng và sẽ khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Các dấu hiệu sẽ không đầy đủ trên một bệnh nhân, vì vậy bạn cần theo dõi để phát hiện và đưa bệnh nhân đi cấp cứu kịp thời.

Ngoài ra, cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) cũng có các triệu chứng giống như trên, nhưng chỉ kéo dài trong vài phút, sau đó bệnh nhân trở lại bình thường. TIA là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra với bạn trong vòng vài ngày hoặc tháng tới. Khi đó, bạn cần nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn, từ đó có cách xử trí kịp thời.

Hiện nay, quy tắc BE FAST ( tiền thân là FAST) đang được Hội tim mạch Mỹ (AHA) và nhiều tổ chức khác sử dụng, nhằm giúp mọi người có thể ghi nhớ và nhận biết sớm những triệu chứng của đột quỵ:

  • B (Balance) – Thăng bằng: Bệnh nhân mất thăng bằng, đau đầu, chóng mặt, mất khả năng phối hợp động tác. Nếu bệnh nhân đang vận động sẽ rất dễ bị chếnh choáng rồi ngã.
  • E (Eyesight)- Thị lực: Bệnh nhân bị giảm thị lực đột ngột, nhìn mờ, nhìn đôi hoặc nặng hơn có thể bị mất hoàn toàn thị lực
  • F (Face) – Mặt: Mặt bệnh nhân bị biến đổi, bị liệt một bên mặt, méo miệng, nhân trung lệch, mất các rãnh nhăn 1 bên mặt.
  • A (Arm)- Cánh tay: Bệnh nhân không thực hiện được động tác yêu cầu giơ hai tay một lúc, do cử động khó hoặc không thể cử động một bên của cơ thể.
  • S (Speech)-Lời nói: Bệnh nhân khó phát âm, nói ngọng, bị dính chữ. Nặng hơn có thể mất chức năng nói.
  • T (Time)- Thời gian: Nếu bệnh nhân có các dấu hiệu trên cần gọi ngay cho cấp cứu, và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời điều trị.

4, Cách sơ cứu khi bệnh nhân bị đột quỵ tại nhà

Trong khi chờ xe cấp cứu thì những người xung quanh có thể thực hiện các phương pháp sơ cứu bệnh nhân như sau:

  • Để bệnh nhân nằm nơi thoáng mát, tư thế nằm nghiêng sẽ an toàn hơn cho bệnh nhân. Lưu ý không nên có quá nhiều người vây xung quanh vì như vậy sẽ làm thiếu oxy để bệnh nhân hô hấp.
  • Đặt bệnh nhân nằm ở nơi bằng phẳng, bề mặt cứng, không đặt trên đệm lún, tránh xê dịch để không làm trầm trọng thêm tình trạng xuất huyết trong não của bệnh nhân.
  • Nếu bệnh nhân bị nôn thì để bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng, móc hết đờm rãi để tránh gây ngạt cho bệnh nhân.
  • Kiểm tra thường xuyên các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân như mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở. Nếu bệnh nhân bị ngừng tim cần thực hiện hô hấp nhân tạo ngay.
  • Nếu bệnh nhân còn tỉnh có thể hỏi thông tin tên tuổi, số điện thoại người thân và tiền sử bệnh của bệnh nhân, để trao đổi lại với nhân viên y tế.

Ngoài ra:

  • Không nên tụ tập đông xung quanh bệnh nhân.
  • Không được cho bệnh nhân ăn uống bất kỳ thứ gì, để đề phòng nôn trào ngược, chất nôn vào đường thở gây ngạt thở
  • Không tự ý xoa dầu, đánh cảm, cạo gió vì những động tác này có thể làm nặng thêm tình trạng của bệnh nhân.

5, Đột quỵ được điều trị như thế nào?

Bệnh nhân đột quỵ khi được đưa đến bệnh viện, sẽ được xử trí toàn thân và điều trị đặc hiệu phụ thuộc vào dạng đột quỵ.

Xử lý chung:

  • Bệnh nhân bị tai biến mạch máu não thường ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy cần tiến hành các biện pháp đảm bảo chức năng sống cho bệnh nhân.
  • Đảm bảo đường thở và thông khí: Cho bệnh nhân nằm nghiêng, hút đờm dãi, thử oxy, cần thiết có thể đặt nội khí quản.
  • Theo dõi huyết áp: Cần kiểm soát huyết áp cho bệnh nhân, sử dụng thuốc hạ huyết áp từ từ nếu huyết áp quá cao. Không nên để huyết áp bệnh nhân xuống quá thấp.
  • Chống phù não và tăng áp lực nội sọ: Nằm đầu cao 20 đến 30 độ, dùng thuốc chống phù não Manitol, có thể dùng an thần, tránh kích thích vật vã cho bệnh nhân.

Điều trị đặc hiệu:

  • Song song với việc xử trí cấp cứu cho bệnh nhân, các bác sĩ cần khám để tìm ra nguyên nhân và loại đột quỵ để có hướng xử trí.
  • Nếu bệnh nhân bị tai biến nhồi máu não: Cần sử dụng một số loại thuốc để nhanh chóng khôi phục lại lượng máu đến não. Nếu bệnh nhân đến sớm trong 3 giờ đầu có thể dùng thuốc tiêu sợi huyết để làm tan cục máu đông trong lòng mạch. Ngoài ra có thể dùng thuốc chống đông loại heparin, hoặc thuốc ngưng tập tiểu cầu Aspirin để phòng huyết khối. Trong một số trường hợp có thể cân nhắc can thiệp mạch máu để loại bỏ các cục máu đông.

Tai biến do xuất huyết não:

Với loại đột quỵ này cần tập trung vào kiểm soát tình trạng chảy máu não và giảm áp lực nội sọ càng nhanh càng tốt. Có một số phương pháp có thể áp dụng như: phẫu thuật lấy khối máu tụ hoặc để loại bỏ các mạch máu dị dạng trong não, cuộn động mạch thuyên tắc.

Ngoài ra các bác sĩ cũng cần kiểm soát và điều trị bệnh nền của bệnh nhân. Đây là những nguy cơ hàng đầu dẫn đến đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…

Khi tình trạng của bệnh nhân sau đột quỵ đã được điều trị ổn định thì tiếp theo đó bệnh nhân sẽ chuyển sang điều trị phục hồi chức năng. Mục đích để giảm thiểu tổn thương vĩnh viễn, tăng cường khả năng thích nghi cho bệnh nhân sau khi hồi phục. Trong vòng 3 năm đầu, nếu bệnh nhân luyện tập phục hồi tốt thì có thể khắc phục được phần nào di chứng của bệnh. Có nhiều trường hợp bệnh nhân đã có thể tự trở lại sinh hoạt bình thường. Sau mốc thời gian 3 năm, bệnh nhân đã chuyển từ liệt mềm sang liệt cứng, khả năng hồi phục như ban đầu gần như không thể.

6, Những biến chứng, di chứng do đột quỵ gây ra

6.1. Biến chứng

Việc bị liệt nửa người và phải nằm điều trị trong một thời gian dài nếu không được chăm sóc chu đáo sẽ gây ra nhiều biến chứng thương tật thứ cấp có thể kể đến như:

  • Teo cơ: Là tình trạng giảm khối lượng cơ tại các cơ quan trong cơ thể, nguyên nhân do giảm vận động lâu ngày gây nên. Cơ sẽ mất tính đàn hồi và tính dẻo dai, trở nên cứng và khó vận động phối hợp động tác hơn.
  • Loét do tì đè: Vết loét hình thành ở những vị trí bị đè ép lâu ngày gây nên tình trạng thiếu máu và hoại tử tế bào, gây ra nhiễm trùng. Các vị trí hay bị đè ép như gót chân, xương cùng, khuỷu tay, 2 vai là những nơi dễ bị loét nhất.
  • Viêm phổi: Khi bệnh nhân nằm lâu sẽ dẫn tới tình trạng giảm thông khí ở phổi, tăng tiết đờm dãi và gây ứ đọng dịch ở phổi, phế quản,đường hô hấp, từ đó làm cho sức đề kháng của bệnh nhân giảm, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp.
  • Nhiễm trùng tiết niệu: Bệnh nhân nằm trên giường quá lâu mà không vận động, áp lực trong ổ bụng sẽ bị giảm đáng kể, không tống hết được lượng nước tiểu trong bàng quang ra ngoài. Tạo điều kiện cho vi khuẩn từ bên ngoài ngược dòng vào nên trong phát triển. Việc rối loạn cơ tròn phải đặt sonde tiểu bàng quang cũng sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn tiết niệu.
  • Tử vong: Nếu đột quỵ không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong cho người bệnh. Nhưng trong những trường hợp bệnh nhân cao tuổi, sức đề kháng yếu, thì bệnh nhân có thể tử vong do các nguyên nhân viêm nhiễm, nhiễm trùng sau thời gian dài điều trị.

6.2. Di chứng

Đột quỵ có thể để lại rất nhiều di chứng với những người sống sót sau đột quỵ với các mức độ khác nhau. Tùy thuộc vào vị trí, phạm vi nhu mô não bị tổn thương, thời gian được cấp cứu nhanh hay chậm mà các mức độ di chứng để lại sẽ khác nhau.

  • Liệt vận động: Có đến khoảng 90% các ca sau đột quỵ bị yếu hoặc liệt nửa người cùng bên. Các biểu hiện như: mất vận động, liệt tay chân, liệt mặt, liệt các dây thần kinh sọ não, giảm cảm giác hoàn toàn một bên của cơ thể. Di chứng này khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong sinh hoạt, đi lại.
  • Rối loạn ngôn ngữ: Người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp biểu hiện như không nói được, nói khó nghe, bị ngọng, nói lắp… Để khắc phục tình trạng này, người bệnh cần được học luyện tập kỹ năng giao tiếp. Người bệnh còn có thể mất khả năng đọc hiểu, viết chữ…
  • Suy giảm nhận thức: Đột quỵ có thể gây sa sút trí tuệ. Người bệnh bị suy giảm trí nhớ, hay quên, đầu óc mơ hồ không tỉnh táo, mất khả năng nhận thức không gian, thời gian, không nhận ra người thân,…Sẽ cần nhiều thời gian để có thể phục hồi những di chứng này và bệnh nhân sau này sẽ không thể làm được những công việc phức tạp và yêu cầu sự minh mẫn.
  • Rối loạn cảm xúc: Người bệnh sau khi bị đột quỵ thường phải nhờ vào sự chăm sóc của người thân, điều này dễ khiến người bệnh mặc cảm, dễ dẫn đến trầm cảm. Ngoài ra sự rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, khó khăn trong giao tiếp cũng làm người bệnh dễ trở lên cáu gắt, xúc động mạnh.
  • Rối loạn tiểu tiện: Gây ra tình trạng đi vệ sinh không tự chủ ở bệnh nhân trong thời gian đầu. Do não bộ bị tổn thương làm bệnh nhân không còn khả năng nhận biết cảm giác buồn tiểu, hoặc không còn khả năng tự chủ cơ thắt bàng quang và cơ thể hậu môn. Tình trạng này sẽ dần cải thiện khi bệnh nhân phục hồi tốt.

7, Cách chăm sóc bệnh nhân sau đột quỵ

7.1. Với những bệnh nhân đang được điều trị nội khoa hoặc những bệnh nhân nặng phải nằm lâu

  • Bệnh nhân và người nhà cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa đang điều trị
  • Kê gối vào vùng da sát xương, vùng hay bị tì đè.
  • Vệ sinh cho bệnh nhân sạch sẽ, giữ cho da luôn khô ráo, tránh ẩm ướt. Chú ý vệ sinh sạch sẽ và thường xuyên vùng hậu môn và cơ quan sinh dục.
  • Nếu bệnh nhân mang các sonde như sonde tiểu, dẫn lưu thì cần chăm sóc giữ vệ sinh đúng cách, tránh tình trạng nhiễm khuẩn.
  • Hãy tìm đến sự trợ giúp của nhân viên y tế khi cần.
  • Tập thở sâu, thở mạnh cho bệnh nhân. Người nhà có thể vỗ rung cho bệnh nhân để tránh viêm nhiễm đường hô hấp, tránh ứ đọng dịch gây viêm phổi.
  • Nếu bệnh nhân không bị xuất huyết não thì có thể thay đổi tư thế của bệnh nhân khoảng 2 giờ/lần
  • Đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho bệnh nhân. Tránh để tình trạng suy kiệt xảy ra sẽ dễ gây tử vong sớm.
  • Tập vận động sớm cho bệnh nhân nếu có thể để rút ngắn thời gian hồi phục.

7.2. Với những bệnh nhân đã điều trị ổn định nội khoa và chuyển sang điều trị phục hồi di chứng:

Tập vận động cho bệnh nhân:

Các bác sĩ khuyến cáo rằng càng tập vận động sớm thì phần trăm bệnh nhân hồi phục lại càng cao. Nếu tập vận động sớm sau 2 tuần thì có thể hồi phục đến 80%, thời gian 3 tháng đầu là thời điểm vàng để giúp bệnh nhân hồi phục. Sau 3 tháng thì tỷ lệ hồi phục giảm dần, bệnh nhân cần tích cực luyện tập hơn. Sau 1 năm thì tỷ lệ phục hồi của các bệnh nhân sẽ khác nhau, phụ thuộc vào sự tích cực luyện tập của mỗi người.

Ngoài các bài tập phục hồi chức năng do các nhân viên y tế thực hiện, hướng dẫn, bệnh nhân có thể tích cực luyện tập các bài tập sau:

Bài tập chân:

  • Khi bệnh nhân còn yếu chưa ngồi dậy được, tập cho 2 chân bệnh nhân chống thẳng hai bàn chân vào tường. Bệnh nhân nằm thẳng, duỗi thẳng tay, thẳng chân, cố gắng dùng lực chống 2 chân và tường và giữ trong thời gian lâu nhất có thể
  • Khi bệnh nhân có thể ngồi dậy được, thì cho bệnh nhân ngồi trên giường, vắt chéo chân lành lên trên chân liệt, sau đó tập nâng 2 chân lên nhiều lần.
  • Khi bệnh nhân có thể đi lại được thì cùng bệnh nhân tập đi bộ mỗi ngày. Ban đầu là có người thân dìu, sau đó chuyển sang dụng cụ trợ giúp, hồi phục tốt hơn thì có thể để bệnh nhân tự đi.

Bài tập tay:

  • Khi bệnh nhân chưa ngồi dậy được, thì đặt bệnh nhân nằm sao cho tay liệt ra ngoài, tay lành ở trong. Khi bệnh nhân cần lấy thứ gì sẽ cần phải với tay lành ra, động tác này cũng góp phần kích thích vào bên tay bị liệt.
  • Khi tay liệt còn yếu bệnh nhân có thể luyện tập bằng cách đan 2 tay vào nhau và đưa lên hạ xuống nhiều lần.
  • Khi tay bị yếu đã khỏe hơn thì có thể tập các động tác đơn giản như cầm nắm, đưa 2 tay ra sau tự buộc tóc, gấp quần áo…
    Luyện tập khôi phục lại hoạt động ngôn ngữ cho bệnh nhân bằng cách tích cực nói chuyện với bệnh nhân, ban đầu là những từ, câu ngắn, sau đó chuyển sang câu dài hơn.
  • Việc luyện tập cần diễn ra thường xuyên, liên tục và không ngừng nâng cao độ khó, sự tỉ mỉ trong từng động tác. Nếu cố gắng luyện tập chăm chỉ ngay từ đầu thì bệnh nhân có thể phục hồi rất tốt.

Chế độ ăn cho bệnh nhân:

Cần cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho bệnh nhân, các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin đặc biệt là vitamin nhóm B, chất khoáng và nước. Cần lưu ý chế biến thức ăn phù hợp với khả năng nhai của người bệnh. Có thể cắt nhỏ, băm nhuyễn, ninh nhừ thức ăn để bệnh nhân dễ ăn hơn.

Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là những bệnh nhân có bệnh lý về tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường…

8, Dự phòng đột quỵ như thế nào?

Để phòng chống bệnh đột quỵ thì chúng ta cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh kiểm soát tốt các nguy cơ có thể gây ra đột quỵ như:

  • Những người có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, mắc bệnh tim mạch mạn tính thì cần sử dụng thuốc đều đặn, đi khám bệnh định kỳ và có chế độ ăn hợp lý.
  • Chế độ ăn phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, tăng cường bổ sung các loại vitamin và chất khoáng, chất xơ.
  • Hạn chế các loại thức ăn dầu mỡ nguồn gốc từ động vật, đồ ăn nhanh. Những bệnh nhân bị cao huyết áp cần chú ý chế độ ăn hạn chế muối,ăn nhạt. Bệnh nhân bị tiểu đường cần chú ý lượng tinh bột trong các bữa ăn. Người có mỡ máu cao, thừa cân béo phì thì nên hạn chế các chất béo có nguồn gốc từ động vật.
  • Không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá…
  • Luyện tập thể dục thường xuyên, duy trì trọng lượng cơ thể ở mức cho phép.
  • Khi có tiền sử đột quỵ hoặc có cơn thiếu máu não thoáng qua, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và kiểm tra thường xuyên.

9, Một số câu hỏi thường gặp:

9.1. Đột quỵ có tái phát không?

Có nhiều người cho rằng khi đã bị đột quỵ sẽ không có nguy cơ bị tái phát, nhưng đây là quan điểm hết sức sai lầm. Khi bệnh nhân bị đột quỵ thì nguy cơ tái phát khá cao trong 5 năm đầu, đặc biệt là trong những tháng đầu. Sau đó nguy cơ tái phát đột quỵ sẽ giảm dần qua các năm. Vì vậy trong thời điểm 5 năm đầu sau lần đột quỵ đầu tiên, bệnh nhân và người nhà cần chú ý theo dõi sát tình trạng sức khỏe, biểu hiện của bệnh nhân để phát hiện và cấp cứu kịp thời.

9.2. Đột quỵ có chữa được không?

Khi bệnh nhân bị đột quỵ, có thể hiểu là các tế bào não của bệnh nhân đã bị tổn thương và không còn khả năng hồi phục. Vì vậy việc điều trị ở đây chủ yếu là ngăn chặn tổn thương lan tỏa sang vùng lành và phục hồi được một phần chức năng đã bị mất hay ảnh hưởng cho bệnh nhân. Tuy nhiên có nhiều trường hợp nhờ được đưa đến viện sớm và tích cực điều trị phục hồi chức năng mà bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn. Vì vậy nếu bạn đang bị hoặc có người thân bị tai biến mạch máu não thì bạn không nên nản lòng, mà cần tích cực động viên người bệnh kiên trì tập luyện mỗi ngày. Để hồi phục tốt thì việc cần thiết nhất chính là sự kiên trì của bệnh nhân.

9.3. Đột quỵ nên ăn gì và không nên ăn gì?

Bạn nên kiểm soát tốt chế độ và khẩu phần ăn của bệnh nhân đột quỵ, nên bổ sung các loại thực phẩm ít calo, giàu các chất dinh dưỡng như ngũ cốc nguyên hạt ( bột mỳ, gạo lứt, bột yến mạch…), các loại trái cây và rau xanh. Sử dụng chất béo có nguồn gốc thực vật như dầu lạc, dầu ô liu… Lựa chọn protein từ trứng, cá, thịt nạc, các cây họ đậu…

Hạn chế ăn các loại thức ăn nhanh, nhiều chất béo, dầu mỡ, kiểm soát tốt lượng natri trong khẩu phần ăn sẽ giúp tốt cho hệ tim mạch. Nên tránh ăn các loại thực phẩm có nguồn protein từ nội tạng (như gan, tim động vật), thịt mỡ, xúc xích, …Tránh các thực phẩm như bánh kẹo ngọt, nước ngọt, thức ăn nhanh như đồ rán, gà rán,…

9.4. Thời điểm vàng của bệnh nhân bị đột quỵ?

Các chuyên gia cho biết trong vòng từ 3 đến 6 giờ đầu tính từ khi khởi phát triệu chứng, được coi là khoảng thời gian vàng để cứu sống bệnh nhân. Nếu sau 6 giờ, bệnh nhân không được tái thông các mạch máu lớn bị tắc trong não thì nguy cơ tử vong sẽ cao hoặc nếu cấp cứu được thì cũng sẽ để lại di chứng nặng nề, khó có khả năng hồi phục. Vì vậy việc phát hiện sớm các triệu chứng và đưa bệnh nhân đến viện kịp thời để không bỏ lỡ thời điểm vàng trong điều trị là rất quan trọng.

Đặc biệt nếu có người nhà là người lớn tuổi, chúng ta lại càng phải chú ý hơn. Vì đôi khi các triệu chứng không rõ ràng, hoặc chúng ta nhầm lẫn với các triệu chứng của ốm yếu tuổi già, phát hiện muộn sẽ làm cho tình trạng của bệnh nhân trở nên nặng nề hơn.

Trên đây là một số thông tin về đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não. Hy vọng bài viết này đã mang lại cho bạn những thông tin bổ ích về căn bệnh này. Đừng nên chủ quan với sức khỏe của mình. Nếu có bất cứ triệu chứng gì nguy hiểm thì hãy đến cơ sở y tế để được theo dõi sớm nhé. Xin cảm ơn và chúc các bạn luôn khỏe mạnh.

Ngày viết:
Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *