Diquafosol 3% (Diquas®) – Thuốc điều trị khô mắt do làm tăng tiết nước và nhầy

Các triệu chứng của bệnh lý khô mắt cho đến nay chủ yếu được cải thiện bởi các dòng “nước mắt nhân tạo”, còn để điều trị căn nguyên gây bệnh thì thực sự vẫn còn nhiều hạn chế. Chủ đề hôm nay sẽ không giống như những bài viết về “nước mắt nhân tạo” bởi sẽ đề cập đến hoạt chất diquafosol với một hướng điều trị khô mắt hoàn toàn khác biệt. Cơ chế đó được trích dẫn nguyên văn từ tờ thông tin sản phẩm được phê duyệt là:

“Natri diquafosol kích thích sự bài tiết nước và chất nhầy bằng cách tác động lên thụ thể P2Y2 trên biểu mô kết mạc và màng tế bào goblet (hay còn gọi là tế bào hình đài) và làm tăng nồng độ ion canxi trong tế bào.”

Quay trở lại một chút với định nghĩa mới nhất về khô mắt từ bản tóm tắt của Hội nghị khô mắt quốc tế lần II năm 2017 (DEWS II), nguyên nhân của khô mắt được gây ra bởi “mất ổn định phim nước mắt và tăng áp lực thẩm thấu của phim nước mắt, viêm và tổn hại bề mặt nhãn cầu, và bất thường về thần kinh cảm giác”. Các nhà lâm sàng cũng dựa vào đó để phân chia khô mắt ra thành 2 nhóm chính: khô mắt do thiếu nước (chiếm ít) và khô mắt do bốc hơi (chiếm đa số), phần còn lại là hỗn hợp cả hai nguyên nhân. Như vậy, hoạt chất diquafosol sẽ tác động từ phía bên trong để tái lập sự ổn định phim nước mắt theo cả 2 hướng là tăng tiết nước và làm giảm bốc hơi bằng cách tăng tiết nhầy để giữ nước. Mặt khác, các dòng “nước mắt nhân tạo” tập trung vào việc cải thiện các triệu chứng khô rát từ bên ngoài bằng cách bổ sung trực tiếp nước, nhầy và lipid nên sẽ đồng nghĩa với việc “cứ hết thuốc là lại khô mắt”. Một số sản phẩm hiện nay đã chú trọng đến việc bào chế tỉ lệ các thành phần sao cho cải thiện được sự ổn định màng phim nước mắt lâu dài thay vì chỉ đơn thuần tập trung vào việc làm giảm sự nóng rát, khó chịu.

lọ Diquas®
Hình ảnh: Lọ thuốc Diquas®

Vậy thì hoạt chất diquafosol sẽ được dùng trong những trường hợp nào? Một lý do mà người bệnh ngại đọc tờ hướng dẫn sử dụng vì đọc xong cũng chẳng hiểu gì nên thôi không đọc cho đỡ mất thời gian. Ví dụ điển hình với biệt dược Diquas® 3% của Santen, chỉ định ghi là “Khô mắt kết hợp với các rối loạn biểu mô kết – giác mạc đi kèm với bất thường nước mắt”. Rõ ràng viết như vậy thì chỉ có các bác sỹ nhãn khoa hiểu trong khi tờ giấy này vốn để dành cho bệnh nhân đọc. Nhiều bệnh nhân phân vân, lo lắng vì không biết mình có đúng đối tượng được điều trị hay không bởi có tới 155/655 (23.7%) bệnh nhân (số liệu từ tờ rơi sản phẩm) gặp phải tác dụng phụ như kích ứng mắt, sung huyết kết mạc, đau mắt, cảm giác có dị vật… trong khi dùng “nước mắt nhân tạo” thì hiếm lắm mới gặp vài trường hợp bị kích ứng nhẹ.

Ngoài lề một chút, ngay trước thời điểm thuốc Diquas® được cấp số đăng ký lưu hành ở Việt Nam, bác sỹ người Nhật tại viện ad được hãng thuốc bên Nhật tặng một ít thuốc để dùng thử trên vài bệnh nhân bị khô mắt. Hai bệnh nhân được chẩn đoán nguyên nhân gây ra khô mắt là do thiếu nhầy thì đáp ứng rất cao, bệnh nhân phấn khởi đến mức muốn đề nghị mua thêm 50 lọ để dùng dần nhưng thời điểm đó không có thuốc để bán. Lúc đó ad thấy thuốc mới này có vẻ “hay”, cơ chế lạ và hiệu quả nên xin bác sỹ tặng một lọ để cho người nhà nhân viên bị khô mắt nặng dùng thử. Kết quả lại vô cùng trái ngược khi bệnh nhân kêu đau nhức, mắt đỏ nhiều và phù nề kết mạc. Người nhà nhân viên phải đến khám thì mới xác định được nguyên nhân và kết luận thuốc Diquas® không phù hợp với tình trạng của bệnh nhân, cần ngưng sử dụng. Câu truyện về việc tự ý sử dụng thuốc và điều trị thất bại của chính bản thân ad đã nêu lên một điều mà các dược sỹ nhà thuốc thường phớt lờ: Đừng thấy bác sỹ điều trị như nào rồi tự ý kê cho bệnh nhân khác y hệt như thế khi chưa biết được tình trạng của bệnh nhân.

Khi biệt dược Diquas® được vào thị trường Việt Nam, các bác sỹ tại viện dù luôn sẵn sàng tiếp nhận các phương pháp điều trị mới, vẫn khá dè dặt trước sản phẩm này. Sau một thời gian, nhiều thông tin đã được đưa ra tại các buổi giới thiệu sản phẩm và cũng đến thời điểm mà các bác sỹ nhãn khoa tìm thấy tiềm năng điều trị khô mắt của hoạt chất diquafosol này. Chỉ định trong điều trị thực tế được áp dụng rất rộng rãi, trong đó có khô mắt do viêm giác mạc chấm nông, khô mắt sau phẫu thuật khúc xạ hoặc thay thủy tinh thể, người phải làm trong các điều kiện môi trường khô lạnh, làm việc với máy tính nhiều… Để thấy được hiệu quả của hoạt chất này, các bác sỹ được khuyến cáo là cần tư vấn cho bệnh nhân về khả năng kích ứng cao, bệnh nhân cần kiên nhẫn dùng vì sự kích ứng sẽ giảm dần sau 2-4 tuần điều trị bên cạnh việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân khô mắt của bệnh nhân.

Một điều nữa cần chú ý khi dùng thuốc chứa diquafosol là nên kết hợp với “nước mắt nhân tạo” để tăng hiệu quả điều trị khô mắt cả về triệu chứng lẫn sự ổn định phim nước mắt. Chế độ liều của Diquas® 3% được đưa ra là tra 6 lần/ ngày, duy trì đến 4 tuần rồi giảm đến liều duy trì (2-4 lần/ngày) và theo dõi đáp ứng của bệnh nhân. Với tần suất tra như vậy, một số bệnh nhân sẽ cảm thấy khó tuân thủ, chưa kể là phải đối mặt với sự kích ứng mỗi lần nhỏ thuốc nhưng đó là mức liều mà thuốc sẽ phát huy hiệu quả tối đa nhất, giúp ổn định phim nước mắt về mặt lâu dài và sẽ ngăn tình trạng khô mắt trở nên xấu hơn. Trong các bài sau, ad sẽ đi vào chi tiết hơn hiệu quả điều trị của hoạt chất này trên từng mặt bệnh.

Nguồn: Ths. Ds. Trần Hải Đông

Nhà thuốc Chuyên Khoa Mắt HD Hà Nội

Ngày viết:
Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *