Tiệt khuẩn là quá trình làm cho 1 vật hoặc 1 sản phẩm không còn vi sinh vật sống sót. Quá trình tiệt khuẩn được tiến hành bằng các phương pháp vật lý, hóa học. Đối với mỗi đối tượng cần chọn phương pháp tiệt khuẩn ((Phụ lục 16.1: Phương pháp tiệt khuẩn – Dược điển Việt Nam V)) phù hợp, phương pháp còn phụ thuộc vào tính chất vật lý, hóa học và độ bền môi trường. Hãy cùng nhà thuốc Ngọc Anh tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây.
Mức bảo đảm vô khuẩn (SAL – sterility assurance level).
Trong một quy trình tiệt khuẩn, mức bảo đảm vô khuẩn là xác suất tồn tại một đơn vị đóng gói không vô khuẩn trong toàn bộ lô sản phẩm sau khi tiệt khuẩn bằng quy trình đó.
Ví dụ: SAL=10 -7 có nghĩa là trong 1 x 10 mũ -7 đơn vị đóng gói của sản phẩm có khả năng có không nhiều hơn một vi sinh vật sống.
Đối với một quy trình tiệt khuẩn đã cho, SAL phụ thuộc vào số lượng vi sinh vật có trong sản phẩm cho trước khi tiệt khuẩn và môi trường trong đó có vi sinh vật tồn tại trong quá trình xử lý.
Đôi khi, có thể sử dụng mức bảo đảm vô khuẩn SAL để đánh giá hiệu quả tiệt khuẩn của các phương pháp được mô tả trong bài viết dưới đây.
SAL của một quy trình được thiết lập trong khi thẩm định quy trình.
Phương pháp và điều kiện tiệt khuẩn
Tiệt khuẩn được tiến hành theo một trong các phương pháp được giới thiệu sau đây. Có thể cải tiến hoặc kết hợp các phương pháp tùy theo từng chuyên luận và yêu cầu của từng chế phẩm. Tất nhiên, việc tiến hành phương pháp thẩm định đã được cải tạo cũng cần tuân thủ yêu cầu, tiêu chuẩn như các phương pháp trước đó.
Việc theo dõi các chỉ số vận hành trong quá trình tiệt khuẩn của mọi phương pháp cực kỳ quan trọng kể cả trong điều kiện chuẩn.
Phương pháp tiệt khuẩn thành phẩm
Sự phân bố không đồng đều của tác nhân tiệt khuẩn trong buồng tiệt khuẩn là một vấn đề quan trọng phải chú ý đối với các loại phương pháp tiệt khuẩn. Do đó, cần phải xác định các vị trí trong buồng tiệt khuẩn mà tác nhân tiệt khuẩn nhiều nhất và ít nhất (khó đến nhất, ví dụ: vị trí có nhiệt độ thấp nhất trong nồi hấp) để sắp xếp sản phẩm có kiểu dáng và kích thước bào bì khác nhau.
Phương pháp tiệt khuẩn bằng nhiệt khô
Thiết bị chuyên dụng: tủ sấy.
Để đảm bảo sự phân phối nhiệt đồng đều trong toàn bộ khoang tiệt khuẩn, tủ sấy thường có gắn thêm thiết bị đối lưu không khí .
Đối tượng áp dụng: đối tượng bền với nhiệt như: bông, băng, vải, gạc, dụng cụ thủy tinh, kim loại,…
Điều kiện chuẩn của phương pháp: tối thiểu 160 độ C trong ít nhất 2 giờ. Có thể tiến hành tiệt khuẩn ở điều kiện nhiệt độ, thời gian khác với điều kiện chuẩn nêu trên nhưng phải chứng minh được hiệu quả của chế độ tiệt khuẩn đã chọn.
Số lượng vi khuẩn trong sản phẩm trước khi tiệt trùng phải được khống chế bằng cách áp dụng các quy trình sản xuất và các biện pháp phòng ngừa thích hợp để đạt được mức độ vô khuẩn SAL là 10 mũ -6 hay nhỏ hơn.
Phải theo dõi nhiệt độ bên trong tủ sấy trong suốt quá trình tiệt khuẩn. Nhiệt độ thường được đo bằng các đầu dò nhiệt đặt ở phần nguội nhất của tủ sấy. Thông số nhiệt độ của mỗi chu trình tiệt khuẩn phải được ghi chép và lưu trữ thông số nhiệt độ của mỗi chu trình tiệt khuẩn.
Đối với các dụng cụ thủy tinh, tiệt khuẩn các chất gây sốt thường tiến hành ở nhiệt độ cao hơn 220 độ C. Trong trường hợp này có thể thay chỉ thị sinh học bằng nội độc tố vi khuẩn bền nhiệt.
Để kiểm tra quá trình tiệt khuẩn, cấy một hay nhiều vật liệu cần tiệt khuẩn với ít nhất 10000 đơn vị nội độc tố vi khuẩn. Lượng nội độc tố vi khuẩn còn lại sau khi tiệt khuẩn phải không được nhiều hơn 1/1000 so với lượng nội độc tố vi khuẩn ban đầu. (Xem thêm trong Phụ lục 13.2).
Phương pháp tiệt khuẩn bằng nhiệt ướt
Thiết bị chuyên dùng: nồi hấp.
Tác nhân tiệt khuẩn: hơi nước bão hòa dưới áp suất cao.
Điều kiện chuẩn của phương pháp: 121 độ C trong ít nhất 15 phút đối với các chất phẩm là dung dịch nước. Có thể tiến hành tiệt khuẩn ở điều kiện nhiệt độ, thời gian khác với điều kiện chuẩn nêu trên nhưng phải chứng minh được hiệu quả của chế độ tiệt khuẩn đã chọn.
Phải theo dõi nhiệt độ bên trong tủ sấy trong suốt quá trình tiệt khuẩn. Nhiệt độ thường được đo bằng các đầu dò nhiệt đặt ở phần nguội nhất của tủ sấy. Thông số nhiệt độ của mỗi chu trình tiệt khuẩn phải được ghi chép và lưu trữ thông số nhiệt độ của mỗi chu trình tiệt khuẩn.
Khi đánh giá hiệu quả của quá trình tiệt khuẩn bằng phương pháp sinh học, dùng chỉ thị sinh học phù hợp theo Phụ lục 16.2.
Đây là phương pháp ưu tiên chọn lựa, khi có thể, đặc biệt là đối với các dung dịch nước.
Phương pháp tiệt khuẩn bằng bức xạ ion hóa
Phương pháp thường được sử dụng để tiệt khuẩn sản phẩm trong bao bì cuối.
Tác nhân tiệt khuẩn: bức xạ ion (2 nguồn bức xạ ion hóa thường là tia 7 phát ra từ nguồn phóng xạ thích hợp và chùm electron năng lượng cao được gia tốc bởi máy gia tốc electron).
Liều hấp thu chuẩn: 25 kGy (có thể có liều hấp thu khác nhưng phải chứng minh được hiệu quả của phương pháp tiệt khuẩn bằng cách áp dụng quy trình sản xuất và các biện pháp phòng ngừa thích hợp để đạt được mức bảo đảm vô khuẩn SAL là 10 mũ -6 hoặc nhỏ hơn).
Bức xạ hấp thu bởi sản phẩm cần tiệt khuẩn phải được đo định kỳ bằng thiết bị đo liều thích hợp trong quá trình tiệt khuẩn. Một thiết bị đo liều phải được hiệu chỉnh với nguồn bức xạ chuẩn ít nhất 1 lần trong năm.
Khi đánh giá hiệu quả của quá trình tiệt khuẩn bằng phương pháp sinh học, dùng chỉ thị sinh học phù hợp theo Phụ lục 16.2.
Phương pháp tiệt khuẩn bằng chất khí
Tác nhân tiệt khuẩn: khí Ethylen Oxyd – một loại khí dễ cháy, có khả năng gây đột biến và có thể để lại vết chất độc trong vật liệu đem tiệt khuẩn. Vì vậy phương pháp này chỉ được lựa chọn trong trường hợp không thể chọn phương pháp nào khác.
Đối với phương pháp tiệt khuẩn bằng chất khí, phải có biện pháp thích hợp để đảm bảo sự thẩm thấu của khí và hơi ẩm vào bên trong vật liệu cần tiệt khuẩn cũng như làm giảm lượng Ethylen Oxyd hoặc sản phẩm phân hủy của nó trong sản phẩm đã tiệt khuẩn dưới mức có thể gây nguy hiểm khi sử dụng sản phẩm.
Trong quá trình tiệt khuẩn bằng chất khí nên theo dõi và ghi chép nồng độ khí, độ ẩm tương đối, nhiệt độ và thời gian tiệt khuẩn của mỗi lô tiệt khuẩn khi có thể.
Khi đánh giá hiệu quả của quá trình tiệt khuẩn bằng phương pháp sinh học, dùng chỉ thị sinh học phù hợp theo Phụ lục 16.2.
Phương pháp tiệt khuẩn bằng phương pháp lọc
Đối tượng áp dụng: các dung dịch kém bền với nhiệt, không thể tiệt khuẩn trong bao bì cuối.
Nguyên tắc: dẫn dung dịch cần tiệt khuẩn qua vật liệu lọc có khả năng giữ vi khuẩn.
Vật liệu lọc thường dùng: các máng lọc có kích thước lỗ lọc 0,22mcm hay nhỏ hơn, có khả năng giữ lại 100% vi khuẩn Pseudomonas diminuta (ATCC 19146, NCIMB 11091, CIP 103020) trong điều kiện thích hợp.
Khả năng giữ khuẩn của màng lọc được kiểm tra bằng cách lọc qua màng lọc một hỗn dịch vi khuẩn Pseudomonas diminula trong môi trường nuôi cấy Tryptone soya broth, hay môi trường dinh dưỡng tương đương, có nồng độ thích hợp sao cho mỗi centimet vuông bề mặt màng lọc có ít nhất 10 mũ 7 CFU và tốc độ lớn hơn 30 Psi. Ủ dịch lọc ở 32 độ C trong điều kiện hiếu khí, phải không được có vi khuẩn phát triển.
Quy trình sản xuất và môi trường sản xuất các sản phẩm tiệt khuẩn bằng phương pháp lọc phải được thiết kế phù hợp để làm giảm tối đa khả năng nhiễm khuẩn. Đồng thời cũng phải thường xuyên kiểm tra chất lượng môi trường sản xuất bằng một chương trình giám sát chất lượng môi trường đã được thẩm định.
Ngoài ra các máy móc, thiết bị, vật chứa và nắp đậy phải được tiệt khuẩn trước khi sử dụng bằng các phương pháp thích hợp. Vị trí và thời điểm lọc tiệt khuẩn nên bố trí càng gần nơi đóng ống càng tốt. Tất cả các thao tác sau khi lọc tiệt khuẩn phải được tiến hành trong điều kiện vô khuẩn.
Trước khi lọc phải tiến hành kiểm tra đảm bảo màng lọc không bị rách trong quá trình lắp ráp và tiệt khuẩn hệ thống lọc. Tính toàn vẹn của màng lọc cũng phải được kiểm tra sau khi lọc xong bằng các phương pháp thích hợp (VD: bubble-point test – phương pháp đo áp suất điểm sùi bọt, pressure hold test – phương pháp đo chênh lệch áp suất trước và sau khi qua màng lọc).
Hiệu quả của quá trình lọc tiệt khuẩn phụ thuộc vào số lượng vi sinh vật trong sản phẩm trước khi lọc, do đó cần lọc trước dung dịch cần tiệt khuẩn qua liên lọc có khả năng giữ vi khuẩn nếu không thể làm giảm bớt số lượng vi sinh vật bằng phương pháp khác.
Sản xuất vô khuẩn
Trong quá trình sản xuất vô khuẩn, sản phẩm đã được đóng gói không được tiệt khuẩn bổ sung bằng bất kỳ phương pháp nào khác nên quá trình sản xuất phải được tiến hành trong điều kiện vô khuẩn. Và các sản phẩm chờ đóng gói, vật chứa rỗng, nắp đậy phải được tiệt khuẩn riêng rẽ sau đó mới kết hợp với nhau trong điều kiện vô khuẩn để thu được sản phẩm cuối.
Mỗi thành phần của sản phẩm cuối phải được tiệt khuẩn riêng bằng các phương pháp thích hợp trước khi phối hợp. Các vật chứa bằng thủy tinh thì sẽ phải tiệt khuẩn bằng phương pháp nhiệt khô còn nhiệt ẩm là để tiệt khuẩn các nắp nhựa, phương pháp lọc đối với các dung dịch.
Trong quá trình sản xuất phải chú ý các yếu tố sau để duy trì độ vô khuẩn của mỗi thành phần:
- Môi trường sản xuất.
- Con người.
- Các bề mặt tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm hở.
- Quy trình tiệt khuẩn các vật liệu bao gói và quy trình vận chuyển chúng vào khu vực đóng gói.
- Thời gian lưu trữ tối đa của sản phẩm chờ đóng gói trước khi đóng gói vào bao bì cuối cùng.
Để đảm bảo độ vô khuẩn của thành phẩm, quy trình tiệt khuẩn và đóng gói đều phải được thẩm định bằng phương pháp phù hợp trước khi áp dụng trong thực tế. Thẩm định quy trình đóng gói phải bao gồm thử nghiệm dùng môi trường dinh dưỡng nuôi cấy vi sinh vật thay cho sản phẩm thật (media fill test). Phải lấy mẫu để kiểm tra độ vô khuẩn tất cả các lô của bất kỳ sản phẩm nào được tiệt khuẩn bằng phương pháp lọc và/hoặc sản xuất vô khuẩn trước khi xuất xưởng (Xem Phụ lục 13.7).