Bệnh trĩ là gì?
Bệnh trĩ (haemorrhoid) là một bệnh lý thường gặp và gây ra nhiều phiền toái cho con người từ hàng nghìn năm qua. Cho đến nay, y học hiện đại vẫn chưa thể hiểu rõ hoàn toàn về bệnh lý này. Hiện tại vẫn chưa có một định nghĩa hoàn chỉnh cho bệnh trĩ. Trĩ thường được mô tả là một khối phình mạch máu ở ống hậu môn.
Trĩ chỉ gặp ở người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi và không gặp ở trẻ em. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ giới.
Yếu tố thuận lợi
Các yếu tố sau đây được cho là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của bệnh trĩ:
- Tuổi tác cao.
- Di truyền.
- Táo bón kéo dài.
- Rặn nhiều khi đi đại tiện.
- Ngồi lâu khi đi đại tiện.
- Phụ nữ đang mang thai.
- Chế độ ăn uống ít chất xơ, nhiều thức ăn cay và rượu.
- Tập thể thao hoặc lao động quá nặng.
Sinh lý bệnh
Sinh lý bệnh chính xác của sự phát triển bệnh trĩ vẫn chưa hoàn toàn được hiểu rõ. Nhiều năm trước, sinh lý bệnh của bệnh trĩ được giải thích dựa trên lý thuyết về giãn tĩnh mạch trong ống hậu môn. Tuy nhiên, hiện tại lý thuyết này đã lỗi thời. Bệnh trĩ và giãn tĩnh mạch hậu môn – trực tràng đã được chứng minh là hai bệnh lý hoàn toàn riêng biệt. Quan điểm hiện đại cho rằng sinh lý bệnh của bệnh trĩ có liên quan đến sự rối loạn của lớp đệm hậu môn. Đệm hậu môn có bản chất là lớp hạ niêm mạc ở ống hậu môn dày lên, chứa nhiều mạch máu, mô liên kết cũng như mô đàn hồi. Đệm hậu môn có tác dụng đóng khít hậu môn, kiểm soát sự thoát ra của phân và hơi.
Có hai giả thuyết về sự phát triển của bệnh trĩ là thuyết cơ học và thuyết huyết động học.
- Thuyết cơ học: Thuyết cơ học cho rằng, khi con người già đi, lớp mô đàn hồi sẽ bị lão hóa và yếu đi, từ đó làm cho đám rối tĩnh mạch vốn được giữ bởi lớp mô này dễ bị di chuyển xuống phía dưới nhiều hơn khi có hiện tượng tăng áp lực trong ổ bụng (ví dụ: táo bón), gây ra hiện tượng sa búi trĩ.
Thuyết cơ học giải thích được triệu chứng sa búi trĩ trong trĩ nội. Nó cũng đồng thời giải thích được tỷ lệ mắc bệnh trĩ cao hơn bình thường ở một số gia đình do lớp mô đàn hồi mỏng và yếu có tính di truyền.
- Thuyết huyết động học: Thuyết huyết động học cho rằng, trĩ có nguyên nhân từ sự mở ra thất thường của các shunt động – tĩnh mạch trong hệ thống vi tuần hoàn của ống hậu môn. Sự mở ra này có nguyên nhân từ một số kích thích, làm cho các mô không được nuôi dưỡng, từ đó gây tăng áp lực trong đám rối tĩnh mạch trĩ, làm phình giãn tĩnh mạch.
Trái: Shunt động tĩnh – mạch đóng bình thường. Phải: Shunt động – tĩnh mạch mở bất thường.
Phân loại
Tùy theo vị trí giải phẫu, trĩ được phân loại thành trĩ nội (búi trĩ xuất phát từ trong ống hậu môn) và trĩ ngoại (búi trĩ xuất phát từ ngoài ống hậu môn). Trĩ hỗn hợp là trĩ có búi trĩ xuất phát từ cả trong và ngoài ống hậu môn.
Trĩ nội bao gồm bốn phân độ:
- Trĩ nội độ 1: Búi trĩ nằm trong ống hậu môn.
- Trĩ nội độ 2: Búi trĩ nằm trong ống hậu môn, sa búi trĩ xảy ra khi đi đại tiện, nhưng có thể tự tụt vào trong được.
- Trĩ nội độ 3: Búi trĩ nằm trong ống hậu môn, sa búi trĩ xảy ra khi đi đại tiện, ngồi xổm, làm việc nặng, đi lại nhiều, không thể tự tụt vào trong, phải dùng tay đẩy mới vào được.
- Trĩ nội độ 4: Sa búi trĩ xảy ra thường xuyên nên búi trĩ thường xuyên nằm ngoài ống hậu môn. Búi trĩ to và gần như không thể ấn vào trong được.
Triệu chứng
- Thiếu máu mạn tính: Đây là triệu chứng hiếm gặp do lượng máu mất đi do trĩ thường không lớn trong đa số trường hợp. Các triệu chứng lâm sàng điển hình của thiếu máu bao gồm da xanh xao, niêm mạc nhợt, rụng tóc, móng tay giòn và dễ gãy…
- Chảy máu: Đây là triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất ở bệnh nhân bị trĩ. Ban đầu máu chảy ít, thường chỉ dính vào giấy vệ sinh khi đi đại tiện, về sau máu chảy nhiều dần, thành giọt hoặc thậm chí có thể thành tia. Trong trường hợp rất nặng, máu tự chảy mỗi khi bệnh nhân đi cầu hoặc ngồi xổm.
- Sa búi trĩ: Triệu chứng này chỉ gặp trong trĩ nội. Trĩ nội có phân độ càng cao thì triệu chứng sa búi trĩ càng nặng. Sa búi trĩ gây ra sự khó chịu và bất tiện cho bệnh nhân.
Ngoài các triệu chứng trên, bệnh nhân mắc trĩ còn có thể bị đau, ngứa hoặc chảy dịch nhầy ở hậu môn.
Biến chứng
Các biến chứng có thể xảy ra trong bệnh trĩ bao gồm:
- Tắc mạch: Nguyên nhân trực tiếp gây ra tắc mạch đến từ các cục máu đông. Bất kỳ lý do nào làm tăng áp lực ổ bụng thì đều có thể là yếu tố nguy cơ của tắc mạch.
- Sa nghẹt búi trĩ: Búi trĩ nội khi bị sa nếu quá to có thể gây ra tình trạng nghẹt. Thường gặp với trĩ nội phân độ nặng. Sờ vào búi trĩ bị sa nghẹt rất đau.
- Viêm nhiễm: Búi trĩ bị viêm nhiễm có thể gây đau, nóng rát, phù nề và ngứa ngáy khó chịu. Nặng hơn bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng loét. Khả năng tiến triển thành nhiễm trùng tại chỗ khá cao, nhưng khả năng nhiễm trùng toàn thân rất thấp.
Chẩn đoán
Bệnh nhân sẽ được bác sĩ thăm khám thực thể với các tư thế khám rất đặc biệt và đặc trưng cho bệnh trĩ. Đầu tiên bác sĩ sẽ quan sát tổng thể khối trĩ, phân loại và đánh giá mức độ sa búi trĩ (với trĩ nội). Sau đó khám trực tiếp búi trĩ bằng tay, đánh giá tính chất của búi trĩ. Cần chú ý nếu khối trĩ ngoại có những cục nhỏ như hạt tấm, ấn đau, đó có thể là dấu hiệu của tắc mạch.
Khám hậu môn – trực tràng: Bác sĩ thực hiện động tác khám bằng tay. Khám hậu môn – trực tràng rất quan trọng trong giúp bác sĩ phát hiện các biến chứng như tắc mạch hay ung thư. Thông qua thăm khám, bác sĩ cũng có thể biết được trương lực cơ vòng hậu môn. Dịch dính trên găng tay sau quá trình khám cũng chứa nhiều thông tin hữu ích (máu, mủ, nhầy…).
Soi hậu môn – trực tràng: Phương pháp này giúp chẩn đoán trĩ nội rất hiệu quả, đặc biệt là trĩ nội độ 1. Các thương tổn liên quan đến nứt hậu môn cũng được phát hiện tốt bằng phương pháp này. Đây cũng đồng thời là phương pháp đơn giản giúp chẩn đoán phân biệt trĩ với ung thư trực tràng.
Cần chẩn đoán phân biệt bệnh trĩ với nứt hậu môn, ung thư trực tràng, viêm loét trực tràng, polyp trực tràng và sa trực tràng (trong trường hợp trĩ nội sa ra ngoài).
Điều trị
Quan niệm trong điều trị bệnh trĩ hiện nay là cố gắng bảo tồn lớp đệm hậu môn và thu nhỏ thể tích búi trĩ.
Thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống là phương pháp được khuyến nghị cho mọi đối tượng bệnh nhân bất kể họ đang mắc loại trĩ nào. Các phương pháp thay đổi lối sống bao gồm:
- Ăn nhiều chất xơ, tránh các thức ăn cay nóng.
- Uống nhiều nước, không uống rượu bia.
- Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu.
- Tránh lao động hoặc tập thể thao quá nặng.
- Không rặn mạnh khi đi đại tiện.
Điều trị bằng thuốc
- Flavonoid (đường uống): Các Flavonoid được cho là có khả năng làm tăng trương lực mạch máu và giảm tính thấm mao mạch, đồng thời chúng còn có tác dụng chống viêm. Phân đoạn Flavonoid có kích thước micro chứa 90% Diosmin và 10% Hesperidin được sử dụng phổ biến nhất trên lâm sàng trong điều trị bệnh trĩ. Trong các thử nghiệm lâm sàng, Flavonoid làm giảm chảy máu 67%, ngứa 35% và đau dai dẳng 65%, cũng như làm giảm tỷ lệ tái phát 47%.
- Calcium dobesilate (đường uống): Thuốc này giúp giảm phù nề mô. Một thử nghiệm lâm sàng cho thấy kết hợp Calcium dobesilate với chất xơ giúp giảm hiệu quả các triệu chứng do mất máu cấp, đồng thời làm giảm các triệu chứng viêm.
- Các thuốc dùng tại chỗ: Các thuốc này giúp giảm triệu chứng khó chịu do trĩ gây ra. Các thuốc gây giãn cơ trơn như Glycerin trinitrate và Nifedipine đều làm giảm triệu chứng của trĩ do ảnh hưởng trên trương lực cơ vòng hậu môn. Thuốc gây co mạch Phenylephrine cũng được sử dụng để giúp giảm các triệu chứng đau và chảy máu khi đi đại tiện.
Điều trị bằng thủ thuật
Nguyên tắc điều trị của các thủ thuật là tạo ra sẹo xơ để cố định búi trĩ, giảm lưu lượng máu đến búi trĩ và thu nhỏ búi trĩ. Các thủ thuật được sử dụng đều ít đau.
- Chích xơ búi trĩ: Phương pháp này được sử dụng cho trĩ nội độ 1 và 2. Chế phẩm thường được sử dụng là dầu chứa Phenol hoặc Polidocanol. Các biến chứng có thể gặp phải với thủ thuật này bao gồm chảy máu, bí tiểu, viêm nhiễm tầng sinh môn, tiền liệt tuyến, tinh hoàn, rò hậu môn – âm đạo…
- Thắt búi trĩ bằng vòng cao su: Phương pháp này được sử dụng cho trĩ nội độ 1, 2 và 3. Thắt búi trĩ bằng vòng cao su gây ra hoại tử búi trĩ do thiếu máu cục bộ. Các biến chứng có thể gặp phải với thủ thuật này bao gồm nhiễm trùng, nứt hậu môn, tắc mạch…
- Quang đông hồng ngoại: Phương pháp này được sử dụng cho trĩ nội độ 1 và 2. Bức xạ hồng ngoại làm tế bào mất nước và làm cho búi trĩ co lại. Đây là phương pháp an toàn, cầm máu hiệu quả, nhưng giá thành cao và phải thực hiện nhiều lần.
- Đốt sóng cao tần: Đây là một phương pháp tương đối mới trong điều trị bệnh trĩ. Búi trĩ được thu nhỏ bằng sóng vô tuyến tần số cao. Các biến chứng có thể gặp phải với thủ thuật này bao gồm nhiễm trùng, bí tiểu, huyết khối. Phương pháp này cũng có liên quan đến tỷ lệ chảy máu tái phát và sa trực tràng cao hơn.
- Liệu pháp áp lạnh: Phương pháp này sử dụng nhiệt độ rất thấp để loại bỏ mô trĩ. Phương pháp này phá hủy cả các đầu dây thần kinh. Phương pháp này có liên quan với đau kéo dài và tiết dịch có mùi hôi, do vậy hiếm khi được sử dụng trong điều trị bệnh trĩ.
Trong các phương pháp trên, thắt búi trĩ bằng vòng cao su là phương pháp ít tái phát các triệu chứng của bệnh trĩ nhất và tỷ lệ phải điều trị lại thấp nhất, nhưng liên quan đến đau hơn đáng kể sau thủ thuật. Nó được khuyến cáo là phương pháp không phẫu thuật đầu tay cho trĩ nội độ 1, 2 và 3.
Điều trị bằng phẫu thuật
Trĩ nội độ 4 và trĩ ngoại có biến chứng thường được chỉ định phẫu thuật.
- Phẫu thuật Whitehead và Toupet cắt khoanh niêm mạc: Hiện nay ít được sử dụng do có thể gây ra các biến chứng rò dịch hậu môn, hẹp hậu môn.
- Phẫu thuật mở Milligan Morgan cắt từng búi trĩ: Đây là phẫu thuật kinh điển, ít gây ra biến chứng hẹp hậu môn.
- Phẫu thuật kín Ferguson cắt từng búi trĩ: Phương pháp này được cải tiến từ phương pháp Milligan Morgan. So với phương pháp Milligan Morgan, phương pháp Ferguson ít chảy máu hơn và nhanh lành hơn.
- Phẫu thuật Longo: Phương pháp này có ưu điểm là ít đau và thời gian nằm viện ngắn nhưng nhược điểm là giá thành cao.
- Phẫu thuật khâu treo búi trĩ: Phương pháp này là cải tiến của phương pháp Longo.
- Phẫu thuật khâu triệt động mạch trĩ dưới hướng dẫn của siêu âm Doppler: Phương pháp này cũng có ưu điểm là ít đau, thời gian nằm viện ngắn và ít biến chứng, nhưng có giá thành cao.
Tài liệu tham khảo
Lohsiriwat V. Hemorrhoids: from basic pathophysiology to clinical management. World J Gastroenterol. 2012; 18(17): 2009-2017. doi: 10.3748/wjg.v18.i17.2009.
Available from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3342598/
Brown SR. Haemorrhoids: an update on management. Ther Adv Chronic Dis. 2017; 8(10): 141-147. doi: 10.1177/2040622317713957.
Available from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5624348/
Xem thêm: Rối loạn cương dương: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị