Bệnh loãng xương: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị, dự phòng

Loãng xương là gì?

Loãng xương (osteoporosis) là một bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng giảm khối lượng xương, giảm mô xương và phá vỡ vi cấu trúc của xương, dẫn đến giảm độ cứng của xương và tăng nguy cơ gãy xương.

Loãng xương là bệnh lý xương phổ biến nhất ở con người, là một vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn cần được quan tâm. Loãng xương có thể xảy ra ở cả hai giới và mọi chủng tộc, với tỷ lệ mắc tăng lên cùng với tuổi tác. Loãng xương phổ biến ở phụ nữ và người da trắng hơn.

Nguyên nhân

Loãng xương được phân loại thành loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát. Trong đó nguyên nhân của mỗi loại lại khác nhau.

Loãng xương nguyên phát

Loãng xương nguyên phát lại có thể được phân loại thành hai phân nhóm nhỏ hơn:

  • Loãng xương thoái triển type 1: Loại này còn được gọi là loãng xương sau mãn kinh do sự thiếu hụt estrogen và ảnh hưởng chủ yếu đến xương xốp. Loại này gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, với tỷ lệ nam/nữ 4/5.7.
  • Loãng xương thoái triển type 2: Loại này còn được gọi là loãng xương do tuổi già, liên quan đến khối lượng xương bị mất do sự lão hóa của các xương xốp và xương đặc.

Loãng xương thứ phát

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra loãng xương thứ phát:

  • Các vấn đề về lối sống: Ăn nhiều muối, hút thuốc lá (chủ động hoặc thụ động), lạm dụng rượu bia, liệt, quá gầy, ngã thường xuyên, chế độ ăn thiếu calci và vitamin D, quá thừa vitamin A, hoạt động thể chất không đúng cách.
Lạm dụng bia rượu có thể gây loãng xương
Lạm dụng bia rượu có thể gây loãng xương
  • Bệnh di truyền: Xơ nang, rối loạn dự trữ glycogen, hội chứng tóc dị thường Menkes (bệnh Menkes), xương thủy tinh, hội chứng Riley – Day, hội chứng Ehler – Danlos, ứ sắt, hội chứng Marfan, tiền sử gãy xương hông ở bố mẹ, bệnh Gaucher, homocystin niệu, thiếu hụt phosphatase kiềm (ALP), porphyria.
  • Rối loạn nội tiết: Béo phì trung tâm, hội chứng Cushing, đái tháo đường (type 1 và 2), cường tuyến cận giáp, nhiễm độc tuyến giáp, các tình trạng suy giảm chức năng sinh dục như không nhạy cảm với androgen, vô kinh, mãn kinh sớm (< 40 tuổi), tăng prolactin máu, suy toàn bộ tuyến yên, chán ăn tâm thần, hội chứng Turner và hội chứng Klinefelter.
  • Rối loạn tiêu hóa: Bệnh Celiac, phẫu thuật nối tắt dạ dày, phẫu thuật đường tiêu hóa, chứng kém hấp thu, bệnh viêm đường ruột, bệnh tuyến tụy, xơ gan ứ mật nguyên phát,
  • Rối loạn huyết học: Hemophilia, bệnh bạch cầu, lymphoma, bệnh hồng cầu hình liềm, đa u tủy xương, bệnh gamma thể đơn dòng, bệnh tế bào mast hệ thống, thalassemia (tan máu Địa Trung Hải).
  • Các yếu tố thần kinh và cơ xương khớp: Động kinh, đa xơ cứng, loạn dưỡng cơ, bệnh Parkinson, tổn thương tủy sống, đột quỵ, bệnh cơ gốc.
  • Bệnh tự miễn: Viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, lupus ban đỏ hệ thống, các bệnh tự miễn khác.
  • Khác: Bệnh amyloid, HIV/AIDS, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), suy tim sung huyết, nhiễm toan chuyển hóa mạn tính, trầm cảm, bệnh thận giai đoạn cuối, tăng calci niệu, bệnh xương sau ghép, vẹo cột sống vô căn, u hạt, nhẹ cân.

Yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ của loãng xương bao gồm:

  • Tuổi cao.
  • Giới tính nữ.
  • Phụ nữ sau mãn kinh.
  • Thiểu năng sinh dục hoặc suy buồng trứng sớm.
  • Chỉ số khối cơ thể thấp.
  • Người da trắng.
  • Viêm khớp dạng thấp.
  • Mật độ khoáng trong xương (BMD) thấp.
  • Thiếu vitamin D hoặc calci trong chế độ ăn.
  • Gù lưng nặng.
  • Hút thuốc lá.
Hút thuốc lá gây loãng xương
Hút thuốc lá gây loãng xương
  • Lạm dụng rượu bia.
  • Liệt (không vận động).
  • Sử dụng dài ngày một số thuốc như các Corticoid, thuốc chống đông máu, thuốc chống co giật, thuốc ức chế aromatase, thuốc hóa trị liệu ung thư và thuốc chủ vận hormone giải phóng gonadotropin.

Cơ chế bệnh sinh

Ở người bình thường, mô xương liên tục bị mất đi thông qua quá trình tiêu xương và liên tục được hình thành lại thông qua quá trình tạo xương. Tình trạng loãng xương xảy ra khi tốc độ tiêu xương nhanh hơn tốc độ tạo xương. Bình thường, khối lượng xương đạt đến đỉnh điểm (gọi là khối lượng xương đỉnh [PBM]) ở tuổi dậy thì và sau đó sự mất khối lượng xương bắt đầu xảy ra. PBM chủ yếu được xác định bởi các yếu tố di truyền, dinh dưỡng, sức khỏe trong thời gian phát triển, nội tiết, giới tính và hoạt động thể chất. Sự tái tạo xương bao gồm loại bỏ xương cũ và thay thế bằng xương mới, được sử dụng để sửa chữa các vết nứt xương nhỏ và từ đó ngăn chặn chúng trở thành các gãy xương lớn, hỗ trợ duy trì một bộ xương khỏe mạnh.

Khi tuổi tác tăng lên (hoặc phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh), có sự mất cân bằng giữa hai quá trình tiêu xương và tạo xương (tiêu xương mạnh hơn tạo xương), từ đó làm tăng nguy cơ gãy xương. Một số yếu tố xác định khác không liên quan đến tuổi tác (ví dụ: một số loại thuốc, thiếu hormone sinh dục) cũng kích thích tiêu xương và ức chế tạo xương, từ đó làm thay đổi cấu trúc vi mô trong xương, làm xương yếu hơn và dễ gãy hơn. Gãy xương thường xảy ra khi xương suy yếu bị quá tải, thường do ngã hoặc một số công việc hàng ngày.

Triệu chứng

Giai đoạn đầu thường không có triệu chứng, nhưng khi xương bị suy yếu, bệnh nhân có thể gặp một số triệu chứng dưới đây:

  • Đau lưng do gãy hoặc xẹp đốt sống.
  • Chiều cao giảm theo thời gian.
  • Gù lưng.
  • Xương dễ gãy.

Biến chứng

Biến chứng chủ yếu của loãng xương là gãy xương cùng với các di chứng của nó. Đặc biệt, gãy các xương lớn như xương đùi, xương hông hay xương cột sống đều có thể để lại hậu quả rất lớn cho người bệnh. Chúng có thể gây ra tàn tật, giảm chất lượng cuộc sống và thậm chí là tử vong. Gãy xương có thể xảy ra tự nhiên hoặc sau một chất thương nhẹ.

Các yếu tố dưới đây làm tăng nguy cơ gãy xương, độc lập với mật độ khoáng của xương:

  • Tuổi cao.
  • Chỉ số khối cơ thể thấp (BMI < 21 kg/m2) là nguy cơ đáng kể của gãy xương hông.
  • Tiền sử gãy xương do loãng xương trước đó là một yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ gãy xương, đặc biệt nguy cơ gãy xương cột sống tăng gần gấp đôi.
  • Tiền sử gãy xương hông ở bố mẹ.
  • Hút thuốc lá.
  • Sử dụng Corticoid đường uống với liều tương đương ≥ 5 mg Prednisone/ngày trong hơn 3 tháng.
  • Uống rượu: ≥ 3 đơn vị cồn/ngày.
  • Viêm khớp dạng thấp: độc lập với mật độ khoáng của xương và việc sử dụng Corticoid.
Viêm khớp dạng thấp có thể làm tăng nguy cơ gãy xương
Viêm khớp dạng thấp có thể làm tăng nguy cơ gãy xương
  • Té ngã: người già yếu, người có tiền sử đột quỵ hoặc người đang sử dụng các thuốc làm giảm khả năng tỉnh táo có nguy cơ té ngã cao.

Gù lưng nghiêm trọng cũng là một biến chứng khác đáng nói của loãng xương. Khi gù lưng nặng, các xương sườn có thể cọ sát vào nhau và các tạng, cản trở hoạt động của nhiều tạng, đặc biệt là cản trở hoạt động của hệ hô hấp và tuần hoàn, từ đó có thể gây ra các bệnh lý hô hấp hoặc tim mạch mạn tính.

Chẩn đoán

Loãng xương được chẩn đoán bằng cách đo mật độ khoáng xương (BMD). BMD được đo bằng phương pháp DXA (do hấp thụ tia X năng lượng kép). Phép đo BMD tại xương hông hoặc xương cột sống thắt lưng được sử dụng để xác nhận chẩn đoán loãng xương, dự phòng gãy xương trong tương lai và giám sát bệnh nhân. Sự khác biệt giữa BMD của bệnh nhân và BMD của những phụ nữ trẻ trong độ tuổi 20-29 (chia cho độ lệch chuẩn [SD] của quần thể tham chiếu) cho ra T-score; so sánh BMD của một quần thể tham chiếu trưởng thành phù hợp về độ tuổi, giới tính và chủng tộc được gọi là Z-score. Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), loãng xương được chẩn đoán khi BMD thấp hơn 2.5 lần SD giá trị trung bình của phụ nữ trẻ khỏe mạnh (T-score < -2.5). Nếu T-score nằm trong khoảng giữa -1 và -2.5 lần SD, bệnh nhân được xác định là thiếu xương (khối lượng xương thấp). Loãng xương “nghiêm trọng” là loãng xương đã được xác định bằng T-score và ghi nhận một hoặc nhiều vết gãy các xương dễ gãy.

T-score chỉ nên sử dụng cho phụ nữ sau mãn kinh và đàn ông từ 50 tuổi trở lên. Với phụ nữ trước mãn kinh, đàn ông trước 50 tuổi và trẻ em, không nên áp dụng phân loại chẩn đoán BMD theo định nghĩa của WHO. Hiệp hội Quốc tế về Đo mật độ Lâm sàng (The International Society for Clinical Densitometry [ISCD]) khuyến nghị sử dụng Z-score có điều chỉnh theo chủng tộc hoặc dân tộc: Z-score từ -2 trở xuống là thấp hơn khoảng dự kiến của độ tuổi đó và Z-score trên -2 là nằm trong khoảng dự kiến của độ tuổi đó.

Chỉ định đo BMD:

Người trên 50 tuổi:

  • Đàn ông và phụ nữ ≥ 65 tuổi.
  • Phụ nữ sau mãn kinh và nam giới từ 50-64 tuổi có yếu tố nguy cơ lâm sàng của gãy xương: gãy xương dễ gãy sau 40 tuổi, sử dụng các thuốc Corticoid kéo dài, sử dụng các thuốc có nguy cơ cao khác, gãy xương cột sống, hình ảnh thiếu xương trên phim X-quang, các rối loạn khác liên quan chặt chẽ đến loãng xương, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, khối lượng cơ thể thấp hoặc mất khối lượng nhiều (> 10% khối lượng cơ thể từ tuổi 25), viêm khớp dạng thấp, gãy xương hông ở bố mẹ.

Người dưới 50 tuổi: Gãy xương dễ gãy, thiểu năng sinh dục hoặc mãn kinh sớm (< 45 tuổi), hội chứng kém hấp thu, sử dụng các thuốc Corticoid kéo dài (sử dụng tích lũy ít nhất ba tháng ở năm trước với liều tương đương ≥ 7.5 mg Prednisone/ngày), sử dụng các thuốc có nguy cơ cao khác (thuốc ức chế aromatase, thuốc kháng androgen, sử dụng thiazolidinedione, thuốc ức chế bơm proton), cường tuyến cận giáp nguyên phát, các rối loạn khác liên quan chặt chẽ đến mất khối lượng xương nhanh và/hoặc gãy xương.

Công cụ đánh giá nguy cơ gãy xương FRAX:

Thang điểm FRAX là thang điểm đánh giá nguy cơ gãy xương lớn (như xương hông, xương đốt sống, xương cẳng tay, đầu xương cánh tay) do loãng xương 10 năm. Bệnh nhân có thể tự đánh giá nguy cơ của mình thông qua trang web https://www.sheffield.ac.uk/FRAX/. Các yếu tố nguy cơ lâm sàng được sử dụng trong thang FRAX:

  • Tuổi hiện tại.
  • Giới tính.
  • Gãy xương do loãng xương trước đó (bao gồm cả gãy đốt sống lâm sàng không triệu chứng).
  • BMD cổ xương đùi.
  • BMI thấp (< 21 kg/m2).
  • Dùng Corticoid đường uống liều tương đương ≥ 5 mg Prednisone/ngày trong hơn 3 tháng (từ trước đến nay).
  • Viêm khớp dạng thấp.
  • Tiền sử gãy xương hông ở bố mẹ.
  • Nguyên nhân thứ phát gây loãng xương: đái tháo đường type 1, mãn kinh sớm trước 40 tuổi…
  • Hút thuốc trong quá khứ hoặc hiện tại.
  • Sử dụng rượu (≥ 3 ly/ngày).

Xác suất gãy xương lớn 10 năm được tính toán khác nhau ở mỗi quốc gia. Do trang web không có phần tính toán dành cho người Việt Nam, người bệnh có thể sử dụng công thức tính toán dành cho người Trung Quốc để thay thế.

Chú ý: Gãy đốt sống có thể được chẩn đoán là loãng xương kể cả khi không đo BMD và được bác sĩ chỉ định thuốc điều trị loãng xương để giảm nguy cơ gãy xương sau này. Gãy đốt sống nếu không được phát hiện có thể làm thay đổi phân loại chẩn đoán, từ đó thay đổi tính toán nguy cơ gãy xương trong tương lai cũng như ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Bất kể tuổi tác, các yếu tố nguy cơ cũng như BMD của bệnh nhân, gãy đốt sống được xác nhận bằng phim chụp X-quang là dấu hiệu cho thấy sự suy giảm chất lượng và độ cứng của xương cũng như dự báo mạnh về gãy các đốt sống tiếp theo và gãy các xương khác.

Chụp đốt sống:

Gãy đốt sống không triệu chứng rất phổ biến ở bệnh nhân cao tuổi, đòi hỏi chụp đốt sống bằng X-quang nghiêng đốt sống thắt lưng và ngực hoặc kĩ thuật VFA trong các máy DXA. Chụp đốt sống nghiêng sử dụng X-quang thông thường hoặc VFA đo tỷ trọng được chỉ định khi T-score < -1 ở cột sống, toàn bộ hông, cổ xương đùi và một số vị trí khác, cụ thể:

  • Phụ nữ tuổi ≥ 70 hoặc đàn ông tuổi ≥ 80.
  • Sự chênh lệch giữa chiều cao hiện tại và chiều cao đỉnh ở tuổi 20 ≥ 4 cm (> 1.5 inches).
  • Gãy đốt sống trước đó tự báo cáo nhưng không có tài liệu ghi chép lại.
  • Giảm chiều cao (chênh lệch giữa số đo chiều cao hiện tại và chiều cao được ghi nhận trước đó) ≥ 2 cm (0.8 inch).
  • Sử dụng Corticoid dài hạn hiện tại hoặc gần đây (liều tương đương ≥ 5 mg Prednisone/ngày trong tối thiểu 3 tháng).
  • Nếu không thể đo BMD, có thể xem xét chụp ảnh đốt sống chỉ dựa trên độ tuổi.

Các marker chu chuyển xương (BTM):

Chu chuyển xương là quá trình xảy ra trong suốt cuộc đời để sửa chữa các tổn thương cũng như duy trì cân bằng khoáng nội môi. Các marker hóa sinh của chu chuyển xương bao gồm các marker tiêu xương, cụ thể là collagen telopeptide type-I đầu C trong huyết thanh (s-CTX) và N-telopeptide trong nước tiểu (NTX), và marker tạo xương, như propeptide đầu N procollagen type-I trong huyết thanh (s-PINP), có thể cung cấp thông tin về nguy cơ gãy xương độc lập với BMD và dự đoán tốc độ mất xương nhanh ở những bệnh nhân không được điều trị. Các marker này có thể nâng cao tính chính xác trong thuật toán đánh giá nguy cơ gãy xương và dự đoán đáp ứng với điều trị.

Tổ chức Loãng xương Quốc tế (IOF) và Liên đoàn Quốc tế về Hóa học Lâm sàng và Y học Phòng thí nghiệm (IFCC) đã khuyến cáo rằng marker tạo xương (s-PINP) và marker tiêu xương (s-CTX) nên được sử dụng làm marker tham chiếu và được định lượng bằng các xét nghiệm chuẩn hóa trong các nghiên cứu quan sát cũng như can thiệp.

Các xét nghiệm dưới đây có thể được bác sĩ chỉ định để loại trừ loãng xương thứ phát:

  • Công thức máu toàn bộ (CBC).
  • Creatinine, calci, phospho và magnesi huyết thanh.
  • Alanine aminotransferase (ALT), aspartate aminotransferase (AST) và phosphatase kiềm (ALP).
  • Hormone kích thích tuyến giáp (TSH) và T4 tự do (FT4).
  • Vitamin D hoặc 25-hydroxyvitamin D.
  • Hormone tuyến cận giáp (PTH).
  • Tổng testosterone và gonadotropin ở nam giới trẻ tuổi.
  • Các marker chu chuyển xương.

Ở một số bệnh nhân cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm khác:

  • Điện di protein huyết thanh (SPEP), cố định miễn dịch huyết thanh hoặc định lượng các chuỗi nhẹ tự do trong huyết thanh.
  • Kháng thể transglutaminase mô (IgA và IgG).
  • Nồng độ sắt và ferritin.
  • Homocysteine.
  • Prolactin.
  • Tryptase.
  • Calci niệu 24 giờ.
  • Điện di protein nước tiểu (UPEP).
  • Nồng độ cortisol tự do trong nước tiểu.
  • Histamine niệu.

Điều trị

Tiếp cận bệnh nhân:

Khám bệnh sử và thực thể chi tiết, cùng với đánh giá BMD, chụp đốt sống để chẩn đoán gãy đốt sống (nếu phù hợp) và tính xác suất nguy cơ gãy xương 10 năm theo WHO được sử dụng để xác định nguy cơ gãy xương của từng bệnh nhân.

Tất cả phụ nữ sau mãn kinh và đàn ông từ 50 tuổi trở lên nên được đánh giá nguy cơ loãng xương để xác định sự cần thiết của test BMD và/hoặc chụp đốt sống. Bệnh nhân càng có nhiều yếu tố nguy cơ thì nguy cơ gãy xương càng cao. Loãng xương là một bệnh có thể điều trị và phòng ngừa được, tuy nhiên do bệnh thường có diễn biến thầm lặng, không có triệu chứng báo trước cho đến khi gãy xương, nên bệnh nhân thường đến khám bác sĩ khi bệnh đã nặng, bỏ lỡ giai đoạn điều trị đầu của bệnh.

Điều trị không dùng thuốc:

Bổ sung calci: Nồng độ calci huyết thanh thấp sẽ kích thích tuyến cận giáp sản xuất ra hormone PTH nhằm chuyển calci từ xương vào máu (thúc đẩy quá trình tiêu xương), từ đó làm trầm trọng hơn tình trạng loãng xương. Người cao tuổi đặc biệt dễ bị thiếu calci. Lượng calci nguyên tố nạp vào cơ thể hàng ngày được khuyến nghị là 1000 mg/ngày với đàn ông 50-70 tuổi và 1200 mg/ngày với phụ nữ trên 50 tuổi và đàn ông trên 70 tuổi.

Bổ sung Calci cho các bệnh nhân bị loãng xương
Bổ sung Calci cho các bệnh nhân bị loãng xương

Tất cả các chế phẩm chứa calci đều được hấp thu tốt hơn khi dùng cùng thức ăn, vì khi này pH của dịch vị không quá thấp. Lượng calci nguyên tố không nên vượt quá 500-600 mg mỗi liều để tối ưu hấp thu. Calci carbonate (CaCO3) là loại calci rẻ tiền nhất và có hàm lượng calci nguyên tố cao nhất, nhưng nó có thể gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa. Calci citrate có hàm lượng calci nguyên tố thấp hơn và đắt tiền hơn, nhưng hấp thu không phụ thuộc vào acid dịch vị và không gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa. Một số loại thực phẩm chứa nhiều oxalate có thể làm giảm hấp thu calci. Tiêu thụ quá 1200-1500 mg calci nguyên tố/ngày có thể gây ra các vấn đề như sỏi thận, bệnh tim mạch và đột quỵ.

Bổ sung vitamin D: Vitamin D cần thiết cho sự hấp thu calci. Liều vitamin D được khuyến nghị là 600 IU/ngày ở người dưới 70 tuổi và 800 IU/ngày ở người từ 70 tuổi trở lên. Các nguồn cung cấp vitamin D chính trong chế độ ăn uống bao gồm sữa giàu vitamin D, nước trái cây, ngũ cốc, cá nước mặn và gan. Có thể sử dụng vitamin D2 (ergocalciferol) hoặc D3 (cholecalciferol).

Những bệnh nhân cao tuổi có nguy cơ thiếu vitamin D bao gồm: bệnh nhân có vấn đề về hấp thu (ví dụ: bệnh celiac) hoặc các bệnh đường ruột khác (như bệnh viêm đường ruột, phẫu thuật nối tắt dạ dày), thiếu máu ác tính, sử dụng thuốc ức chế bơm proton (PPIs), bệnh gan hoặc thận mạn, sử dụng thuốc làm tăng phá hủy vitamin D (ví dụ: một số thuốc chống co giật), sử dụng Corticoid (làm giảm hấp thu calci), bệnh nhân mạn tính nội trú, những người ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, da rất sẫm màu hoặc những người béo phì.

Nồng độ 25-hydroxyvitamin D nên được định lượng ở những bệnh nhân có nguy cơ thiếu vitamin D. Cần bổ sung vitamin D sao cho nồng độ 25-hydroxyvitamin D đạt đến ngưỡng 30 ng/mL (75 nmol/L). Nhiều bệnh nhân loãng xương có thể sẽ cần bổ sung vitamin D nhiều hơn so với khuyến cáo chung. Giới hạn trên an toàn với người trưởng thành là 4000 IU/ngày.

Hạn chế đồ uống có cồn: Lạm dụng rượu bia có thể dẫn đến tăng nguy cơ té ngã, thiếu calci, bệnh gan mạn tính (dẫn tới thiếu vitamin D). Người có nguy cơ loãng xương được khuyến cáo không nên uống nhiều hơn 7 ly/tuần, trong đó 1 ly tương đương với 120 mL rượu vang, 30 mL rượu mạnh hoặc 260 mL bia.

Hạn chế caffeine: Lượng caffeine nạp vào cơ thể không nên vượt quá 1-2 khẩu phần (một khẩu phần chứa 226.8-340.2 g) mỗi ngày. Có một vài nghiên cứu cho thấy mối tương quan giữa sử dụng caffeine và gãy xương.

Tập thể dục: Nên áp dụng các bài tập dựa trên cân nặng thường xuyên (ví dụ: đi bộ 30-40 phút mỗi buổi tập) cùng với các bài tập tư thế lưng vài phút mỗi buổi trong tất cả các buổi tập. Tập luyện giúp gia tăng khối lượng xương.

Tập thể dục giúp tăng khối lượng xương
Tập thể dục giúp tăng khối lượng xương

Ở người cao tuổi, tập thể dục giúp giảm mất xương, cải thiện khả năng thăng bằng cũng như tăng sức mạnh cơ bắp, từ đó làm giảm nguy cơ té ngã. Người bệnh nên tránh các bài tập gập người về phía trước, uốn cong nghiêng người về một bên hoặc nâng vật nặng vì các bài tập này có thể gây chèn ép đốt sống, dẫn đến gãy xương.

Phòng tránh té ngã: Đây là nguyên nhân gây ra hầu hết các ca gãy xương ở bệnh nhân loãng xương. Các biện pháp phòng tránh té ngã được trình bày ở phần Dự phòng.

Điều trị bằng thuốc:

Phụ nữ sau mãn kinh và đàn ông từ 50 tuổi trở lên nên được xem xét điều trị bằng thuốc nếu có những biểu hiện dưới đây:

  • Gãy xương hông hoặc xương đốt sống (biểu hiện trên lâm sàng hoặc chẩn đoán hình ảnh): Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những bệnh nhân này có thể giảm nguy cơ gãy xương khi được điều trị bằng thuốc, bất kể T-score là bao nhiêu.
  • Xác định gãy xương khi T-score ≤ -2.5 ở cổ xương đùi, toàn bộ xương hông hoặc cột sống thắt lưng.
  • Khối lượng xương thấp (T-score từ -1 đến -2.5 ở cổ xương đùi hoặc cột sống thắt lưng) và xác suất gãy xương hông 10 năm ≥ 3% hoặc xác suất gãy xương lớn liên quan đến loãng xương 10 năm ≥ 20%.
  • Mục tiêu chính của điều trị loãng xương:
  • Ngăn ngừa gãy xương bằng cách cải thiện độ cứng của xương, giảm nguy cơ té ngã và chấn thương.
  • Giảm các triệu chứng của gãy xương và biến dạng xương.
  • Duy trì chức năng thể chất bình thường.

Hầu hết các thuốc điều trị loãng xương có tác dụng chính là chống tiêu xương. Chúng bao gồm Estrogen, các Bisphosphonate như Alendronate, Risedronate, Ibandronate và Zoledronic acid, chất điều biến thụ thể estrogen chọn lọc (SERM) như Raloxifene, kháng thể đơn dòng người chống lại sự hoạt hóa thụ thể của phối tử NF-κB (RANKL) Denosumab và Strontium ranelate.

Thuốc chứa Alendronate
Hình ảnh: Thuốc chứa Alendronate
Thuốc Loãng xương sau mãn kinh Loãng xương do Corticoid Loãng xương ở nam giới
Estrogen Phòng ngừa _ _
Denosumab Điều trị _ _
Raloxifene Phòng ngừa & Điều trị _ _
Ibandronate Phòng ngừa & Điều trị _ _
Alendronate Phòng ngừa & Điều trị Điều trị Điều trị
Risedronate Phòng ngừa & Điều trị Phòng ngừa & Điều trị Điều trị
Zoledronic acid Phòng ngừa & Điều trị Phòng ngừa & Điều trị Điều trị
Strontium ranelate Phòng ngừa Phòng ngừa & Điều trị _
Teriparatide Điều trị Điều trị Điều trị

Tất cả các thuốc trên đều làm tăng khối lượng xương, nhưng chỉ có Alendronate, Risedronate, Zoledronic acid và Strontium ranelate cho thấy tác dụng làm giảm nguy cơ gãy xương hông và xương đốt sống đồng thời. Các thuốc còn lại chỉ cho thấy tác dụng làm giảm nguy cơ gãy xương đốt sống. Tất cả các thuốc chống tiêu xương đều không kích thích tạo xương. Hiện tại chỉ có hai thuốc đồng hóa có tác dụng kích thích tạo xương là Teriparatide và Romosozumab. Chúng cũng đồng thời có tác dụng gây tiêu xương một phần.

Bisphosphonate là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến nhất để điều trị loãng xương. Alendronate được sử dụng trong phòng ngừa và điều trị các trường hợp loãng xương sau mãn kinh, điều trị loãng xương do Corticoid và loãng xương ở nam giới. Sau 4-5 năm điều trị, bệnh nhân có thể được ngừng thuốc 1-2 năm. Thời gian điều trị có thể lâu hơn với những trường hợp loãng xương nặng.

Risedronate có thời gian ngừng thuốc là 1 năm sau khoảng 7 năm điều trị. Hiệu quả và độ ăn toàn của Ibandronate vẫn chưa rõ. Zoledronic acid có ưu điểm hơn các thuốc khác ở chỗ nó chỉ cần sử dụng 1 lần/năm, 1 liều 5 mg truyền IV trong tối thiểu 15 phút.

Chỉ sử dụng các Bisphosphonate đường uống với nước lọc. Hấp thu của thuốc có thể dưới 1% nếu dùng thuốc cùng thức ăn hoặc đồ uống khác nước lọc. Không sử dụng các Bisphosphonate đường uống cho những bệnh nhân có bệnh đường tiêu hóa trên hoạt động, không có khả năng giữ tư thế thẳng trong 30-60 phút, các bất thường về giải phẫu hoặc chức năng thực quản có thể làm chậm quá trình vận chuyển viên thuốc (do thuốc có thể gây loét thực quản), thiếu vitamin D, giảm calci huyết, quá mẫn cảm với thuốc là suy thận (thận trọng khi mức lọc cầu thận dưới 30 mL/phút với Risedronate và Ibandronate, dưới 35 mL/phút với Alendronate và Zoledronic acid). Zoledronic acid đường tĩnh mạch có thể gây sốt, đau cơ. Bệnh nhân có thể sử dụng Paracetamol để làm giảm triệu chứng. Bisphosphonate có thể gây ra các vấn đề về cơ, xương, khớp, hoại tử xương hàm. Alendronate có thể gây ra gãy xương không điển hình.

Raloxifene không được sử dụng cho phụ nữ có thai và những bệnh nhân có huyết khối tĩnh mạch.

Mặc dù liệu pháp thay thế estrogen được sử dụng để phòng ngừa loãng xương sau mãn kinh ở những người có nguy cơ đáng kể, Estrogen chưa bao giờ được phê duyệt để điều trị loãng xương.

Strontium ranelate chưa được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ chấp thuận, nhưng đã được Cơ quan Quản lý Dược Châu Âu (EMA) chấp thuận trong điều trị loãng xương ở nam giới với nguy cơ gãy xương cao.

Với Denosumab, các tác dụng không mong muốn có thể gặp phải bao gồm nhiễm trùng nghiêm trọng, viêm da, phát ban và eczema. Hoại tử xương hàm cũng đã được báo cáo. Hiệu lực và an toàn sau 6 năm của Denosumab vẫn chưa được thiết lập.

Thuốc tiêm Denosumab
Hình ảnh: Thuốc tiêm Denosumab

Teriparatide (PTH người tái tổ hợp 1-34) được sử dụng khi các liệu pháp điều trị trước thất bại hoặc không dung nạp. Cần định lượng nồng độ calci, PTH và 25-hydroxyvitamin D huyết thanh trước khi điều trị. Chống chỉ định ở những bệnh nhân có nguy cơ cao bị sarcoma xương (bệnh Paget ở xương), đầu xương hở, tiền sử chiếu xạ xương, tăng ALP không rõ nguyên nhân có nguồn gốc từ xương, cường cận giáp chưa được điều trị.

Hiện nay, Calcitonin không còn được sử dụng trong điều trị loãng xương tại Việt Nam do những lo ngại về nguy cơ gây ung thư.

Không khuyến khích điều trị kết hợp thuốc trong bệnh loãng xương do tác dụng tổng thể không tăng đáng kể và các bằng chứng lâm sàng vẫn chưa rõ ràng.

Dự phòng

Chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh, hoa quả tươi và ngũ cốc nguyên hạt.

Sử dụng thực phẩm giàu calci và vitamin D.

Tránh hút thuốc.

Hạn chế rượu bia và các đồ uống có cồn khác.

Hạn chế caffeine.

Thường xuyên rèn luyện sức khỏe bằng các bài tập sử dụng trọng lượng cơ thể.

Tránh té ngã. Té ngã là một yếu tố nguy cơ quan trọng của gãy xương ở người cao tuổi. Các yếu tố dưới đây làm tăng nguy cơ té ngã:

  • Các yếu tố nguy cơ môi trường: thiếu các thiết bị hỗ trợ, thiếu các loại thảm hoặc sàn chống trơn trượt, thiếu ánh sáng, các chướng ngại vật trên đường đi hoặc đường đi trơn trượt.
  • Các yếu tố nguy cơ y tế: tuổi cao, lo lắng và kích động, tầm nhìn hạn chế, tình trạng mất nước, một số thuốc có tác dụng an thần (thuốc hướng thần, thuốc chống co giật, thuốc giảm đau opioid), thiếu vitamin D (nồng độ 25-hydroxyvitamin D huyết thanh  < 30 ng/mL [75 nmol/L]), suy dinh dưỡng, loạn nhịp tim, trầm cảm, hạ huyết áp tư thế đứng, đã từng té ngã trước đây hoặc sợ ngã, giảm khả năng giải quyết vấn đề, suy giảm trí tuệ hoặc giảm khả năng nhận thức, tiểu tiện không tự chủ.
  • Các yếu tố nguy cơ cơ xương khớp và thần kinh: gù cột sống, giảm khả năng di chuyển, khả năng giữ thăng bằng kém, giảm khả năng nhận cảm, giảm hoạt động sinh lý do không vận động lâu ngày, yếu cơ, nhược cơ, một số bệnh gây ra loãng xương thứ phát.

Các biện pháp dưới đây giúp ngăn ngừa té ngã ở người cao tuổi trong cộng đồng:

  • Có chương trình tập luyện thích hợp sau khi đã đánh giá các rủi ro té ngã.
  • Ngừng hoặc hạn chế sử dụng các thuốc có tác dụng an thần (ví dụ: thuốc an thần, thuốc giải lo âu, thuốc chống trầm cảm) và thuốc chống loạn thần.
  • Điều trị đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, tăng nhãn áp.
  • Điều trị hạ huyết áp tư thế đứng.
  • Điều trị các vấn đề về tim, đặc biệt là loạn nhịp tim.
  • Tập luyện thể dục dưới hình thức rèn luyện sức bền, khả năng thăng bằng, dáng đi và khả năng phối hợp.
  • Sử dụng có chọn lọc các dụng cụ chỉnh hình có thể giúp giảm sự khó chịu, ngăn ngừa té ngã và gãy xương.
  • Khuyến khích bệnh nhân đi giày đế thấp.
  • Sử dụng các loại thảm chống trơn trượt trong nhà (phải cố định thảm).
  • Giảm thiểu tối đa sự lộn xộn trong nhà.
  • Lắp đặt tay vịn trong phòng tắm, sảnh, cầu thang dài.
  • Chiếu sáng lối vào, hành lang, sảnh, cầu thang bộ.

Tài liệu tham khảo

Sözen T, Özışık L, Başaran NÇ. An overview and management of osteoporosis. Eur J Rheumatol. 2017; 4(1): 46-56. doi: 10.5152/eurjrheum.2016.048.

Available from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5335887/

Akkawi I, Zmerly H. Osteoporosis: Current Concepts. Joints. 2018; 6(2): 122-127. Published 2018 Jun 14. doi: 10.1055/s-0038-1660790.

Available from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6059859/

Xem thêm:

Ngày viết:
Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *