Viêm phế quản: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, cách điều trị

Xuất bản: UTC +7

Viêm phế quản là gì?

Viêm phế quản (bronchitis) là một bệnh lý được đặc trưng bởi tình trạng viêm ở phế quản dẫn đến ho và tăng tiết đờm. Viêm phế quản thường được phân loại thành viêm phế quản cấp và viêm phế quản mạn. Hai hình thái này khác nhau về nguyên nhân, sinh lý bệnh cũng như cách điều trị.

Phân loại

Viêm phế quản cấp là một dạng nhiễm trùng đường hô hấp dưới, thường kéo dài từ 1-3 tuần, với ho là triệu chứng nổi bật. Ngoài ho, bệnh nhân cũng có tăng tiết đờm, mệt mỏi, đau nhức cơ thể. Mặc dù chỉ có một tỷ lệ nhỏ các trường hợp lâm sàng xác định được nguyên nhân chính xác, nhưng việc định danh vi sinh vật gây bệnh có thể được sử dụng để phân loại viêm phế quản cấp.

Những đối tượng có nguy cơ cao phát triển viêm phế quản cấp là người rất trẻ, người già, người hút thuốc lá, người suy giảm miễn dịch, người nghiện rượu và người có bệnh nền như đái tháo đường, bệnh tim mạch và bệnh phổi. Những người này cũng có nguy cơ cao hơn mắc các biến chứng của viêm phế quản cấp như viêm phổi.

Viêm phế quản mạn thường là một dạng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đặc trưng bởi tình trạng tắc nghẽn đường thở không hồi phục hoàn toàn và giảm luồng khí thở ra tối đa. Giai đoạn bệnh tiếp theo thường là khí phế thũng. Viêm phế quản được coi là mạn tính khi tình trạng ho có đờm xuất hiện ít nhất ba tháng trong hai năm liên tiếp và không thể được giải thích bằng nguyên nhân khác.

Nguyên nhân

Viêm phế quản cấp thường có nguyên nhân là virus liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp dưới, bao gồm virus cúm A và B, á cúm (parainfluenza), virus hợp bào hô hấp, virus gây viêm phổi ở người (human metapneumovirus), virus gây nhiễm trùng đường hô hấp trên như rhinovirus, coronavirus và adenovirus. Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phế quản cấp là virus cúm. Tỷ lệ viêm phế quản cấp do vi khuẩn rất nhỏ. Chlamydia pneumoniae là nguyên nhân gây ra một số đợt bùng phát viêm phế quản cấp, đặc biệt là ở người trưởng thành trẻ tuổi. Bordetella pertussis có thể gây ra các triệu chứng không điển hình dẫn đến các trường hợp viêm phế quản cấp kéo dài ở người lớn đã có miễn dịch trước đó. Ngoài ra, Mycoplasma pneumoniae cũng là một nguyên nhân được bổ sung cho viêm phế quản cấp do vi khuẩn. Có rất ít bằng chứng cho thấy nguyên nhân gây ra viêm phế quản cấp có thể là các chủng vi khuẩn thường gây viêm phổi (ví dụ: phế cầu Streptococcus pneumoniae).

Virus cúm là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh viêm phế quản
Virus cúm là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh viêm phế quản

Viêm phế quản mạn thường phát triển ở những người hút thuốc lá, khoảng 30-50% trong số này cuối cùng sẽ xuất hiện các triệu chứng của viêm phế quản mạn. Phơi nhiễm thụ động với khói thuốc cũng có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh. Các nguyên nhân có thể gây bệnh khác bao gồm phơi nhiễm với không khí ô nhiễm trong nhà hoặc ngoài trời, bụi nghề nghiệp (ví dụ: khai thác than đá, cadmi, kim loại nặng) hoặc các chất hóa học gây kích ứng (ví dụ: isocyanate, lưu huỳnh dioxide SO2). Những người có tiền sử nhiễm trùng phổi tái phát hoặc tăng phản ứng đường thở cũng có thể phát triển viêm phế quản mạn. Các đợt cấp của viêm phế quản mạn cũng thường có nguyên nhân từ virus tương tự như viêm phế quản cấp. Nồng độ bụi mịn hoặc ozone trong không khí cao cũng có liên quan đến các đợt cấp. Vai trò của vi khuẩn trong đợt cấp của viêm phế quản mạn cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Các vi khuẩn gây bệnh như Haemophilus influenzae, S. pneumoniae và Moraxella catarrhalis xuất hiện trong đờm của khoảng một nửa số bệnh nhân có đợt cấp nhưng cũng thường xuất hiện trong đờm ở giai đoạn bệnh ổn định. Các thử nghiệm lâm sàng đã chỉ ra rằng kháng sinh đem lại lợi ích cho khoảng 40% (hoặc ít hơn) những bệnh nhân trong đợt cấp. Tuy nhiên, với các phân nhóm có đờm mủ trong đợt cấp, mức độ loại trừ vi khuẩn có tương quan với mức độ giải quyết đợt cấp. Vai trò của vi khuẩn trong tiến triển của viêm phế quản mạn là không rõ ràng.

Dịch tễ

Viêm phế quản cấp là một bệnh lý khá phổ biến, thường xảy ra thành dịch và bùng phát vào mùa đông. Tỷ lệ mắc bệnh khoảng 50-60 trường hợp/1000 người/năm.

Theo một nghiên cứu từ năm 2001, số người Mỹ được chẩn đoán viêm phế quản mạn là 9.2 triệu người (tương đương 3.23% dân số thời điểm đó). Viêm phế quản mạn thường xuất hiện ở những người trên 40 tuổi. Bệnh này phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới ở tất cả các nhóm tuổi. Ở nhóm tuổi 25-44 và từ 65 trở lên, bệnh này phổ biến ở người da trắng hơn người da đen, nhóm tuổi 45-64 thì ngược lại.

Sinh bệnh học

Giai đoạn cấp của viêm phế quản kéo dài từ 1-5 ngày và bao gồm các triệu chứng sốt, mệt mỏi và đau cơ. Để đối phó với sự xâm nhập của virus, các tế bào biểu mô đường thở, tế bào đơn nhân và đại thực bào giải phóng ra các cytokine giúp tập hợp và hoạt hóa các tế bào miễn dịch.

Ví dụ trong viêm phế quản cấp do virus cúm A, các chemokine được kích thích giải phóng bao gồm RANTES, protein gây hóa ứng động tế bào đơn nhân-1 (MCP-1) và protein gây viêm của đại thực bào-1α (MIP-1α), các cytokine tiền viêm như yếu tố hoại tử khối u-α (TNF-α), interleukin-1β (IL-1β), IL-6 và IL-18, và các cytokine chống virus như interferon-α (IFN-α) và IFN-β. Bạch cầu đa nhân trung tính là một trong những tế bào đầu tiên có mặt tại biểu mô khí quản, số lượng của chúng tăng lên tương quan với sự phát triển của tăng đáp ứng đường thở. Bạch cầu lympho T được hoạt hóa bởi RANTES và các cytokine khác của tế bào đơn nhân. Bạch cầu ái toan có thể tồn tại nhiều tuần sau nhiễm trùng lần đầu tiên.

Ở viêm phế quản mạn, quá trình bệnh bắt đầu khi tổn thương đường hô hấp gây viêm và tái cấu trúc biểu mô đường thở, dẫn đến tăng tiết chất nhầy, tắc nghẽn đường thở và tăng tính nhạy cảm với sự xâm nhập của vi khuẩn. Sự hiện diện của vi khuẩn gây bệnh trong phổi là nguyên nhân phổ biến gây ra đợt cấp của viêm phế quản mạn và cũng có thể liên quan đến sự tiến triển của bệnh. Tình trạng viêm và nhiễm trùng tái diễn liên tục tạo ra thêm các tổn thương mô, kéo dài tình trạng viêm và tái cấu trúc đường thở.

Viêm phế quản mạn khởi đầu khi phơi nhiễm lặp lại với khói thuốc lá, các chất gây kích ứng phổi và/hoặc nhiễm trùng tạo ra tổn thương ở các đường hô hấp lớn. Sự tập hợp các tế bào viêm là kết quả của sự điều hòa lên các phân tử bám dính như ICAM-1 và E-selectin trên các mạch máu dưới biểu mô. Bạch cầu đa nhân trung tính là loại tế bào chiếm ưu thế trong lòng đường thở. Đại thực bào và bạch cầu lympho T-CD8+ là những tế bào chiếm ưu thế dưới biểu mô. Bạch cầu ái toan phổ biến ở lớp dưới biểu mô trong đợt cấp của viêm phế quản mạn, trong bệnh nặng còn có một lượng lớn bạch cầu đa nhân trung tính. Bạch cầu đa nhân trung tính giải phóng các loại oxy phản ứng như superoxide và peroxynitrite, gây thêm tổn thương mô và viêm. Nồng độ các phân tử tiền viêm như IL-8, LTB4 và TNF-α tăng cao, nồng độ IL-10 chống viêm giảm trong đờm của những bệnh nhân viêm phế quản mạn. Nồng độ các cytokine kích thích tiết nhầy IL-4 và IL-13 cũng tăng. Các bạch cầu đa nhân trung tính trong đường hô hấp còn giải phóng elastase, một serine protease làm tăng sản xuất chất nhầy và kích thích sự tăng sinh của các tế bào tạo nhầy. Các tế bào biểu mô hình trụ có lông chuyển được thay thế bằng các tế bào biểu mô vảy (sự chuyển sản). Nhìn chung, sự tăng tiết và giảm thanh thải chất nhầy ở phế quản dẫn đến tắc nghẽn đường thở, kích ứng và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Trong viêm phế quản mạn, thành đường thở còn có thể xơ hóa, giảm độ đàn hồi, cơ trơn tiểu phế quản phì đại làm hạn chế thông khí. Ở động mạch phổi, viêm phế quản mạn làm tăng sinh các tế bào cơ trơn, lắng đọng các sợi đàn hồi và collagen. Điều này có thể là kết quả của rối loạn chức năng nội mô do giảm oxy máu hoặc các nguyên nhân khác. Tăng huyết áp động mạch phổi xảy ra là kết quả của hẹp động mạch phổi, thất phải có thể phình to do phải bơm máu chống lại áp lực động mạch tăng cao, lâu ngày dẫn tới suy tim phải.

Triệu chứng

Giai đoạn cấp tính của viêm phế quản: sốt, khó chịu và đau cơ. Các triệu chứng có thể thay đổi mức độ và thời gian, phụ thuộc vào bản chất của tác nhân gây bệnh. Ví dụ: với nguyên nhân là rhinovirus, bệnh hầu như không có triệu chứng, trong khi với các nguyên nhân là virus cúm hoặc á cúm, các triệu chứng thường kéo dài và nghiêm trọng. Giai đoạn kéo dài của viêm phế quản cấp kéo dài 1-3 tuần, bao gồm ho, tăng tiết đờm và khò khè.

Sốt lá một triệu chứng của bệnh viêm phế quản
Sốt lá một triệu chứng của bệnh viêm phế quản

Viêm phế quản mạn là biểu hiện của COPD sẽ có ho và tăng tiết đờm, có hoặc không có thở khò khè. Đợt cấp có ho, tiết đờm và thở khò khè tăng lên, xét nghiệm đờm là cần thiết. Bệnh nhân có thể có khó thở đáng kể khi tập thể dục, và khi bệnh tiến triển, khó thở xuất hiện kể cả khi nghỉ ngơi. Sự thiếu oxy máu mạn tính có thể dẫn đến tăng số lượng hồng cầu trong công thức máu. Trong các trường hợp viêm phế quản mạn nặng, hình ảnh X-quang có thể cho thấy phì đại thất phải.

Biến chứng

Bệnh nhân mắc viêm phế quản có thể bị các nhiễm trùng khác như viêm viêm xoang, viêm tai giữa hoặc hiếm hơn là viêm phổi do virus gây viêm phế quản hoặc do vi khuẩn thứ phát.

Viêm phế quản cấp do cúm có thể gây ra một biến chứng hiếm gặp là viêm cơ và nguy hiểm hơn là có thể gây ra tiêu cơ vân cấp (ly giải cơ vân) dẫn đến suy thận cấp và tử vong.

Hội chứng Reye có thể xảy ra ở trẻ em bị viêm phế quản do virus cúm, đặc biệt khi trẻ được cho dùng Aspirin. Nhiễm trùng đường hô hấp dưới do virus trong thời kỳ đầu đời có liên quan đến sự phát triển của hen phế quản sau này.

Không giống như viêm phế quản cấp sẽ khỏi sau khi nguyên nhân gây nhiễm trùng được loại trừ, viêm phế quản mạn thường xấu đi theo thời gian, ngay cả khi được điều trị tối ưu. Ngừng phơi nhiễm với tác nhân kích thích (ví dụ: khói thuốc lá) có thể làm chậm tiến triển của viêm phế quản mạn.

Viêm phế quản mạn lâu dài sẽ dẫn tới khó thở, ban đầu bệnh nhân chỉ khó thở khi vận động, nhưng khi bệnh nặng hơn, khó thở xuất hiện kể cả khi nghỉ ngơi. Rối loạn chức năng phổi có thể dẫn tới tăng huyết áp động mạch phổi, phì đại thất phải và suy tim phải.

Viêm phế quản mạn lâu dài sẽ dẫn tới khó thở
Viêm phế quản mạn lâu dài sẽ dẫn tới khó thở

Chẩn đoán

Trong thời kì đầu của bệnh, phân biệt viêm phế quản với cảm lạnh thông thường khá khó. Bác sĩ sẽ khai thác kĩ bệnh sử của bệnh nhân cũng như tiến hành khám thực thể, chủ yếu bằng nghe phổi. Khai thác tốt bệnh sử sẽ giúp định hướng tình trạng viêm phế quản ở bệnh nhân là cấp hay mạn tính.

Chẩn đoán phân biệt với viêm phổi: trong viêm phổi, nghe phổi thấy có rale (ví dụ: rale rít) và dấu hiệu sinh tồn bất thường (nhịp tim > 100 nhịp/phút, nhịp thở > 24 lần/phút và nhiệt độ > 38°C). X-quang phổi thường không cần thiết, nhưng vẫn có thể được sử dụng.

Xét nghiệm đờm có thể giúp bác sĩ tìm virus, vi khuẩn hay yếu tố gây dị ứng. Tìm thấy vi khuẩn trong đờm chưa thể khẳng định được căn nguyên gây viêm phế quản là vi khuẩn.

Hô hấp kí có thể được sử dụng để kiểm tra chức năng phổi của bệnh nhân, đặc biệt khi nghi ngờ bệnh nhân mắc hen phế quản, COPD hoặc khí phế thũng.

Điều trị

Viêm phế quản cấp

Viêm phế quản cấp thường tự giới hạn và trong đa phần các trường hợp chỉ cần điều trị triệu chứng, thậm chí bệnh có thể không cần điều trị.

Để điều trị triệu chứng ho có đờm, trước khi sử dụng thuốc, người bệnh có thể sử dụng một số dược liệu như gừng hay mật ong. Các thuốc điều trị ho và long đờm như Codeine, Dextromethorphan và Guaifenesin có thể được sử dụng trong thực hành lâm sàng, nhưng hiện tại không có thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên nào đánh giá hiệu lực của chúng trong viêm phế quản cấp. Nên tránh sử dụng Codeine do khả năng gây nghiện và ức chế trung tâm hô hấp của nó. Codeine bị chống chỉ định cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Thuốc Dextromethorphan
Hình ảnh: Thuốc Dextromethorphan

Nếu viêm phế quản cấp đi kèm với tình trạng thở khò khè, thuốc chủ vận β2 giao cảm như Salbutamol có thể được sử dụng. Tuy nhiên, dữ liệu về việc sử dụng liệu pháp giãn phế quản này còn thiếu.

Các triệu chứng khó chịu, đau cơ và sốt có thể được giải quyết bằng các thuốc giảm đau hạ sốt như Paracetamol hoặc các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs). Các thuốc nhóm Corticoid như Prednisone, Prednisolone và Methylprednisolone cũng có thể giúp giảm viêm, nhưng không có đủ bằng chứng cho thấy lợi ích của chúng.

Khuyến cáo: KHÔNG NÊN sử dụng kháng sinh trong viêm phế quản cấp đơn giản ở người lớn khỏe mạnh. Lạm dụng kháng sinh trong điều trị viêm phế quản cấp có thể dẫn đến gia tăng chi phí, tình trạng kháng kháng sinh cũng như tăng khả năng gặp phải các tác dụng không mong muốn. Liệu pháp kháng sinh chỉ được sử dụng khi xác định được nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn. Trong trường hợp chẩn đoán viêm phế quản cấp là không chắc chắn, procalcitonin có thể hữu ích trong việc ra quyết định sử dụng kháng sinh.

Với những bệnh nhân nhiễm cúm, các thuốc kháng virus Oseltamivir hoặc Zanamivir nên được bắt đầu điều trị sớm.

Viêm phế quản mạn

Mục đích điều trị: giảm triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng, làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Mục tiêu chính: giảm sản xuất chất nhầy, kiểm soát tình trạng viêm, giảm ho.

Biện pháp không dùng thuốc:

Cai thuốc lá là quan trọng nhất. Tiếp theo đó, bệnh nhân cần được giáo dục, thay đổi lối sống, hoạt động thể chất thường xuyên và tránh tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong môi trường sống hoặc nơi làm việc.

Biện pháp dùng thuốc:

  • Thuốc giãn phế quản: Thuốc chủ vận β2 giao cảm và thuốc đối kháng thụ thể muscarinic như Ipratropium bromide có thể giúp thông thoáng đường thở, cải thiện chức năng hệ thống lông chuyển và giảm tiết chất nhầy.
Thuốc Ipratropium bromide
Hình ảnh: Thuốc Ipratropium bromide

Các thuốc chủ vận β2 có thể gây ra nhịp tim nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực do tác dụng của nó trên các thụ thể β1 ở tim. Các thuốc đối kháng thụ thể muscarinic có thể gây ra các tác dụng phụ khô miệng, nhìn mờ, táo bón, bí tiểu do đối kháng thụ thể M hệ phó giao cảm ở các vị trí khác.

  • Corticoid: Thuốc giúp giảm viêm và giảm tiết chất nhầy. Corticoid dạng hít giúp giảm các đợt cấp và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần được giám sát nghiêm ngặt và chỉ sử dụng trong thời gian ngắn để tránh các tác dụng không mong muốn như tăng đường huyết, rối loạn lipid máu và tái phân bố mỡ, loãng xương, loét dạ dày – tá tràng (khi phối hợp với các NSAIDs), ức chế trục dưới đồi – tuyến yên – thượng thận (HPA) và suy thượng thận…
  • Kháng sinh: Kháng sinh thường không được chỉ định trong viêm phế quản mạn trừ khi xác định được nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn. Liệu pháp Macrolide, đặc biệt là Azithromycin đã được chứng minh là có đặc tính chống viêm và điều biến miễn dịch, có thể đóng vai trò trong điều trị viêm phế quản mạn.
  • Thuốc ức chế phosphodiesterase (PDE)-4 (Roflumilast): Thuốc có tác dụng giảm viêm và giãn cơ trơn phế quản do ngăn chặn sự thủy phân của adenosine monophosphate vòng (cAMP).

Dự phòng

Thay đổi lối sống: Không hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc với các chất gây dị ứng, chất ô nhiễm…

Tiêm vaccin phòng cúm hàng năm và vaccin phòng phế cầu mỗi năm năm được khuyến khích cho người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 2 tuổi (trên 6 tháng tuổi), phụ nữ mang thai, những người già sống trong các viện dưỡng lão hoặc cơ sở chăm sóc y tế dài hạn.

Tài liệu tham khảo

Woodfork K. Bronchitis. xPharm: The Comprehensive Pharmacology Reference. 2007; 1-13. doi: 10.1016/B978-008055232-3.63026-0.

Available from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7151913/

Anumeha Singh, Akshay Avula, Elise Zahn. Acute Bronchitis. StatPearls. 2021.

Available from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK448067/

Allen Widysanto, George Mathew. Chronic Bronchitis. StatPearls. 2021.

Available from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK482437/

Xem thêm: Hen phế quản: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị, dự phòng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *