Bệnh u nang buồng trứng là căn bệnh khá phổ biến hiện nay. Đây là căn bệnh diễn biến thầm lặng tuy nhiên biến chứng của bệnh này là khá nguy hiểm và có thể đe dọa tới tính mạng của người bệnh. Vì vậy hiểu biết rõ về căn bệnh là rất cần thiết với chị em phụ nữ. Bài đọc dưới đây sẽ giúp cho quý bạn đọc hiểu rõ được phần nào về căn bệnh này.
Bệnh u nang buồng trứng là gì?
Buồng trứng là cơ quan sinh sản quan trọng ở phụ nữ, vừa có chức năng nội tiết (tiết ra các nội tiết tố quyết định đặc điểm giới tính ở nữ, ảnh hưởng trực tiếp đến chu kỳ kinh nguyệt và mang thai ở phụ nữ), vừa có chức năng ngoại tiết (sản sinh ra noãn để tạo trứng, tham gia vào quá trình thụ tinh, tạo bào thai). Thông thường, mỗi người phụ nữ có hai buồng trứng, trọng lượng thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt.
Hiện nay, u nang buồng trứng là bệnh rất dễ gặp ở nữ giới đang trong độ tuổi sinh đẻ từ 20 đến 45 tuổi với tỷ lệ là 3,6% trong số các bệnh lý phụ khoa, nhiều hơn tỷ lệ mắc các khối u đường sinh dục khác và thường ít gặp ở phụ nữ tiền mãn kinh.
U nang buồng trứng là khối u có vỏ bọc ngoài (vỏ nang) trong có chứa dịch phát triển bất thường trên hoặc trong buồng trứng. Khối u có thể được tạo thành do mô khác thường của cơ quan khác, mô của buồng trứng hoặc dịch được tích tụ tạo thành một nang trên buồng trứng. U nang buồng trứng gặp ở tất cả các lứa tuổi, đa số là lành tính và nguy cơ ác tính của khối u tăng theo tuổi.
Có mấy loại u nang buồng trứng?
U nang buồng trứng được chia làm hai loại là: u nang cơ năng và u nang thực thể.
U nang cơ năng
U nang cơ năng là những khối u lành tính, có nguồn gốc từ nang bọc noãn, được sinh ra do sự rối loạn các hormon của buồng trứng (không phải do tổn thương về mặt giải phẫu tại buồng trứng). Chúng là những nang nhỏ, vỏ mỏng, căng nước, chỉ gặp ở những phụ nữ đang có hành kinh và tiến triển nhanh, tự mất đi sau khoảng thời gian từ 3-6 tháng.
Có 3 loại u nang cơ năng:
- Nang bọc noãn: là những nang noãn trưởng thành (hay còn gọi là nang De graff) nhưng không vỡ ra để phóng noãn như bình thường mà tiếp tục to lên từ 3-10 cm, tiếp tục tiết estrogen, do vậy mà làm bệnh nhân bị chậm kinh.
- Nang hoàng thể: Như đã nêu ở trên, các nang noãn khi chín sẽ giải phóng noãn và để lại vỏ nang. Vỏ nang thực chất được cấu tạo từ các tế bào hạt, khi đã phóng noãn thì vỏ nang trở thành hoàng thể, có chức năng bài tiết progesteron. Progesteron có vai trò vô cùng quan trọng nếu như trứng được thụ tinh, nó có nhiệm vụ giữ cho tử cung không co bóp, kích thích nội mạc tử cung tiết protein để nuôi dưỡng phôi thai, ngăn hiện tượng kinh nguyệt.
Sau phóng noãn nếu trứng không được thụ tinh thì khoảng hai ngày cuối của chu kỳ kinh nguyệt, hoàng thể sẽ bị teo đi tạo thành thể vàng. Tuy nhiên, do một nguyên nhân nào đó, hoàng thể không teo đi mà phát triển thành nang bên trong có chứa đầy dịch, tạo thành u nang. Kích thước trung bình của nang hoàng thể từ 5-10 cm.
- Nang hoàng tuyến: là các nang được tạo thành từ những nang bọc noãn có kích thước quá lớn, không có khả năng giải phóng noãn, vỏ mỏng, trong có chứa dịch lutein. Loại nang này có thể gặp ở một hoặc cả hai bên buồng trứng. Nang hoàng tuyến hay gặp những bệnh nhân chửa trứng, bệnh nhân vô sinh, hiện nay được điều trị chủ yếu bằng hormon hướng sinh dục liều cao.
U nang thực thể
U nang thực thể được hình thành và phát triển âm thầm trong nhiều năm từ những tổn thương thực thể của buồng trứng. Nang thực thể thường là những khối u lành tính, tuy nhiên vẫn có khả năng tiến triển thành ác tính (ung thư) hoặc gây ra các biến chứng khó lường, ảnh hưởng tới tính mạng của chính người bệnh nếu không được phát hiện và cứu chữa kịp thời như: Xuất huyết trong nang, xoắn u nang, vỡ buồng trứng, nhiễm trùng…
U nang buồng trứng thực thể được chia làm ba loại:
- U nang nước: Đa số các u nang nước thường là lành tính và chiếm tới 40% các loại u buồng trứng. U nang nước có cấu tạo là một túi chứa dịch trong, có cuống dài, được bọc bên ngoài bởi lớp vỏ mỏng trơn nhẵn nên nang thường không dính vào xung quanh, dễ di động và dễ vỡ. Bên trong nang chia thành nhiều thùy khác nhau và đôi khi có nhú, với những trường hợp có nhú thì thường nghi ngờ là ung thư hóa. U nang nước có thể có ở buồng trứng phải hoặc trái hoặc cả 2 bên của buồng trứng.
- U nang nhầy: là các nang có vách ngăn chia làm nhiều thùy, có kích thước dao động từ vài gam tới hàng chục kilogam. Nang nhầy có vỏ dày hơn u nang nước, thành nang dày có hai lớp: lớp ngoài là tổ chức xơ, ở trong là lớp thượng bì trụ đơn, trong nang chứa chất nước đặc nhầy màu vàng.
Đặc biệt nếu nang nhầy dính vào các tạng chung quanh hoặc bị vỡ sẽ làm dày dính kết mạc bụng, gây nguy hiểm tới người bệnh. Bên cạnh đó, đại đa số u nang nhầy là u lành tính, có một số ít là bị tiến triển thành ung thư hóa. Tuy nhiên, bệnh này rất hay gặp ở phụ nữ tuổi sinh đẻ (chiếm khoảng 25% các khối u buồng trứng), vì vậy chị em cũng không nên quá chủ quan mà nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời.
- U nang bì: chiếm khoảng 25% các khối u buồng trứng. Thường gặp nhất là u quái (teratoma) và khối u tế bào mầm, có thể chưa gặp ở tuổi sinh đẻ, tuổi sau mãn kinh hoặc ở trẻ em. 10% teratoma gặp khi mang thai. Thành nang có cấu trúc như da có lớp sừng, mỡ, mồ hôi trong nang chứa tóc, răng, bã đậu.
U nang bì thường gặp nhất là u quái (teratoma) và khối u tế bào mầm. Thành nang có cấu trúc như da, dày, có lẫn những sợi cơ, bên trong nang có chứa các tổ chức đã được biệt hóa của da như: Tóc, răng, bã đậu. U có thể xuất hiện ở một bên hoặc cả hai bên, tuy nhiên u sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm khó lường hơn nếu xuất hiện ở cả hai bên. Đây là khối u chiếm tỷ lệ khoảng 25% các khối u buồng trứng, có thể gặp ở mọi độ tuổi từ trẻ em đến người già, tuy nhiên đại đa số là phụ nữ tuổi từ 20-30. 10% các khối u quái gặp khi mang thai.
Bên cạnh đó, dù không nằm trong tử cung nhưng các tổ chức niêm mạc này vẫn được nuôi dưỡng và chịu ảnh hưởng của các hormon sinh dục trong cơ thể, do đó hàng tháng chúng vẫn bong ra và tích tụ lại tạo thành khối u lạc nội mạc tử cung. Hiện nay, lạc nội mạc tử cung là căn bệnh thường gặp, theo ước tính thì có khoảng từ 6-10% phụ nữ trên thế giới mắc căn bệnh này, chưa kể những người mắc bệnh mà không có triệu chứng.
Triệu chứng của bệnh u nang buồng trứng
Triệu chứng của u nang buồng trứng khá mơ hồ và hay bị nhầm lẫn với nhiều bệnh khác, vì vậy khi có các triệu chứng dưới đây chị em cần hết sức lưu ý và nên đi khám để phát hiện và điều trị kịp thời:
- Đau lưng, đau vùng chậu: Thông thường, bệnh nhân cảm thấy đau lưng và đau vùng chậu là khi khối u đã to, có kích thước lớn hơn 5cm dẫn đến chèn ép vào rễ các dây thần kinh đi ra từ đốt sống hoặc chèn ép vào vùng thắt lưng.
- Táo bón, đái rắt, đái nhiều lần, hội chứng bàng quang kích thích: Như đã nói ở trên, khi kích thước khối u đã lớn nó có thể gây chèn ép các cơ quan khác. Theo cấu tạo giải phẫu của cơ thể, buồng trứng nằm ở trước trực tràng, sau bàng quang. Khi khối u của buồng trứng quá to gây chèn ép trực tràng ở phía sau gây tình trạng táo bón, đi ngoài nhiều lần.
- U nang có thể chèn ép vào bàng quang ở phía trước gây nên triệu chứng đái rắt, đái nhiều lần hoặc hội chứng bàng quang kích thích, có thể chèn vào niệu quản gây tình trạng ứ nước ngược dòng (tăng áp lực đài bể thận, viêm đài bể thận, thậm chí suy giảm chức năng, mất chức năng của đài bể thận, mất chức năng của thận…)
- Chu kỳ kinh nguyệt bất thường: Đây là một trong những triệu chứng gặp sớm khi xuất hiện các khối u nang buồng trứng.
- Đau khi quan hệ tình dục: Khi u nang có kích thước khá lớn >5 cm, thì thường một số bệnh nhân sẽ cảm thấy đau khi quan hệ tình dục, vì vậy chị em cần hết sức chú ý và cần đi khám khi thấy tình trạng này.
Nguyên nhân gây ra bệnh u nang buồng trứng
Hiện nay vẫn các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân chính xác gây u nang buồng trứng. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thăm khám và điều trị của các bác sĩ đã đưa ra được một số nguyên nhân có thể gây ra u nang buồng trứng:
- Rối loạn nội tiết tố: do lạm dụng thuốc tránh thai, béo phì, tình trạng stress căng thẳng kéo dài, sử dụng các loại thực phẩm có chứa hormon tăng trưởng quá nhiều…
- Dư thừa HCG: HCG (Human Chorionic Gonadotropin) là hormon do các tế bào lá nuôi bài tiết vào máu mẹ. Hormon này có thể tìm thấy trong máu hoặc nước tiểu của mẹ 8-9 ngày sau khi phóng noãn, tức là rất sớm, ngay sau khi phôi cấy vào niêm mạc tử cung.
HCG có tác dụng ngăn cản sự thoái hóa của hoàng thể, từ đó kích thích hoàng thể bài tiết estrogen và progesteron làm ngăn cản hiện tượng kinh nguyệt, làm niêm mạc tử cung dày tạo điều kiện cho phôi làm tổ và phát triển. Nếu HCG bị dư thừa sẽ hình thành u nang lutein, mà nguyên nhân gây ra dư thừa HCG là do: rối loạn HCG để kích thích rụng trứng (thường gặp ở những chị em bị vô sinh sử dụng phương pháp kích thích phóng noãn để khởi phát quá trình rụng trứng, giúp thụ thai), sự xuất hiện của các khối u trong thời kỳ thai nghén.
- Nang trứng phát triển không đầy đủ: Các u tạo thành do nguyên nhân này thường do nang trứng không hấp thụ được các chất dinh dưỡng để hoàn thiện, tạo thành các nang bị khiếm khuyết, không đủ khả năng để phóng noãn và tạo trứng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để hình thành u nang buồng trứng. Thông thường các khối u này khá lành tính, có thể tự biến mất sau vài tuần, không gây ra biến chứng nguy hiểm nào cả.
Bệnh u nang buồng trứng có nguy hiểm không?
U nang buồng trứng là căn bệnh tiến triển âm thầm, lặng lẽ, các triệu chứng của bệnh khá mơ hồ và không rõ ràng. Vì vậy, đa phần các chị em thường không phát hiện và điều trị kịp thời các khối u này, dẫn đến biến chứng khá nguy hiểm, cần được cấp cứu và xử trí kịp thời, dưới đây là một số biến chứng của u nang buồng trứng mà chị em cần biết:
- Xoắn u nang: Biến chứng này xảy ra với các u có kích thước không to lắm, cuống dài và có khả năng di động, làm xoắn u nang, thường là u nang bì, đôi khi là nang nhầy và nang nước. Khi khối u bị xoắn lại làm cho dòng máu đến nuôi dưỡng tổ chức ở vị trí đó bị ngưng trệ dẫn đến hoại tử, người bệnh sẽ có các biểu hiện như sốt, đau bụng đột ngột và dữ dội, có thể kèm theo buồn nôn và nôn, rối loạn nhu động ruột, vã mồ hôi. Qua khám, thấy khối u phình to, ấn đau vùng hai hố chậu và hạ vị. Nếu không xử trí kịp thời, khối u có thể vỡ ra gây nguy hiểm tới tính mạng cứu người bệnh.
- Vỡ nang: Đây là tình trạng hết sức nguy hiểm, cần được cấp cứu ngay lập tức. Vỡ u nang thường xảy ra sau khi u nang bị xoắn nhiều vòng, hoặc do chấn thương va đập vào u gây vỡ u. Người bệnh cảm thấy đau bụng đột ngột, đau dữ dội, choáng váng (nếu vỏ nang có mạch máu bị tổn thương sẽ gây chảy máu và mất máu, từ đó làm bệnh nhân choáng váng). Khi khối u bị vỡ sẽ làm dịch của khối u ra bên ngoài, có thể gây hội chứng nhiễm khuẩn, bụng chướng…Nếu không cấp cứu có thể đe dọa tính mạng của người bệnh.
- Nhiễm khuẩn u nang: Xảy ra sau khi u nang bị xoắn, nhiễm khuẩn làm u nang to lên dính vào các tạng xung quanh. Biểu hiện của nhiễm khuẩn u nang khá giống với biểu hiện của viêm phúc mạc tiểu khung: Đau bụng (đây là triệu chứng được biểu hiện sớm nhất, đau vùng hạ vị dưới lan lên vùng trên), môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi, sốt.
- Nang chèn ép các tạng: Chèn ép trực tràng, chèn ép bàng quang, niệu quản gây táo bón, ứ nước bể thận, tiểu rắt, tiểu buốt. Nang to tiến triển trong nhiều năm choán hết ổ bụng chèn ép tĩnh mạch chủ dưới gây phù, tuần hoàn bàng hệ, cổ chướng.
- Ung thư: Đây là một biến chứng rất nguy hiểm ở u nang, đặc biệt là ở u nang thực thể (hay gặp ở u nang nước, có các nhú trong vỏ nang). Biến chứng này cần được phát hiện và điều trị kịp thời nếu không khối u có thể di căn và đe dọa tới tính mạng của người bệnh.
- Có thai kèm theo u nang: U nang có thể gây sảy, đẻ non, u tiền đạo. Vì vậy có chỉ định mổ, cắt u nang nên chờ đến tháng thứ 4 để tránh sảy thai, nếu xoắn u nang phải mổ ngày bất kỳ lúc nào do u nang đó có thể có nguy cơ vỡ ngày bất cứ lúc nào.
Điều trị bệnh u nang buồng trứng
Như đã phân loại ở trên, u nang buồng trứng được chia làm 2 loại chính là u nang cơ năng và u nang thực thể. Vì vậy, với mọi loại u nang khác nhau sẽ có những phương pháp điều trị riêng biệt:
- U nang cơ năng: Đây là loại u lành tính, thường tự biến mất sau vài chu kỳ kinh của phụ nữ hoặc biến mất khi sạch kinh. Do vậy, với loại u này chị em không cần quá lo lắng, chỉ cần đi khám phụ khoa định kỳ và có lối sống lành mạnh để đảm bảo sức khỏe của chính bản thân là được.
- U nang thực thể: U nang thực thể đa phần là lành tính, nhưng trong một số trường hợp u nang thực thể có thể bị ung thư hóa. Vì vậy, loại u này cần được loại bỏ sớm nhất có thể để tránh gây ra biến chứng về sau. Với những bệnh nhân chưa có còn cần bóc tách nang để lại phần lành của buồng trứng, còn với những người lớn tuổi do nguy cơ ung thư hóa cao nên cần cắt bỏ buồng trứng để tránh tổn hại đến sức khỏe về sau. Bên cạnh đó, với những khối u quá lớn thì phương pháp mổ mở là rất cần thiết để có thể tách được hoàn toàn khối u ra khỏi buồng trứng và tránh vỡ u gây ra nhiễm trùng. Cùng với đó, nếu khối u đã bị ung thư hóa thì ngoài việc tách khối u, bệnh nhân cần kết hợp cùng với phương pháp hóa trị liệu, do đó người bệnh cần được sự hỗ trợ rất lớn về mặt tình thần và vật chất từ gia đình.
Cách phòng ngừa bệnh u nang buồng trứng
Hiên nay, u nang buồng trứng là căn bệnh khá phổ biến. Vì vậy, chị em cần có lối sống lành mạnh để phòng tránh u nang buồng trứng cũng như phòng tránh các bệnh khác:
- Luyện tập thể dục thể thao đều đặn để nâng cao sức đề kháng.
- Tránh làm việc quá sức, stress dài ngày, nên kết hợp hài hòa giữa sinh hoạt hàng ngày và công việc sao cho hợp lý để có thời gian thư giãn cho bản thân.
- Không nên sử dụng các nước uống có cồn, các chất kích thích, ngừng hút thuốc
- Chế độ ăn hợp lý, ăn nhiều rau xanh, củ quả, ngũ cốc, uống đủ nước mỗi ngày.
- Điều chỉnh cân nặng phù hợp, tránh béo phì.
Hy vọng bài viết trên sẽ giải đáp được thắc mắc của chị em về bệnh u nang buồng trứng và giúp chị em nhận biết được căn bệnh của mình sớm nhất có thể để điều trị kịp thời.
Tài liệu tham khảo
Tác giả Heather Grey, What Is Endometrial Cancer? Symptoms, Stages, Treatments, Healthline, đăng 3/10/2019. Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2021.