Thuốc Levosum là thuốc điều trị thay thế hoặc bổ sung hormon tuyến giáp cho các hội chứng suy giáp ở tất cả mọi lứa tuổi (bao gồm cả phụ nữ có thai). Tuy nhiên, với mỗi bệnh nhân khác nhau với tình trạng bệnh khác nhau thì cần có liều dùng và các lưu ý khi sử dụng thuốc khác nhau. Bài viết dưới đây, Bimufa xin gửi đến bạn đọc cách sử dụng và các lưu ý khi dùng thuốc Levosum.
Levosum 0.1mg là thuốc gì?
Thuốc Levosum có thành phần chính là Levothyroxin Sodium, được sản xuất bởi công ty Samnam Pharmaceutical Co., Ltd, Hàn Quốc. Thuốc dùng để điều trị, thay thế hoặc bổ sung cho các tình trạng suy giáp (ngoại trừ suy giáp nhất thời trong trường hợp hồi phục viêm giáp bán cấp).
- Dạng bào chế: Viên nén
- Quy cách đóng gói: Hộp 10 vỉ x 10 viên
- Nhà sản xuất: Samnam Pharmaceutical Co., Ltd, Hàn Quốc
- Số đăng ký: VN – 22010 – 19
Thành phần
- Thành phần chính: Levothyroxine Sodium hàm lượng 0.1 mg.
- Tá dược vừa đủ hàm lượng 1 viên.
Dược lực học
Levothyroxin là hormon chủ yếu của tuyến giáp, có tên hóa học là 3,5,3’,5’-tetraiodo L-thyronin, có thể được gọi bằng các tên L-thyroxin, là đồng phân tả tuyền của thyroxin (T4). Tuyến giáp là tuyến nội lớn nhất của cơ thể, sản xuất hai hormon chính là triiodothyronin (T3), chiếm 10% và tetraiodothyronin, chiếm tới 90%.
Các hormon tuyến giáp được tổng hợp tại tế bào nang giáp. Iod là nguyên liệu cần thiết cho việc tổng hợp hormon tuyến giáp . Lượng iod trong tuyến giáp chiếm tới 1/3 tổng lượng iod trong cơ thể. Nồng độ hormon tuyến giáp trong cơ thể được điều hòa theo trục dưới đồi – tuyến yên – tuyến giáp. Bình thường, khi nồng độ T3, T4 tự do trong máu giảm dưới ngưỡng sinh lý sẽ kích thích vùng dưới đồi tiết hormon TRH, sau đó TRH kích thích tuyến yên giải phóng TSH. TSH kích thích tuyến giáp bài tiết T3, T4. Do vậy, nếu TRH tăng tiết thì TSH tăng tiết, T3, T4 sẽ được bài tiết nhiều, ngược lại nếu TRH giảm dẫn tới TSH giảm, T3, T4 sẽ bài tiết ít.
Nồng độ iod cũng là một yếu tố giúp điều hòa T3, T4, khi nồng độ iod vô cơ trong tuyến giáp cao sẽ ức chế bài tiết T3 và T4, khi nồng độ iod hữu cơ cao dẫn tới giảm thu nhận iod do đó làm giảm tổng hợp T3 và T4. Một số yếu tố khác như thời tiết lạnh, các tác nhân gây stress gây giải phóng nhiều TRH và TSH do đó gây tăng tiết T3 và T4. Hormon tuyến giáp sau khi được đưa vào máu có tới 93% là T4, chỉ có 7% là T3. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, hầu hết T4 bị mất một nguyên tử iod để thành T3. Như vậy T3 là dạng hoạt động tại tế bào trong khi T4 được coi là tiền hormone.
Tác dụng dược lý chính của hormon tuyến giáp là làm tăng hoạt động chuyển hóa của hầu hết các mô trong cơ thể: Tăng tốc độ các phản ứng hóa học, tăng sử dụng oxy ở tế bào và tăng chuyển hóa vật chất để cung cấp năng lượng do vậy mức chuyển hóa cơ sở có thể tăng từ 60 – 100% trên mức bình thường nếu hormon tuyến giáp được bài tiết nhiều. Hormon tuyến giáp có tác dụng đặc biệt lên sự phát triển và hoàn thiện chức năng cơ thể. Ở người tác dụng của hormon tuyến giáp thể hiện chủ yếu trong thời kỳ trẻ đang lớn. Hormon tuyến giáp làm tăng tốc độ phát triển xương dài, tăng phát triển tổ chức thần kinh và tổ chức cơ, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển não trong thời kỳ bào thai và trong những năm đầu sau khi sinh.
Bên cạnh đó, hormon tuyến giáp vừa làm tăng tổng hợp protein vừa làm tăng thoái hóa protein, làm tăng chuyển hóa glucid do làm tăng hoạt hóa các enzym chuyển hóa glucid trong tế bào, làm tăng tất cả các giai đoạn của chuyển hóa lipid vì lipid là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu của cơ thể. Ngoài ra, trên hệ tim mạch, hormon tuyến giáp gây ra ảnh hưởng rõ rệt như: Gây giãn mạch ngoại vi ở hầu hết các mạch ngoại vi trong cơ thể, làm tăng nhịp tim, làm tăng huyết áp tâm thu từ 10 -15 mmHg, gây giảm huyết áp tâm trương do giãn mạch. Như vậy, hormon tuyến giáp có tác động đến mọi cơ quan trong cơ thể và đặc biệt quan trọng với sự phát triển của hệ TKTW.
Dược động học
Hấp thu
Sau khi uống, Levosum được hấp thu ở dạ dày – ruột, đạt đỉnh trong máu sau khoảng 2 – 4 giờ. Hấp thu dao động từ 48% – 79% tùy thuộc vào các yếu tố như: tuổi tác, thức ăn kết hợp cùng hoặc thời gian uống thuốc. Theo như nghiên cứu, uống thuốc trước khi ăn sẽ làm tăng hấp thu của thuốc; tuổi già, một số thức ăn (đậu nành, một số thuốc hoặc hóa chất: Sucralfat, các thuốc bao phủ dạ dày, nhựa trao đổi ion, sắt sulfat) làm giảm hấp thu levosum.
Phân bố
Trong máu, gần như toàn bộ Levothyroxin gắn với protein huyết tương (99,8%), trong đó chủ yếu là gắn với globulin, chỉ có một phần nhỏ là gắn với albumin.
Chuyển hóa
Levothyroxin liên hợp với acid glucuronic và sulfuric trong gan.
Thải trừ
Nửa đời huyết tương của Levothyroxin ở người có chức năng tuyến giáp bình thường khoảng 6 – 7 ngày; ở người thiểu năng tuyến giáp (hypothyroidism) là 9 – 10 ngày; ở người cường giáp (hyperthyroidism) là 3 – 4 ngày. Sản phẩm chuyển hóa cuối cùng của levothyroxin sau các quá trình khử hóa nhóm amin và nhóm cacboxyl là acid tetraiodothyroacetic; liên hợp với acid glucuronic và sulfuric trong gan, bài tiết vào mật qua tuần hoàn gan mật và bài tiết vào phân; được đào thải qua phân và nước tiểu. L-thyroxin (T4 ) có ái lực liên kết mạnh hơn L-triiodothyronine (T3 ) ở cả trong máu tuần hoàn và trên tế bào, điều này giải thích tác dụng kéo dài của levothyroxin so với liothyronin.
Chỉ định của thuốc Levosum 0.1mg
- Dùng để điều trị bổ sung hoặc thay thế cho các hội chứng suy giáp do bất cứ nguyên nhân nào, ở mọi lứa tuổi (bao gồm cả phụ nữ có thai), trừ trường hợp suy giáp tạm thời do đang trong thời kỳ hồi phục viêm giáp bán cấp.
- Ức chế tiết thyrotropin (TSH): Tác dụng này có thể có ích trong bướu cổ đơn thuần và trong bệnh viêm giáp mạn tính (Hashimoto). Nguyên nhân chủ yếu của bệnh bướu cổ đơn thuần là do thiếu iod trong thức ăn, nước uống, vì vậy không đủ iod để tổng hợp hormon giáp. Nồng độ T3, T4 thấp trong máu tác dụng feedback ngược âm tính làm tăng tiết TSH tiền yên. TSH làm tăng bài tiết thyroglobulin trong keo ở nang giáp, nhưng thyroglobulin này chứa ít hormon, do đó tuyến giáp nở to nhằm duy trì tình trạng bình giáp. Levothyroxin trong trường hợp này làm giảm kích thước bướu. Kết hợp cùng với thuốc kháng giáp trong nhiễm độc giáp, giúp ngăn chặn suy giáp và bướu giáp.
Chống chỉ định
Thuốc Levosum chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Mẫn cảm với levothyroxin.
- Suy thượng thận không hồi phục.
- Cường giáp mà chưa được điều trị bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp; suy tim mất bù; suy mạch vành; loạn nhịp mất kiểm soát.
- Không sử dụng levothyroxin cho những bệnh nhân sau phẫu thuật tuyến giáp nhưng vẫn có mức TSH máu bình thường.
- Nhiễm độc do tuyến giáp chưa được điều trị và nhồi máu cơ tim cấp.
Cách dùng thuốc Levosum 0.1mg
Thuốc Levosum dạng viên nén dùng đường uống. Liều dùng phải được điều chỉnh theo đáp ứng của mỗi bệnh nhân. Chỉ số TSH là căn cứ để điều chỉnh liều. Levosum uống 1 lần duy nhất trong ngày, uống vào lúc đói, thường trước bữa ăn sáng.
Suy tuyến giáp ở người lớn
Liều duy trì trung bình 100 tới 200 microgam, dùng 1 lần duy nhất trong ngày. Tuy nhiên, liều này phải được xác định bằng cách sử dụng liều khởi đầu thấp sau đó tăng liều từ từ để xác định được liều phù hợp. Thường khởi đầu với liều 50 – 100 microgam/ngày, sau đó nâng mức liều từ từ, 25 – 50 microgam mỗi lần tăng, trong khoảng 4 tuần cho đến khi có đáp ứng mong muốn và duy trì ở mức liều này.
Ở người > 50 tuổi, bị bệnh tim hoặc suy tuyến giáp nặng, nên khởi đầu với liều thấp: 12,5 – 25 microgam/ngày, tăng liều từ từ với mức tăng 12,5 – 25 microgam cho mỗi lần tăng, trong khoảng 4 tuần để đạt đến liều duy trì.
Suy tuyến giáp ở trẻ em
Trẻ sơ sinh: Khởi đầu 10 – 15 microgam/kg, một lần duy nhất/ngày, điều chỉnh liều 2 tuần một lần với mức tăng 5 microgam/lần điều chỉnh cho đến khi đạt mức liều duy trì trung bình 20 – 50 microgam/ngày. Tối đa không vượt quá 50 microgam/ngày.
- Trẻ từ 1 tháng – 2 tuổi: Khởi đầu 5 microgam/kg, duy nhất 1 lần / ngày, tối đa không vượt quá 50 microgam/ngày, điều chỉnh liều 2 – 4 tuần một lần với mức tăng 10 – 25 microgam/lần điều chỉnh cho đến khi đạt mức liều duy trì trung bình 20 – 70 microgam/ngày.
- Trẻ từ 2 – 12 tuổi: Khởi đầu 50 microgam một lần duy nhất/ngày, điều chỉnh liều 2 – 4 tuần một lần với mức tăng 25 microgam/ lần điều chỉnh cho đến khi đạt mức liều duy trì trung bình 75 – 100 microgam/ngày.
- Trẻ từ 12 – 18 tuổi: Khởi đầu 50 microgam một lần duy nhất/ngày, sau đó nâng mức liều từ từ, 25 – 50 microgam mỗi lần tăng, trong khoảng 4 tuần cho đến khi có đáp ứng mong muốn và duy trì ở mức liều này.
Điều trị suy tuyến giáp cấp sau phẫu thuật (ở bệnh nhân không có bệnh tim mạch)
Dùng thay thế hormon giáp với liều ban đầu 1 microgam/kg/ngày, điều chỉnh tăng liều từ từ đến liều trung bình 1,7 microgam/kg/ngày
Điều trị ngăn suy giáp tiến triển
Liều ban đầu 2 microgam/kg/ ngày, điều chỉnh tăng liều từ từ đến liều trung bình từ 2,1 đến 2,5 microgam/kg/ngày.
Phối hợp với thuốc kháng giáp tổng hợp trong điều trị bệnh basedow
Liều trung bình từ 25 đến 50 microgam/ngày.
Lưu ý: Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra, bạn cần tham khảo ý kiến của dược sĩ hoặc bác sĩ trước khi dùng thuốc.
Làm gì khi dùng quá liều?
Triệu chứng: Gây trạng thái tăng chuyển hóa tương tự như nhiễm độc giáp nội sinh. Dấu hiệu và triệu chứng như sau: Giảm cân, tăng thèm ăn, đánh trống ngực, bồn chồn, ỉa chảy, co cứng bụng, vã mồ hôi, nhịp tăng nhanh, tăng huyết áp, loạn nhịp, giật rung, mất ngủ, sợ nóng, sốt, rối loạn kinh nguyệt. Triệu chứng không phải lúc nào cũng lộ rõ, có thể nhiều ngày sau khi uống thuốc mới xuất hiện.
Nếu xuất hiện các triệu chứng khi dùng quá liều levosum cần lập tức giảm liều hoặc tạm ngừng dùng thuốc. Cần điều trị triệu chứng và hỗ trợ ngay lập tức đối với trường hợp quá liều cấp. Đối với điều trị cấp, cần điều trị để giảm hấp thu thuốc ở đường tiêu hóa, ngăn ngừa tác dụng của thuốc lên thần kinh trung ương và ngoại vi, đặc biệt là những tác dụng tăng hoạt động ngoại cảm. Phương pháp để điều trị trong trường hợp này có thể gây nôn, rửa dạ dày hoặc có thể làm giảm hấp thu bằng cách sử dụng Cholestyramin hoặc than hoạt khi người lớn uống trên 10 mg, trẻ em trên 5 mg trong 1 giờ.
Cần kiểm soát thân nhiệt, hẹ đường huyết, mất nước nếu có. Theo dõi triệu chứng thêm 6 ngày sau khi ngừng dùng thuốc, sử dụng glucocorticoid nhằm ức chế chuyển từ T4 thành T3. Bên cạnh đó, thuốc ít được loại bỏ qua bằng đường phân do T4 liên kết với protein nhiều.
Tác dụng phụ của Levosum 0.1mg
Thường gặp (ADR > 1/100)
Triệu chứng cường giáp: Sụt cân, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim, đau thắt ngực, run, đau đầu, mất ngủ, không chịu được nóng, sốt, hồi hộp, dễ kích thích, ỉa chảy, co cứng bụng, vã mồ hôi.
Ít gặp (1/1000 < ADR < 1/100)
Rụng tóc.
Hiếm gặp (ADR < 1/1000)
Dị ứng. Tăng chuyển hóa, suy tim. Loãng xương. Gây liền sớm đường khớp sọ ở trẻ em. U giả ở não trẻ em.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Cần ngưng sử dụng thuốc ngay lập tức, thông báo cho bác sĩ hoặc tới cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời nếu gặp tác dụng phụ của thuốc.
Thận trọng khi sử dụng
- Không chỉ định levosum cho mục đích chống béo phì, làm giảm cân; độc tính rất nặng thậm chí đe dọa tính mạng có thể xuất hiện khi dùng levosum kết hợp với các thuốc gây chán ăn.
- Chỉ định levosum phải rất thận trọng cho những người có bướu cổ địa phương lâu ngày, bướu cổ to nhưng chức năng giáp bình thường; phụ nữ ở lứa tuổi quanh mạn kinh – dù TSH ở mức thấp của giới hạn bình thường; đặc biệt ở nam giới trên 60 tuổi, người bệnh đã được chẩn đoán loãng xương; bệnh mạch vành hoặc bệnh hệ thống.
- Sử dụng rất thận trọng đối với bệnh nhân đái tháo đường và đái tháo nhạt. Sử dụng thận trọng và giảm liều ở những bệnh nhân đau thắt ngực hoặc các bệnh tim mạch khác.
- Đối với bệnh nhân suy thượng thận có kèm suy giáp, khi chỉ định liệu pháp thay thế hormon giáp không kèm theo corticosteroid có thể dẫn đến suy thượng thận cấp. Xét nghiệm chẩn đoán thường xuyên và chỉ định thêm corticosteroid giúp ngăn ngừa tình trạng suy thượng thận trở lên trầm trọng.
- Dùng levosum dài ngày có thể làm giảm lượng khoáng trong xương.
- Hiệu quả điều trị hoặc các dấu hiệu không dung nạp chỉ có thể nhận biết được sau từ 15 ngày đến 1 tháng dùng levosum. Không dùng đồng thời levosum và natri iodid.
- Điều trị hôn mê phù niêm phải dùng kèm glucocorticoid.
- Ở trẻ em dùng quá liều gây liền sớm khớp sọ.
Người già đã bị thiểu năng giáp lâu ngày
Cần tăng liều một cách hết sức từ từ để tránh sự gia tăng bất thường về chuyển hóa cơ bản.
Người cao tuổi
Hết sức thận trọng. Người ta đã từng ghi nhận với liều ức chế TSH của levosum sẽ làm tăng tỷ lệ rung nhĩ lên gấp 3 lần.
Dùng phối hợp thuốc chống đông máu đường uống
Cần kiểm tra thường xuyên thời gian prothrombin và chỉ số INR để điều chỉnh liều lượng cho phù hợp (chi tiết xem phần Tương tác thuốc).
Thời kỳ mang thai
Hiện nay, chưa thấy tác dụng có hại nào tới bào thai khi người mẹ đang mang bầu dùng levosum do các hormon tuyến giáp hiếm có khả năng qua được hàng rào nhau thai. Levothyroxin có vai trò vô cùng quan trọng trong thời kỳ mang thai, giúp thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển não trong thời kỳ bào thai. Nếu trong thời kỳ bào thai lượng hormon giáp không được bài tiết đầy đủ thì sự phát triển và trưởng thành của não sẽ bị chậm lại, não của đứa trẻ nhỏ hơn bình thường, trí tuệ kém phát triển. Việc điều trị vẫn tiếp tục đối với phụ nữ thiểu năng tuyến giáp. Liều dùng đối với phụ nữ mang thai cần được kiểm soát bằng cách kiểm tra định kì nồng độ TSH trong huyết thanh.
Thời kỳ cho con bú
Hormon tuyến giáp được bài tiết một lượng nhỏ theo sữa mẹ, Tuy nhiên không gây ảnh hưởng có hại tới trẻ. Cần cẩn trọng khi dụng thuốc levosum cho phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú.
Tương tác thuốc
- Levosum giảm tác dụng của dẫn chất theophylline.
- Corticosteroid: Ở bệnh nhân suy giáp, sự thanh thải qua chuyển hóa các corticosteroid giảm, ngược lại ở bệnh nhân cường giáp sự thanh thải tăng. Do đó có thể thay đổi cùng với sự thay đổi của tuyến giáp. Điều chỉnh liều phải dựa vào kết quả đánh giá chức năng tuyến giáp và tình trạng lâm sàng.
- Amiodaron: Amiodaron ức chế phản ứng chuyển hoá levothyroxin thành triiodothyronin, làm giảm nồng độ T3 trong máu đồng thời tăng nồng độ dạng T3 bất hoạt (reverse T3 ). Dùng một mình Amiodaron có thể dẫn đến suy giáp hoặc cường giáp.
- Thuốc chống đông, coumarin hoặc dẫn xuất indandion: Tùy thuộc vào tình trạng tuyến giáp của mỗi bệnh nhân mà tác dụng của thuốc chống đông sẽ bị ảnh hưởng khác nhau. Hormon tuyến giáp làm tăng tác dụng của thuốc chống đông đường uống (do tăng chuyển hoá các yếu tố gây đông máu của phức hợp thrombin) và dễ dẫn đến nguy cơ chảy máu. Cần theo dõi thường xuyên chỉ số prothrombin, chỉ số INR và điều chỉnh liều thuốc chống đông đường uống khi dùng trên những bệnh nhân thiểu năng giáp đang điều trị với levosum hoặc bệnh nhân cường giáp.
- Rifampicin: Làm giảm tác dụng của levosum do cảm ứng enzym chuyển hoá thuốc. Ciprofloxacin uống làm giảm tác dụng của levosum, tuy nhiên uống 2 thuốc cách nhau 6 giờ tránh được tương tác.
- Các thuốc gây cảm ứng enzym như carbamazepin, phenytoin, barbiturat: Làm tăng chuyển hóa hormon giáp đưa đến giảm nồng độ hormon trong máu; cần tăng liều levosum nếu dùng đồng thời với các thuốc này và giảm liều khi ngừng các thuốc này.
- Nồng độ digoxin trong huyết thanh bị giảm ở người cường giáp và tăng ở người suy giáp; người suy giáp nhạy cảm hơn với digoxin. Thuốc chống đái tháo đường và/hoặc insulin: Hormon tuyến giáp có thể làm tăng nhu cầu insulin hoặc thuốc chống đái tháo đường; nên theo dõi cẩn thận việc kiểm soát đái tháo đường, khi bắt đầu hoặc khi thay đổi hoặc ngừng điều trị tuyến giáp.
- Estrogen: Làm tăng lượng levothyroxin liên kết protein huyết tương và giảm lượng tự do; cần tăng liều levosum khi chỉ định cho phụ nữ tiền mãn kinh đang điều trị bằng estrogen. Androgen, ngược lại làm giảm lượng levothyroxin liên kết protein huyết tương, do đó làm tăng lượng levothyroxin tự do trong máu.
- Raloxifene: Có tương tác làm giảm tác dụng của levosum, cần tăng liều levosum khi chỉ định cho phụ nữ đang dùng raloxifene. Tương tác này có thể khắc phục khi dùng 2 thuốc cách nhau khoảng 12 giờ.
- Thuốc ức chế HIV-protease : Tương tác của levosum với thuốc ức chế HIV-protease cũng đã được ghi nhận, cần tăng liều levosum khi chỉ định cùng ritonavir và giảm liều khi chỉ định cùng indinavir.
- Thuốc hạ cholesterol nhóm statin như lovastatin và simvastatin: Được phát hiện có tương tác với levothyroxin. Lovastatin được phát hiện cả trường hợp làm tăng, cả trường hợp làm giảm tác. dụng của levothyroxin; simvastatin được ghi nhận cần tăng liều levothyroxin khi chỉ định cùng thuốc này.
- Thuốc giống thần kinh giao cảm: Dùng đồng thời với levosum có thể tăng nguy cơ bệnh mạch vành, có thể do hormon giáp làm tăng tính nhạy cảm của thụ thể với catecholamin.
- Thuốc điều trị trầm cảm: Lithi ức chế giải phóng hormon từ tuyến giáp vào tuần hoàn, gây biểu hiện suy giáp trên lâm sàng. Tác dụng của levosum bị suy giảm bởi sertraline, cần tăng liều levosum khi chỉ định cho bệnh nhân suy giáp đang dùng sertralin. Dùng đồng thời levosum với thuốc chống trầm cảm 3 vòng sẽ làm tăng tác dụng và tăng độc tính của cả 2 thuốc, có thể do tăng nhạy cảm với catecholamin; tác dụng của thuốc trầm cảm ba vòng có thể đến sớm hơn.
- Các thuốc chống viêm không steroid: Trong khi điều trị với một số thuốc chống viêm, nồng độ T4 và T3 bị thấp giả. Định lượng TSH huyết thanh ít bị tác động hơn, do đó dùng TSH tốt hơn.
- Orlistat: Làm giảm tác dụng của levosum, cần theo dõi chức năng giáp khi dùng đồng thời 2 thuốc này. Hai thuốc này cần uống cách nhau ít nhất 4 giờ.
- Các cytokin (interferon, interleukin): Có thể gây cả chứng suy giáp và cường giáp.
- Somatrem/Somatropin: Dùng đồng thời với hormon tuyến giáp quá nhiều có thể làm cốt hóa nhanh đầu xương. Suy giáp không được điều trị có thể ảnh hưởng đến đáp ứng tăng trưởng với 2 thuốc này.
Thuốc Levosum mua ở đâu chính hãng?
Thuốc Levosum được bán tại hầu hết các nhà thuốc hoặc cơ sở kinh doanh dược phẩm trên khắp cả nước. Tuy nhiên, người bệnh cần tìm hiểu các cơ sở uy tín được Bộ Y tế cấp phép đầy đủ để đảm bảo mua được thuốc chất lượng và giá thành hợp lý.
Levosum hiện nay được sử dụng rộng rãi trong điều trị tuyến giáp nên mong rằng qua bài viết này, các bạn đã có thêm nhiều kiến thức trong thuốc điều trị tuyến giáp. Chúc các bạn luôn có sức khỏe tốt.
Nguồn tham khảo
NCBI, truy cập ngày 09 tháng 1 năm 2022.
Dược sĩ Lưu Anh –
bài viết rất chi tiết